Người Thái Sơn La bật mí cách chọn các sản phẩm thịt khô
VOV.VN - Người Thái Sơn La bật mí cách chọn các sản phẩm thịt khô như thịt trâu gác bếp tránh tình trạng mua phải những sản phẩm kém chất lượng.
Nghề làm thịt khô đã được lưu truyền trong vùng đồng bào Thái Sơn La từ nhiều năm nay và ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn bởi sự thơm ngon, hương vị đặc trưng riêng có. Thế nhưng, trên thị trường đã xuất hiện giả mạo sản phẩm thịt khô của bà con người Thái Sơn La, thậm chí có cả việc dùng lợn bệnh về làm hàng.
Lò sấy thịt khô thủ công của 1 hộ gia đình người Thái Sơn La. |
Lên Sơn La, từng thưởng thức và vài lần mua thịt khô Sơn La về làm quà cho gia đình, chị Nguyễn Thị Xuân, một du khách ở Ninh Bình đã nhận xét về sản phẩm thịt khô Sơn La như vậy.
Quả đúng, nếu như ai đã từng ăn thịt khô từ trâu, bò, lợn, cá của người Thái ở Sơn La làm ra thì chắc chắn sẽ không thể nhầm lẫn với các loại sản phẩm nhái, bởi quy trình làm thịt khô của bà con rất tỷ mỷ, thủ công, không sử dụng chất bảo quản.
Sản phẩm Thịt trâu, bò khô Sơn La. |
Gia vị cũng nhiều loại để trộn theo tỷ lệ vừa phải như: Súp (muối), mì chính, gừng - tỏi - ớt - mắc khén rang thơm xay nhỏ, trộn đều vào thịt. Sau đó xiên lên lò sấy than củi hồng rực khoảng 1 ngày, 1 đêm với điều kiện củi lửa đều, không được to, không được nhỏ.
Tiếp đó lại đem ra đồ ít nhất 30 phút nữa mới được sản phẩm thịt khô để ăn. Nếu chuẩn đúng thịt khô của người Thái Sơn La, miếng thịt mềm vừa phải, thơm ngon đặc trưng nhất gia vị mắc khén chỉ có ở Sơn La, không khô đét, không có mùi ám khói.
Theo chị Lường Thị Nơi, một chủ hộ làm thịt khô ở bản Lầu, thành phố Sơn La: Không nên mua thịt khô không rõ nguồn gốc, xuất xứ trôi nổi trên thị trường vì như thế rất có hại cho sức khỏe: “Chúng tôi được biết có cơ sở ở tỉnh miền xuôi lấy thịt không ngon, thịt lợn bệnh về làm thịt khô, lại lấy nhãn mác thịt khô ở Sơn La, chúng tôi rất bất bình. Rất mong chính quyền địa phương quan tâm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thịt khô của bản chúng tôi, tránh bị làm giả”.
Ông Tòng Ngọc Hoa, trưởng bản Lầu, cũng là một hộ gia đình có nghề làm thịt khô nhiều năm nay thì cho biết: Cả bản Lầu hiện đã có gần 30 chục hộ người Thái, trong tổng số hơn 290 hộ toàn bản chế biến thịt khô.
Hầu hết các hộ gia đình đều đã có chứng nhận cơ sở đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Với công thức 10 kg thịt tươi thu về 3,5 đến 4 kg thịt khô, bà con ở đây duy trì giá bán từ 650.000-700.000/kg thịt trâu, bò khô; 380.000-400.000đ/kg thịt lợn khô; 300.000đ/kg lạp xường; 200.000đ-250.000đ/kg cá giản.
Dịp Tết cũng có thể nhỉnh hơn chút ít tùy theo giá thị trường. Trước tình trạng làm giả thịt khô Sơn La trên thị trường, ông Tòng Ngọc Hoa kiến nghị: “Qua chuyển đổi làm dịch vụ, sản xuất chế biến thịt khô cũng nâng cao được thu nhập cho các hộ gia đình. Cũng rất mong các cấp, ngành thường xuyên kiểm tra, xử lý các cơ sở làm giả, làm nhái sản xuất thịt khô. Mong muốn được tỉnh, thành phố giúp đỡ cho bản chúng tôi có một địa chỉ rõ ràng để bà con ổn định sản xuất, chế biến thịt khô”.
Thịt khô của đồng bào Thái Sơn La thơm ngon, chất lượng là vậy. Đã đến lúc chính quyền các địa phương ở Sơn La cần rà soát, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt khô ở những bản, xã đang phát triển mạnh nghề này, tránh tình trạng làm giả, làm nhái sản phẩm./.