Người thầy viết Sử thành thơ ở Yên Bái 3 lần lập Kỷ lục Việt Nam
VOV.VN - Nhằm giúp học sinh thêm yêu môn học Lịch sử, thầy giáo Lê Văn Cường-Trường THPT Cảm Ân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái sáng tác nhiều bài thơ, cuốn sách kể về lịch sử truyền dạy cho học sinh. Có 3 cuốn chuyên khảo về Lịch sử được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập là người viết sử bằng thơ lục bát dài nhất Việt Nam. 3 cuốn sách hiện đang hỗ trợ tốt cho việc dạy và học môn Lịch sử
Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc, thầy giáo Lê Văn Cường, sinh năm 1984, quê ở tỉnh Điện Biên quyết định về Yên Bái gắn bó với nghề giáo. Ngôi trường đầu tiên thầy đến là Trường THPT Thác Bà (Yên Bình). Sau 2 năm làm việc ở đây, đến năm 2008, thầy Cường được điều động về Trường THPT Cảm Ân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Ở ngồi trường nào thầy Cường cũng được phân công giảng dạy môn Sử - môn chuyên ngành của mình. Và ở đâu cũng đều nhận thấy các em học sinh ít đam mê, thiếu nhiệt huyết với Bộ môn Lịch sử. Do vậy, để khơi dậy niềm đam mê, truyền cảm hứng cho các thế hệ học sinh, thầy giáo Lê Văn Cường đã tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy.
Vốn là người có năng khiếu về văn chương, kiến thức về lịch sử, do vậy thầy Cường đã lựa chọn chuyển thể Lịch sử sang thơ lục bát – thể thơ của dân tộc để cho học sinh dễ nhớ, dễ thuộc, người dân dễ dàng tiếp cận và không bị nhàm chán. Từ đó những bài thơ, câu thơ về Lịch sử ra đời.
Thầy Lê Văn Cường chia sẻ, cái khó khi tạo lập những tác phẩm kể sử bằng thơ là đòi hỏi vừa phải đảm bảo tính nghệ thuật trong phong cách văn chương, vừa phải đảm bảo tính chân thật về sự kiện lịch sử.
"Viết thơ nhưng phục vụ và hỗ trợ cho dạy môn lịch sử, do vậy tôi phải bám sát vào sách giáo khoa môn Lịch sử, sát với chương trình giáo dục phổ thông. Khi đưa các sự kiện vào thơ thì tôi cũng cố gắng giản lược hóa về các con số, đồng thời các kiến thức lịch sử phải được truyền tải một cách dễ hiểu, mang tính chất chuẩn hóa về kiến thức, kiến thức đó cũng phải hỗ trợ được cho các em học, thi tốt nghiệp cũng như thi học sinh giỏi môn Sử".
Từ những vốn từ khô khan của môn học, thầy đã khéo léo đan xen vào những vần thơ lục bát để hỗ trợ giảng dạy bộ môn Lịch sử.
Thầy giáo Lê Văn Cường nhớ lại những ngày đầu mới triển khai. "Ban đầu cái khó khăn của tôi là viết các tác phẩm lịch sử bằng thể thơ lục bát nó chưa có tiền lệ, do vậy nguồn tham khảo cách viết một cách dài hơi là không có. Cái thứ hai là lúc đầu chưa được nhiều học sinh cũng như nhiều trường phổ thông biết tới, đồng thời, cũng chưa được nhiều học sinh đón nhận, chưa được nhiều đồng nghiệp dạy môn sử ở các trường phổ thông trong tỉnh và toàn quốc biết tới và đón nhận. Nhưng tất cả những khó khăn đó tôi đã vượt qua".- thầy Cường kể.
Từ sự lạ lẫm, mới mẻ và có phần hơi ngược với cách giảng dạy truyền thống, các em học sinh của Trường THPT Cảm Ân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã thích thú, hào hứng và ủng hộ cách giảng dạy lịch sử của thầy Cường. Nhiều em từ e ngại đã yêu thích học môn Lịch sử.
