Người phụ nữ khuyết tật giúp hàng chục người chung cảnh ngộ có việc

VOV.VN -Chị Nguyễn Hải Yến ở Quảng Ninh là một trong những người khuyết tật giúp hàng chục người có chung cảnh ngộ có việc làm.

Người khuyết tật thường có mặc cảm là gánh nặng của gia đình, xã hội, là đối tượng được hưởng sự ưu đãi, bảo trợ của Nhà nước. Dù vậy, có những người khuyết tật không cam chịu số phận, nỗ lực vươn lên để có được những thành quả mà ngay cả những người lành lặn, khỏe mạnh cũng phải nể trọng. Chị Nguyễn Hải Yến ở phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh là một trong những người khuyết tật như thế.

Hơn 1 năm qua, gần 30 người khuyết tật của Câu lạc bộ đã được đào tạo và có việc làm ổn định với thu nhập trung bình 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Vụ tai nạn giao thông kinh hoàng cách đây hơn 20 năm đã lấy đi chân phải của Nguyễn Hải Yến, khi ấy vừa tròn 18 tuổi. Thêm 3 năm chạy chữa để giữ bên chân còn lại, tưởng như cánh cửa cuộc đời đã đóng chặt trước mắt cô gái trẻ. Vậy nhưng, trái với suy nghĩ của nhiều người, Hải Yến vẫn cháy bỏng ước mơ trở thành cô giáo.

Năm 1999, Hải Yến thi đỗ vào Trường Đại học ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội và cô sinh viên với đôi nạng gỗ luôn tự tin, năng động và học giỏi đã truyền cảm hứng và tiếp thêm nghị lực cho rất nhiều bạn sinh viên khuyết tật thời điểm ấy. Sau khi tốt nghiệp Đại học, Nguyễn Hải Yến lập gia đình và vào TP HCM lập nghiệp.

Sản phẩm chiếu đan bằng hạt gỗ hương đang được hòan thiện.

Năm 2013, hôn nhân đổ vỡ, chị trở lại quê nhà và cùng một số người khuyết tật thành lập Câu lạc bộ người khuyết tật thị xã Đông Triều với gần 80 thành viên với mục tiêu hỗ trợ nhau trong cuộc sống: “Mới đầu khi thành lập câu lạc bộ này, mọi người chỉ thống nhất là đến để gặp gỡ, giao lưu, động viên tinh thần nhau làm sao cho mọi người cởi bỏ đi sự  mặc  cảm, tham gia vào các hoạt động của xã hội, hòa nhập với cộng đồng. Nhưng khi hoạt động thì thấy có khá nhiều người chưa có việc làm, cuộc sống của họ phụ thuộc vào gia đình và tiền trợ cấp, thế nên tôi mới quyết định tìm những công việc ổn định, phù hợp với những người khuyết tật”.

Tìm hiểu thị trường và khả năng lao động của các thành viên, chị quyết định chọn nghề đan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng hạt gỗ hương và thành lập Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Hải Âu. Hơn 1 năm qua, gần 30 người khuyết tật của Câu lạc bộ đã được đào tạo và có việc làm ổn định với thu nhập trung bình 1,5 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm như chiếu ngủ, lót ghế ô tô, lót ghế văn phòng, gối, vòng tay, vòng cổ... của Hợp tác xã đã được thị trường ưa chuộng và có sức tiêu thụ tốt.

Chị Nguyễn Hải Yến dạy tiếng Anh miễn phí cho các thành viên của Câu lạc bộ Người khuyết tật thị xã Đông Triều, Quảng Ninh.

Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ còn mở rộng thêm một số ngành nghề, tạo việc làm và thu nhập cho một số người khuyết tật có chuyên môn. Anh Nguyễn Huy Cường bị teo 2 chân bẩm sinh đang hành nghề sửa chữa điện dân dụng chia sẻ: “Có một công việc thì những người khuyết tật cảm thấy không bị mặc cảm, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Câu lạc bộ khuyết tật như một ngôi nhà thứ hai để chúng tôi giao lưu, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc, trong cuộc sống. Cảm thấy cuộc sống có nhiều ý nghĩa, thấy vui vẻ hơn, tự tin hơn”.

Gần 5 năm qua, Câu lạc bộ người khuyết tật thị xã Đông Triều do chị Nguyễn Hải Yến là chủ nhiệm đã trở thành ngôi nhà của tình thương yêu, nơi những người khuyết tật được chia sẻ, được tự tin thể hiện khả năng của mình. Đó cũng là điều mà chị luôn mong muốn: “Mong muốn làm được cái gì đấy cho những người có hoàn cảnh như mình. Bởi vì phải vượt qua chính mình, phải cởi bỏ được cái mặc cảm, phải tiếp tục tự tin hòa nhập vào cộng đồng, xã hội thì mình mới có cuộc sống tốt hơn để không là gánh nặng cho gia đình và xã hội nữa”.

Chị Nguyễn Hải Yến (áo vàng) rạng rỡ bên những người bạn trong chương trình Kỷ niệm ngày quốc tế người khuyết tật (3-2) do thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh tổ chức.

Bằng nỗ lực, ý chí mạnh mẽ chị Nguyễn Hải Yến đã vượt lên số phận để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình và truyền cảm hứng, nghị lực cho những người không may mắn có niềm tin vào cuộc sống. Chị đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen của Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội và Hội bảo trợ người khuyết tật Việt Nam. Cuối tháng 11 vừa qua, Câu lạc bộ Người khuyết tật thị xã Đông Triều được công nhận là thành viên của Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam; Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Hải Âu cũng trở thành mô hình Hợp tác xã dành cho người khuyết tật được nhiều địa phương tham khảo, nhân rộng./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người đàn ông khuyết tật hàn gắn những đôi chân tật nguyền
Người đàn ông khuyết tật hàn gắn những đôi chân tật nguyền

VOV.VN -Không thể đi trên đôi chân của chính mình, ông Trung thấu hiểu và khao khát tạo ra những chiếc xe lăn giúp người cùng cảnh được di chuyển dễ dàng hơn.

Người đàn ông khuyết tật hàn gắn những đôi chân tật nguyền

Người đàn ông khuyết tật hàn gắn những đôi chân tật nguyền

VOV.VN -Không thể đi trên đôi chân của chính mình, ông Trung thấu hiểu và khao khát tạo ra những chiếc xe lăn giúp người cùng cảnh được di chuyển dễ dàng hơn.

Nghệ An: Tiếp nhận gần 9 tỷ đồng giúp đỡ người khuyết tật, trẻ mồ côi
Nghệ An: Tiếp nhận gần 9 tỷ đồng giúp đỡ người khuyết tật, trẻ mồ côi

VOV.VN -Từ số tiền được tiếp nhận, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Nghệ An đã giúp đỡ các đối tượng trong nhiều lĩnh vực.

Nghệ An: Tiếp nhận gần 9 tỷ đồng giúp đỡ người khuyết tật, trẻ mồ côi

Nghệ An: Tiếp nhận gần 9 tỷ đồng giúp đỡ người khuyết tật, trẻ mồ côi

VOV.VN -Từ số tiền được tiếp nhận, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Nghệ An đã giúp đỡ các đối tượng trong nhiều lĩnh vực.