Người phụ nữ “trốn” gia đình vượt 90km đi hiến máu trong dịp Tết
VOV.VN - Trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc được tôn vinh năm 2024, mỗi người đến từ các vùng miền khác nhau, độ tuổi khác nhau, nhưng tất cả họ đều xuất phát từ tấm lòng mong muốn được cho đi, được sẻ chia giọt máu đào cùng cộng đồng, giúp đỡ bệnh nhân đang cần máu mỗi ngày.
“Vượt” 90km đi hiến máu trong ngày Tết
Khi còn là sinh viên, chị Lục Thị Thu Hà (1978, sống ở Hoàng Mai, Hà Nội) thường xuyên theo các bạn làm tình nguyện ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nhưng vì bị huyết áp thấp và thiếu cân nên chị không đủ điều kiện tham gia hiến máu. Chứng kiến những em bé mắc bệnh cần máu ở viện, điều đó càng thôi thúc chị phải làm gì đó để được cho máu.
Nhờ được bác sĩ tư vấn về chế độ ăn uống, tập luyện, đến năm 2018 khi đã 40 tuổi chị mới thực hiện được mong muốn đó – hiến máu tình nguyện. Chỉ sau 6 năm, chị Thu Hà đã tham gia hiến máu và tiểu cầu 75 lần.
“Đều đặn 21 ngày, tôi lại đi hiến tiểu cầu 1 lần. Hiến đến thành nghiện. Trong công ty nơi tôi làm việc, tôi cũng vận động mọi người tham gia, ngay cả trong gia đình cũng vậy. Hoạt động này được hưởng ứng nhiệt tình, hầu hết mọi người đều hiến máu toàn phần, cứ 3 tháng lại đi hiến nhắc lại”, chị Hà nói.
Vào dịp Tết Nguyên đán, gia đình chị thường về quê đón Tết ở Ninh Bình. Đây cũng là thời gian thường xảy ra tình trạng thiếu máu, đặc biệt là thiếu tiểu cầu do hạn sử dụng của tiểu cầu rất ngắn (chỉ từ 3-5 ngày).
Thương những người bệnh phải ăn Tết xa nhà mà vẫn thấp thỏm, lo âu chờ đợi từng đơn vị tiểu cầu, chị sẵn sàng đi 90 km từ Ninh Bình về Hà Nội, đến Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương hiến tiểu cầu và sau đó lại quay trở về quê. Ban đầu gia đình chị khá lo lắng nên có đôi lần, chị phải “trốn” người thân đi hiến tiểu cầu.
Mặc dù đã 75 lần tham gia hiến máu và tiểu cầu, nhưng với chị Hà, cảm giác mỗi lần bước lên tầng 2 của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, trong chị vẫn luôn trào dâng niềm cảm xúc khó tả, trái tim vẫn luôn “loạn nhịp” như thời “con gái đang yêu”.
“Cảm giác bây giờ và trước đây dường như không đổi. Mỗi lần bước đến tầng 2 của viện để cho máu hay tiểu cầu, tôi cảm thấy thổn thức một nỗi niềm khó tả, xúc động trào dâng. Có lần, trái tim tôi cứ liên tục “nhảy nhót” khiến bác sĩ ở viện đùa rằng trái tim loạn nhịp như thời con gái đang yêu”, chị Hà chia sẻ.
Chị Lục Thị Thu Hà là 1 trong 100 gương mặt hiến máu tiêu biểu của toàn quốc được tôn vinh. Với chị đây thực sự là niềm hạnh phúc lớn lao, mặc dù bản thân chị tham gia thiện nguyện chưa bao giờ mong cầu sẽ được “đền đáp”. Chị hy vọng rằng thông qua hoạt động này cũng như qua chương trình, sẽ lan tỏa được nhiều ý nghĩa tích cực, kêu gọi thêm thật nhiều những con người sẵn sàng tham gia hiến máu sẻ chia cùng cộng đồng.
Bị “mê” hiến máu từ lúc nào không hay
Anh Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1993, hiện đang làm việc tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bắt đầu tham gia hiến máu từ khi còn là sinh viên năm nhất. Ngày đó, Hiếu chỉ hiến máu theo hoạt động của trường tổ chức. Ban đầu chỉ muốn “thử 1 lần cho biết”, nhưng dần dà anh bị “nghiện” hiến máu từ lúc nào không hay.
12 năm, Hiếu tham gia hiến máu và tiểu cầu liên tục. Đến nay, Hiếu đã hiến tổng cộng 124 lần. Dù bận công việc đến mấy, chàng trai này cũng cố gắng sắp xếp để cho máu.
“3 năm đầu tôi hiến máu toàn phần, 9 năm sau tôi chuyển sang hiến tiểu cầu. Hiến máu bây giờ đối với tôi như một thói quen. Cứ đến ngày nhắc lại, tôi lại cố gắng sắp xếp công việc để đi. Nếu hôm nào đó đúng lịch hiến máu mà không đi được, tôi có cảm giác như thiếu một điều gì đó, như kiểu buổi sáng thức dậy mà mình không đánh răng vậy”, Hiếu tâm sự.
Trong 12 năm hiến máu, kỷ niệm mà Nguyễn Văn Hiếu nhớ nhất đó là trong 1 lần tình cờ lướt facebook thấy có bài đăng về một người bệnh cần máu đang điều trị ở Bệnh viện 108, Hiếu đã tức tốc tới đó để cho máu.
“Lúc đó tôi đang đi làm, nhưng khi đọc được tin bệnh nhân cần máu, tôi đã xin công ty cho về sớm. Tôi cũng rủ thêm một vài người bạn của mình qua viện để hiến máu cho người bệnh đang cần gấp đó. Cũng qua những lần như vậy, bạn bè của tôi cảm thấy thích thú với hoạt động này và họ sẵn sàng tham gia hiến máu thường xuyên, hiến máu nhắc lại”, Hiếu nói.
Qua mỗi lần hiến máu, Hiếu cũng xây dựng ý thức tự bảo vệ sức khỏe của chính mình từ chế độ ăn uống, rèn luyện để lúc cần máu là bản thân có thể đáp ứng được ngay.
Tham gia hiến máu từ những năm 90, tính đến thời điểm này, ông Vũ Đình Phẩm (sinh năm 1967, phường 11, quận 3, TP.HCM) đã có tới 104 lần hiến máu.
Ngày đó mạng xã hội chưa phát triển rầm rộ như bây giờ, hoạt động hiến máu tình nguyện cũng chưa được truyền thông rộng rãi. Thế nhưng khi nghe tin tức, hay đọc báo thấy hoàn cảnh nào cần máu, ông Phẩm đều đến để cho máu.
“Tôi nhớ có một lần, báo chí đăng tải thông tin có trường hợp bệnh nhân truyền hơn 2L máu nhưng còn thiếu 2 đơn vị máu nữa. Tôi đã tức tốc đi tới bệnh viện đó, thế nhưng khi tôi đến họ đã ra đi. Bản thân tôi nghĩ rằng, nếu tôi biết tin đó sớm hơn thì có lẽ sẽ không đến nỗi như vậy. Từ đó đến nay tôi hiến máu thường xuyên”, ông Phẩm chia sẻ.
Ông Phẩm nói rằng, giờ tuổi tôi cũng đã cao, chỉ còn khoảng 3 năm nữa là nghỉ hưu, nhưng nếu còn được nhà nước cho phép hiến máu thì “dù ngoài 60 tuổi tôi vẫn hiến, nếu không tham gia hoạt động này thường xuyên, tôi thấy như mình đang thiếu điều gì đó” - ông Phẩm nói.