Người Việt Nam ưu tiên khám chữa bệnh tại Việt Nam
(VOV) -Muốn thu hút người dân khám trong nước phải nâng cao chất lượng điều trị và chống quá tải cũng như thái độ phục vụ.
Nhằm giúp người dân có được các thông tin về thành tựu của y học nước nhà và lựa chọn khám chữa bệnh trong nước, sáng 26/1, Vụ các vấn đề xã hội – Ban Tuyên giáo Trung ương và Báo Lao động – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo “Thành tựu y học Việt Nam thời kỳ đổi mới” với chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên khám chữa bệnh tại Việt Nam”.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, hiện nay, mỗi năm, Việt Nam chi khoảng 1 tỷ USD do hơn 40.000 bệnh nhân mang ra nước ngoài để khám chữa bệnh. Không chỉ các bệnh phố biến mà nhiều bệnh như tim mạch, ung thư, tiêu hoá, mạch máu, thẩm mĩ… các bác sĩ tại Việt Nam thực hiện rất tốt, nhưng nhiều người bệnh có điều kiện vẫn tìm ra nước ngoài để chữa trị.
Nhiều kỹ thuật mới ở Việt Nam đã phát triển tương đương khu vực và các nước phát triển như ghép tạng, tim mạch, mắt, thẩm mỹ, nha khoa, kỹ thuật nội soi… và còn giảng dạy cho các bác sĩ nước ngoài.
Các bác sĩ Việt Nam đã thực hiện nhiều bệnh khó, chuyên môn cao |
Theo Cục quản lý Khám chữa bệnh, hiện cả nước có 1.162 bệnh viện với khoảng 185.300 giường, tương ứng với 21 giường bệnh cho 1 vạn dân. Tình trạng quá tải bệnh viện, nhất là tuyến trên làm hạn chế tốc độ và khả năng phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu của bệnh viện.
Với định hướng phát triển y tế chuyên sâu tập trung vào các lĩnh vực phẫu thuật mở, phẫu thuật nội soi, robot phẫu thuật, nội soi can thiệp…, đến nay cả nước đã xây dựng được 13 đơn vị tại Hà Nôi, TP.HCM, Thừa Thiên - Huế.
Với vốn đầu tư giai đoạn 1995-2004 khoảng 566 tỷ đồng, các trung tâm y tế chuyên sâu đã có những thành tựu và hiệu quả trong y học tương đương trình độ các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia đầu ngành cho rằng, muốn thu hút được người dân trong và ngoài nước khám chữa bệnh tại Việt Nam, trước tiên phải nâng cao chất lượng điều trị và chống quá tải.
Bên cạnh việc tăng cường trang thiết bị và cơ sở vật chất thì chất lượng dịch vụ dành cho bệnh nhân cũng như việc quảng bá hình ảnh, uy tín chuyên môn của bệnh viện Việt Nam cũng hết sức cần thiết.
Giáo sư - Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP HCM cho rằng: "Yếu tố rất quan trọng là chúng ta phải liên tục nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ chuyên gia, các bác sĩ. Có những hội nghị quốc tế mình phải đi dự, báo cáo tại hội nghị, tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm và phải đăng bài báo ở tạp chí khoa học quốc tế có uy tín thì người ta sẽ tin tưởng và tới với mình. Và khi họ đến thì phải bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn và khả năng giao tiếp. Ngoài ra, cách đối xử của đội ngũ y tế nói chung đối với bệnh nhân chưa được giống như bệnh viện nước ngoài, vẫn còn thái độ là “ở trên nhìn xuống” cho nên mất bệnh nhân là như vậy"./.