Người uy tín lan tỏa phong trào xóa nhà tạm ở miền núi
VOV.VN - Những năm qua, đời sống người dân huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa được nâng lên. Huyện này đã nỗ lực giảm nghèo và dần xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát. Để có được kết quả này, người uy tín ở huyện Khánh Sơn đã góp phần lan tỏa phong trào giảm nghèo và xóa nhà tạm.
Thôn Tà Gụ, xã Sơn Hiệp nằm ở khu vực đồi núi, xen lẫn các khu dân cư là vườn sầu riêng xanh tốt. Trên con đường chính dẫn từ trung tâm xã Sơn Hiệp vào thôn Tà Gụ, hầu hết các căn nhà cấp 4 đã được xây dựng kiên cố, đảm bảo “3 cứng”, đó là nền cứng, khung cứng, mái cứng. Cuối tháng 12/2024, nhiều căn nhà vừa xây dựng hoàn thành, người dân quét dọn để chuẩn bị đón năm mới. Ở thôn Tà Gụ, người uy tín và các hội đoàn thể vẫn thường xuyên đến các khu dân cư vận động tập trung phát triển kinh tế và nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Ông Cao Lê Dân (81 tuổi), dân tộc Raglai, người uy tín ở thôn Tà Gụ, xã Sơn Hiệp, huyện miền núi Khánh Sơn đã tiên phong xóa nhà tạm bằng việc cùng một số người hàng xóm và họ hàng góp vốn xây dựng căn nhà kiên cố vào 10 năm trước. Từ mô hình hàng xóm và họ hàng cùng góp tiền để xây nhà kiên cố theo hình thức xoay vòng do ông Cao Lê Dân phát động đã lan tỏa đến nhiều dòng họ trong thôn Tà Gụ.
Ông Cao Lê Dân cho biết: “Thôn Tà Gụ này nhiều hộ thoát nghèo. Đầu tiên nhất là tôi xây cái nhà này vận động trong bà con góp tiền với nhau. Dòng họ khác góp với bà con, trong họ hàng của nhau góp với nhau. Những dòng họ khác bắt chước theo mình làm lại. Tôi làm xong mới lan tỏa, xã, huyện phát huy”.
Hai năm trước, ông Cao Xuân Đoạn (55 tuổi), ở thôn Tà Gụ, xã Sơn Hiệp, huyện miền núi Khánh Sơn thuộc diện khó khăn nên những người hàng xóm và họ hàng đã cùng nhau góp tiền để ông xây nhà. Căn nhà khoảng 100m2 đầy đủ tiện nghi hoàn thành, giúp gia đình ông Đoạn ổn định cuộc sống. Ông Cao Xuân Đoạn cho biết, việc mọi người cùng nhau góp tiền giúp nhau xóa nhà tạm đã trở thành hoạt động thường xuyên trong các dòng tộc và giữa các xóm, làng trong thôn Tà Gụ: “Trước đây khổ lắm, chủ yếu ở trên rẫy, gió mưa. Bây giờ đã xây dựng được cái nhà ổn định một chút, đi làm ở đâu thì về nhà mình tránh được mưa gió. Có nhà kiên cố, cuộc sống tốt hơn so với trước đây. Việc góp phần để xây nhà, đầu tiên là góp từng người trong nhóm cùng nhau xây dựng, ai xây được thì làm trước, ai có tiền sau thì làm nhà sau”.
UBND huyện Khánh Sơn đã ban hành Kế hoạch Triển khai Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Khánh Sơn trong năm 2025”. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, ban, ngành; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Khánh Sơn và các xã, thị trấn, tổ chức… thi đua xây dựng các công trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, sửa chữa, xây mới nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo an toàn, có chất lượng, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện, đặc điểm, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc và đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa khẳng định, đến năm 2025, huyện sẽ hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát: “Theo định hướng của tỉnh, nhiệm vụ của các huyện, thị xã, thành phố là trước quý I/2025 xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tại huyện Khánh Sơn còn 348 căn nhà tạm, nhà dột nát, định mức sửa chữa theo giá cả thị trường. Nếu như xây mới giá 60 triệu đồng thì cũng cơ bản được, trong 60 triệu đồng/căn chúng tôi gói ghém được”.
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã kêu gọi sự chung tay của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, các tầng lớp nhân dân cùng tỉnh có thêm nguồn lực. Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Khánh Sơn, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu địa phương khẩn trương triển khai sửa chữa nhà ở cho người dân trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Đối với hộ cần xây mới nhà ở cần triển khai hoàn thành dứt điểm cuối quý I/2025.