Người phụ nữ nâng tầm sản phẩm thủ công truyền thống đồng bào Dao ở Bắc Kạn

VOV.VN - Chị Lý Thị Quyên, dân tộc Dao tại tỉnh miền núi Bắc Kạn đã "nâng tầm" những sản phẩm thủ công truyền thống thành hàng hóa giá trị kinh tế cao, giúp cho nhiều phụ nữ địa phương có việc làm, thu nhập ổn định và quảng bá nét đẹp văn hóa đồng bào Dao đến với bạn bè trong nước, quốc tế. Năm 2023, chị Quyên đã xuất sắc giành giải nhất của Chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm nhưng vì nhiều lý do, chị Lý Thị Quyên đã phải gác lại ước mơ làm cô giáo mà gắn với nương rẫy như nhiều bạn cùng trang lứa ở bản Nà Ít, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông. Vậy nhưng, chính những khó khăn đó lại thôi thúc ý chí vượt khó và khát vọng đổi thay số phận của cô gái người Dao này.

Nhận thấy trong bản có nhiều loại nông sản mà hàng ngày người dân vẫn chỉ trồng để ăn hoặc thi thoảng mới mang ra bán ở chợ huyện, chị nảy ra ý định phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị cao. Chị bàn bạc với một số bà con người Dao thử làm chuối sấy khô, vừa để quả không hỏng, giá lại cao hơn. Để sản phẩm có chỗ đứng và có uy tín, chị đưa ra một quyết định táo bạo, đó là thành lập mô hình hợp tác xã. Năm 2017 Hợp tác xã Thiên An do chị Quyên làm Giám đốc được thành lập và thành viên chủ yếu là các chị em trong bản.

Thời gian đầu việc sấy chuối liên tục thất bại, sản phẩm bị cháy, hỏng hoặc không có được độ giòn ưng ý… buộc phải đổ bỏ. Sản phẩm hỏng, đồng nghĩa với việc những đồng vốn ít ỏi cũng cạn dần khiến nhiều người chán nản muốn bỏ cuộc. Song với sự kiên định của mình chị Quyên tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân... và nỗ lực đã được đền đáp khi năm 2018 chuối sấy của HTX Thiên An đã có thương hiệu trên thị trường, được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp chứng nhận OCOP 3 sao.

Nói về bước khởi nghiệp này, chị Lý Thị Quyên, Giám đốc HTX Thiên An cho biết: “Quan niệm của những người dân sống ở đây thì họ mặc định rằng đối với dân tộc thiểu số thì phụ nữ sinh ra chủ yếu làm nương làm rẫy, không thể làm kinh tế được. Và hầu như không ai ủng hộ tôi về phát triển kinh tế cả. Thứ hai nữa khi dấn thân vào con đường làm ăn kinh tế, thì không còn thời gian để chăm sóc con cái cũng như quản lý việc gia đình nữa. Đối với bản thân tôi là người phụ nữ đơn thân, đang sống với bố mẹ già, cũng một mình nuôi con nhỏ cho nên con đường khởi nghiệp rất là khó khăn”.

Sau thành công của sản phẩm chuối sấy, chị Quyên tiếp tục nghiên cứu và phát triển thêm một số sản phẩm như: Bim bim chuối, mật ong, măng rừng. Tuy nhiên do cơ sở vật chất còn thiếu thốn, sản phẩm làm ra chưa nhiều, lại chịu sự cạnh tranh của thị trường nên doanh thu của HTX chưa được như kỳ vọng.

Sau nhiều trăn trở, suy tính, chị quyết định chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm từ dược liệu và thổ cẩm. Phát huy các bài thuốc quý của đồng bào Dao từ cây rừng, Hợp tác xã đã tập trung sản xuất cây dược liệu thành các sản phẩm, như thuốc tắm cho người lớn, trẻ em và phụ nữ sau sinh; thuốc xoa bóp, cao dược liệu… Cùng với đó là hàng loạt các sản phẩm thổ cẩm như khăn quàng, mũ, khẩu trang, khăn trải bàn hay các loại váy áo dân tộc thêu tay, ga giường, gối ôm thổ cẩm… Đặc biệt, chị đã cùng bà con sáng tạo và cho ra đời sản phẩm gối dược liệu thổ cẩm, sản phẩm kết hợp giữa chất liệu vỏ gối thổ cẩm với ruột gối là các loại thảo dược, giúp xua tan mệt mỏi và cải thiện giấc ngủ.

