Người uy tín miền núi Khánh Hòa góp sức xây dựng làng quê giàu đẹp
VOV.VN - Những năm qua, diện mạo các huyện miền núi tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm đáng kể, đời sống người dân được nâng lên.
Có được kết quả này cũng phải kể đến những người uy tín ở tỉnh Khánh Hòa đã đi đầu trong việc vận động, làm gương xây dựng và phát triển làng quê giàu đẹp.
Làng Tà Gụ, xã Sơn Hiệp, huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa có 128 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Raglai. Đời sống người dân nơi đây dựa vào nông nghiệp và trồng sầu riêng. Làng Tà Gụ còn 9 hộ nghèo là những hộ già yếu, neo đơn khó thoát nghèo, còn lại đa số các hộ dân của làng này đều phát triển kinh tế ổn định, thậm chí có gia đình thu nhập tiền tỷ mỗi năm nhờ bán sầu riêng.
Về làng Tà Gụ hôm nay đều thấy các vườn sầu riêng đang chờ ngày thu hoạch. Ông Cao Lê Dân (81 tuổi, người uy tín, đồng bào Raglai) ở thôn Tà Gụ, xã Sơn Hiệp, huyện miền núi Khánh Sơn cho biết, mỗi ngày, khi mặt trời lên người Raglai cũng vội vã đến vườn sầu riêng chăm bón cho cây. Kinh tế phát triển, người dân lao động hăng say hơn. Ông Cao Lê Dân tâm sự, lớp trẻ ở làng Tà Gụ giờ cũng đã biết cách làm ăn, chăm lo phát triển kinh tế: “Bữa nay vẫn còn thanh niên tụ tập uống rượu nhưng lâu lâu mới có một lần hoặc liên hoan nhân mùa thu hoạch sầu riêng. Chúng tôi vận động thành niên đã uống rượu là không tham gia giao thông. Trước đây thanh niên uống xong phóng xe máy đi chơi nhưng nay hết rồi”.
Giai đoạn 2023 - 2027, tỉnh Khánh Hòa có 85 người được công nhận là người có uy tín. Mỗi người uy tín đều nỗ lực đóng góp xây dựng làng quê giàu đẹp hơn. Già làng Cao Dáng (69 tuổi, đồng bào Raglai) ở thôn A Xây, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa là người đi đầu trong chuyển đổi trồng cây bưởi da xanh. Già làng Cao Dáng trồng 3 sào bưởi và kết hợp mô hình chăn nuôi, nuôi cá ở khu vườn nhà. Mỗi năm, từ mô hình này, ông Cao Dáng có thu nhập hơn 100 triệu đồng. Khi đã thành công với mô hình trồng bưởi da xanh, ông Cao Dáng vận động người dân trong thôn mạnh dạn chuyển đổi cây trồng giá trị cao mới mang lại hiệu quả kinh tế. Ở thôn A Xây, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh đồng bào Raglai học theo mô hình kinh tế vườn của già làng Cao Dáng nên trồng phủ kín khu vườn trống bằng các vườn cây ăn quả xanh tốt theo hướng hữu cơ: “Đất miền núi nên trồng các loại cây có giá trị kinh tế như trồng bưởi, đào ao, nuôi heo. Mình phải làm mẫu cho bà con. Sau khi Nhà nước tổ chức tập huấn công tác trồng chăm sóc vườn, ví dụ trồng cây nào chăm sóc ra sao đã quy trình thì tập huấn xong rồi căn cứ vào đó mình về áp dụng thực tế để làm vườn của mình. Riêng đồng bào Raglai làm hiệu quả thì bà con làm theo, người dân nói anh làm có hiệu quả thì tôi bắt chước làm theo”.
Thời gian qua, chương trình phát triển kinh tế - xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Khánh Hòa. Tỉnh này phấn đấu đến năm 2025, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng hơn 2 lần so với năm 2020 (trên 28 triệu đồng/người/năm); Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm 4-5%. Ngoài sự nỗ lực của các địa phương, người uy tín ở tỉnh Khánh Hoà đã góp sức xây dựng làng quê vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng giàu đẹp. Bằng uy tín, kinh nghiệm và sự hiểu biết, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Khánh Hòa luôn đi đầu, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành chủ trương, đường lối quả Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ông Mấu Văn Phi, Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết: Những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã đóng góp lớn vào thành tựu phát triển chung của tỉnh Khánh Hòa. Cuộc sống của những người có uy tín gắn với buôn làng, hiểu được ngôn ngữ, hiểu được tâm tư nguyện vọng thì họ nói với bà con thuyết phục hơn và có niềm tin hơn. Mỗi một già làng học là một tấm gương soi đường con cháu đi theo. Họ đã nắm bắt được chủ trương cho nên họ là những người đi trước, họ làm ăn được, nói được và làm được để bà con noi theo.