Em Nguyễn Minh Thư, lớp 10A2 và Trần Đức Phước, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Cảm Ân chia sẻ: "Lịch sử mà chuyển sang thơ lục bát này em cảm thấy nó dễ học hơn vì dễ thuộc. Nhiều sự kiện lịch sử dài mà mình không nhớ thì thơ sẽ giúp mình hiểu sâu bài và dễ nhớ hơn".
"Môn lịch sử không chỉ riêng em mà ai cũng cảm thấy khô khăn, khó học, nhưng khi được tiếp xúc với bộ sách thơ của thầy thì nó vần, giúp bọn em nhớ lâu hơn, học tốt và trôi chảy, rất tuyệt vời để hỗ trợ bọn em kỳ thi sắp tới. Ví dụ:“…Lá cờ sáu chữ thiên thần/Dẫn Hoài Văn với sáu trăm quân mình/ Đi mãi, đi mãi hành trình/Nơi nào còn có bóng hình quân Nguyên…” em hình dung được ngay lịch sử thời chống quân Mông Nguyên, hình dung được cách đánh và nghệ thuật quân sự của cha ông ta để dẫn dắt so sánh với nghệ thuật quân sự của các sự kiện lịch sử sau này".
Có thể nói, việc chuyển thể Lịch sử sang thơ lục bát để hỗ trợ giảng dạy của thầy giáo Lê Văn Cường đã giúp các thầy cô giáo có thêm nguồn tham khảo, và mang một luồng gió mới đến với các thế hệ học sinh của Trường THPT Cảm Ân với môn học này. Kết quả là kiến thức về môn Lịch sử của học sinh đã được cải thiện đáng kể. Với một trường học còn nhiều khó khăn, trong số trên 700 học sinh thì hơn một nửa là con em đồng bào dân tộc thiểu số như Dao, Tày, Cao Lan… đã có học sinh đạt giải Ba trong kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2022 – 2023 vừa qua, điểm bình quân môn Sử của trường đạt 6,52 điểm, cao hơn bình quân của cả nước.
Cô giáo Lưu Khánh Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Cảm Ân cho biết: "Đối với thầy Lê Văn Cường là một giáo viên tiêu biểu, chọn một lối đi riêng đổi mới phương pháp giảng dạy, truyền cảm hứng cho học trò, làm cho bài giảng của mình trở nên sinh động, làm cho môn học Lịch sử trở nên dễ hiểu, gần gũi hơn, dễ tiếp cận bằng cách sáng tác thơ. Thông qua những câu thơ có vần thì học sinh của trường dễ nhớ hơn về các dấu mốc, nội dung, sự kiện lịch sử, tiếp nhận kiến thức hiệu quả hơn. Về phía đồng nghiệp thì cũng rất ghi nhận và trân trọng, coi phương pháp của thầy Cường là một trong những phương pháp dạy học. Tại đây các thầy cô trân trọng nhau, ghi nhận nhau và có ảnh hưởng tích cực sang nhau".
Với sự nỗ lực, sáng tạo, thầy Lê Văn Cường đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý như: Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; giải Nhì, Ba và Khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Yên Bái... Đặc biệt, 3 tác phẩm là “Đại cương thế giới sử thi” dài 3.456 câu viết về Lịch sử thế giới, “Việt Nam theo dấu sử ca” dài hơn 30 nghìn câu viết về Lịch sử Việt Nam từ Nguyên thủy đến năm 2016 và “Yên Bái ghi dấu sử thiên” viết về Lịch sử Yên Bái dài hơn 9.000 đều được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập là tác phẩm viết về Lịch sử bằng nhiều câu thơ lục bát nhất.
Niềm vui của thầy Lê Văn Cường không chỉ dừng lại ở đó, mà hiện nay các tác phẩm của thầy đã và đang được các học sinh và thầy cô giáo trong và ngoài tỉnh Yên Bái lựa chọn là một trong những bộ sách hỗ trợ giảng dạy môn Lịch sử. Đây chính là động lực lớn để thầy tiếp tục thực hiện các nghiên cứu, công trình đổi mới phương pháp giảng dạy môn Lịch sử tốt hơn, trước mắt là thành công với công trình “Sáng tạo sơ đồ tư duy” đối với môn học Lịch sử cho học sinh lớp 10 và lớp 11 mà thầy với các em học sinh của trường đang triển khai.