Để tạo ra sản phẩm có chất lượng đồng đều, giữ được màu sắc tự nhiên vốn có, chị Quyên và HTX mạnh dạn vay vốn để đầu tư hệ thống máy sấy lạnh; tham khảo trên mạng để lên ý tưởng thiết kế mẫu mã sao cho phù hợp xu hướng thị trường. Chị Quyên cũng thường tham gia các chương trình tập huấn về chuyển đổi số, xúc tiến thương mại. Từ đó chị và các thành viên trong hợp tác xã đã biết cách sản xuất các video, livestream bán hàng, sử dụng các kênh mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Sản phẩm của HTX ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, được tiêu thụ tốt tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh... và nhiều khách quốc tế đón nhận.

Hiện trung bình mỗi tháng hợp tác xã cung cấp cho thị trường trên 200 sản phẩm thổ cẩm dược liệu, qua đó tạo việc làm ổn định cho 15-20 thành viên là người dân tộc Dao với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/ người/tháng.

Chị Lý Thị Chanh – Thành viên HTX Thiên An cho biết: “Trước tôi ở nhà có làm may, nhưng thu nhập không ổn định, giờ làm cho HTX của chị Quyên thì có thu nhập ổn định, việc làm thường xuyên và không phải đi làm xa, vẫn có thời gian chăm cho gia đình, con cái”.

Ông Ngô Văn Hùng – Bí thư chi bộ Nà Ít, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đánh giá: “Chị Lý Thị Quyên là một phụ nữ trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm đã bước qua được khó khăn ban đầu. Dù ban đầu khó khăn, vất vả nhưng chị đã đưa được những sản phẩm dược liệu dân tộc Dao ra thị trường. Dân tộc Dao có nguồn dược liệu quý báu mà trước nay chưa khai thác được, tạo công ăn việc làm cho thành viên HTX Thiên An”.

Đến nay HTX Thiên An của nữ Giám đốc Lý Thị Quyên đã có 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Trong đó các sản phẩm như: Chuối sấy, thảo dược tắm, ngâm chân của người Dao đỏ được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Riêng sản phẩm gối dược liệu lọt vào Top 10 Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2020. Năm 2023 chị Lý Thị Quyên đã đạt giải Nhất của Chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức. 

Nói về dự định trong thời gian tới, chị Quyên cho biết sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững theo hướng hữu cơ để đồng bào Dao tại Vi Hương có thể phát huy tiềm năng, thế mạnh cùng vươn lên thoát nghèo. Chị cũng ấp ủ kế hoạch mở rộng thị trường tiêu thụ, không chỉ trong nước mà ra các thị trường lớn trên thế giới để những nét đẹp văn hóa người Dao sẽ tiếp tục vươn xa hơn nữa.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh: “Đưa các bãi tắm vịnh Hạ Long thành sản phẩm du lịch”
Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh: “Đưa các bãi tắm vịnh Hạ Long thành sản phẩm du lịch”

VOV.VN - Đưa các bãi tắm độc lập trên vịnh Hạ Long vào khai thác trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, xây dựng kế hoạch phát triển đội tàu du lịch, khẩn trương sửa chữa các điểm đến văn hoá trên vịnh… là những chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – ông Cao Tường Huy sau buổi kiểm tra các địa điểm đề xuất đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long chiều 2/3.

Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh: “Đưa các bãi tắm vịnh Hạ Long thành sản phẩm du lịch”

Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh: “Đưa các bãi tắm vịnh Hạ Long thành sản phẩm du lịch”

VOV.VN - Đưa các bãi tắm độc lập trên vịnh Hạ Long vào khai thác trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, xây dựng kế hoạch phát triển đội tàu du lịch, khẩn trương sửa chữa các điểm đến văn hoá trên vịnh… là những chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – ông Cao Tường Huy sau buổi kiểm tra các địa điểm đề xuất đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch trên vịnh Hạ Long chiều 2/3.

Thừa Thiên Huế đa dạng hoá, nâng tầm sản phẩm du lịch năm 2024
Thừa Thiên Huế đa dạng hoá, nâng tầm sản phẩm du lịch năm 2024

VOV.VN - Lượng du khách đến Cố đô Huế những ngày đầu năm 2024 tăng cao, mang lại tín hiệu khả quan cho ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế. Địa phương này đang triển khai nhiều giải pháp kích cầu, đa dạng hoá, nâng tầm sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách.

Thừa Thiên Huế đa dạng hoá, nâng tầm sản phẩm du lịch năm 2024

Thừa Thiên Huế đa dạng hoá, nâng tầm sản phẩm du lịch năm 2024

VOV.VN - Lượng du khách đến Cố đô Huế những ngày đầu năm 2024 tăng cao, mang lại tín hiệu khả quan cho ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế. Địa phương này đang triển khai nhiều giải pháp kích cầu, đa dạng hoá, nâng tầm sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách.