Người nghèo sẽ được miễn chi phí khi khám chữa bệnh
VOV.VN -Thay đổi trong Dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi) được nhiều người dân đồng tình ủng hộ.
Quy định này đã hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh và khả năng chi trả của người bệnh, nhất là những người mắc các bệnh nặng, bệnh mãn tính.
Tuy nhiên theo Dự thảo Luật bảo hiểm y tế (sửa đổi), các đối tượng trên sẽ được miễn chi phí khi khám chữa bệnh. Thay đổi đó được nhiều người dân đồng tình ủng hộ.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (quê Thái Bình) có chồng đang điều trị tại Viện Tim mạch Quốc gia. Số tiền vay mượn để đi viện điều trị bệnh hở van hai lá chưa trả hết thì nay gia đình bà lại phải xoay sở để có tiền cho chồng đi viện, vì ông bị thêm bệnh vôi hóa động mạch vành.
Mặc dù đã được Nhà nước chi trả tới 80% viện phí nhưng số tiền còn lại phải đồng chi trả với gia đình bà cũng là quá lớn khi nguồn thu cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng ở quê.
Cũng như nhiều người nghèo khác có người thân đang điều trị tại các bệnh viện, khi biết thông tin có thể sẽ được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ viện phí, bà Nguyễn Thị Nguyệt rất vui mừng.
Nhắc đến những người nghèo phải điều trị dài ngày ở bệnh viện phải kể đến các bệnh nhân đang điều trị tại khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo cho biết: Có người đã phải điều trị tại khoa tới 20 năm.
Theo Luật Bảo hiểm Y tế hiện hành, nhóm người nghèo khi đi khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế phải cùng chi trả 5% viện phí, nhóm người cận nghèo là 20%....
Theo đó, nếu bệnh nhân phải chi trả 20% viện phí thì mỗi tháng sẽ mất khoảng 1,5 triệu đồng. Ngoài ra còn chi phí ăn uống, thuê nhà, người chăm sóc kèm theo thì khoản tiền này sẽ rất lớn.
Những người bị suy thận nếu phải chạy thận nhân tạo thì một tuần phải đến viện 3 lần. Mỗi lần chạy thận là 4 tiếng, họ sẽ không có thời gian làm việc. Vì vậy, nếu được hỗ trợ 100% viện phí sẽ có ý nghĩa rất lớn với các bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng nói: “Mặc dù bảo hiểm đã chi trả ở mức 95% và 80% nghĩa là những bệnh nhân chạy thận nhân tạo hoặc bị bệnh mãn tính phải chi trả không nhiều. Nhưng mà với các bệnh mãn tính như vậy, đó là cả một khoản rất lớn. Cho nên, nếu chỉ cần hỗ trợ thêm dù 1 - 2%, sẽ rất thiết thực cho các bệnh nhân nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số bị bệnh mãn tính, đặc biệt là bệnh nhân chạy thận nhân tạo”.
Mức hưởng bảo hiểm y tế cũng được nâng từ 80% lên 100% chi phí với đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là thân nhân của người có công với cách mạng. Không chỉ người nghèo, người cận nghèo, người có công được nâng quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế mà các đối tượng khác nếu tham gia bảo hiểm y tế liên tục cũng sẽ được tăng mức chi trả viện phí.
Quy định tăng mức thanh toán bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công… sẽ giúp họ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ y tế; bảo đảm công bằng trong khám chữa bệnh và khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế, tiến tới thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân./.