Nguy cơ cháy rừng cao ở các huyện miền Tây Yên Bái
VOV.VN - Các huyện phía Tây của tỉnh Yên Bái, như Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn đã nhiều tháng qua không có mưa, thời tiết khô hanh, cộng với thảm thực vật bị chết rét trước đó, nên nguy cơ cao xảy ra cháy rừng.
Kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái rất ít mưa. Thời tiết hanh khô kéo dài, trong khi đó, mùa đông vừa qua trên địa bàn xảy ra băng tuyết, khiến thảm thực vật bị chết khô và hiện nay đang là thời gian cao điểm bà con đốt nương làm rẫy, vì thế, nguy cơ cháy rừng rất cao.
Ông Sùng A Thênh, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Mù Cang Chải cho biết, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn hiện đều có vùng trọng điểm về nguy cơ cháy rừng. Để hạn chế đến mức thấp nhất cháy rừng xảy ra, đơn vị đã tăng cường cán bộ phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tổ chức hướng dẫn bà con các quy trình đốt nương an toàn; tuyên truyền nâng cao ý thức sử dụng lửa khi vào rừng...
“Chúng tôi tuyên truyền người dân trong thời gian nắng nóng không được mang lửa vào rừng và sử dụng lửa trong rừng; tuyên truyền học sinh các trường khi vào rừng cũng không được dùng lửa. Đối với các hộ làm nương, nếu dùng lửa phải thật cẩn thận, nếu không sẽ xảy ra cháy rừng. Khu vực dân làm nương thì gom đốt vào buổi sáng sớm khi chưa nắng và gió hoặc đốt vào cuối chiều để hạn chế nguy cơ lửa cháy lan vào rừng”, ông Sùng A Thênh nói.
Được giao quản lý, bảo vệ 35.000 ha rừng, trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên, Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu cũng đang tăng cường rà soát các nguy cơ gây cháy; nhất là với diện tích rừng có nguy cơ cháy cao, khó tiếp cận, giáp ranh với các huyện Bắc Yên, Phù Yên của tỉnh Sơn La; phối hợp cùng cán bộ kiểm lâm địa bàn và người dân thay phiên nhau canh gác cửa rừng và trên các chòi nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố, vụ việc phát sinh.
Ông Lại Văn Quang, Phó Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu cho biết: “Đơn vị đã xác định rõ các vùng trọng tâm, trọng điểm, vùng dễ bị cháy và có nguy cơ xảy ra cháy cao để phối hợp với xã cử người canh gác trong các thời gian cao điểm, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng và khi xảy ra cháy là xử lý kịp thời tại chỗ, không để cháy lan”.
Tỉnh Yên Bái hiện có hơn 433.000 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên hơn 245.000 ha; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt hơn 63%.
Để bảo làm tốt công tác bảo vệ rừng khi thời tiết khô hanh kéo dài, đặc biệt là trong thời gian chính vụ sản xuất nương rẫy của người dân, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn xây dựng được 1.400 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, với trên 15 .000 người tham gia; thành lập 310 đội xung kích chữa cháy rừng với 3.600 thành viên. Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm cũng phối hợp với chính quyền các địa phương và ngành chức năng tổ chức diễn tập ứng phó với cháy rừng; tổ chức cho nhân dân ký cam kết bảo vệ rừng...
Ông Kiều Tư Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho biết: “Chi Cục đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị tăng cường công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng mùa hanh khô 2020 – 2021. Phối hợp với Quân đội, Công an đi kiểm tra các xã vùng trọng điểm, để từ đó rút ra những kinh nghiệm xử lý khi có cháy rừng. Chỉ đạo Hạt kiểm lâm các huyện tổ chức mạng lưới cảnh báo cháy rừng đến từng thôn bản; quản lý chặt chẽ diện tích nương rẫy từng thôn bản. Yêu cầu các hộ canh tác nương rẫy phải đăng ký giờ đốt, ngày đốt để cho kiểm lâm địa bàn, trưởng thôn, xã nắm được, để nếu có cháy xảy ra là biết ngay vị trí để sớm tiếp cận và có phương án chữa cháy hiệu quả nhất”.
Dù ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp, song nếu người dân không cùng vào cuộc thì nguy cơ cháy rừng vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì thế, việc bà con cần làm lúc này là chấp hành nghiêm túc các quy định về đốt nương làm rẫy; không xâm lấn rừng; thật cẩn trọng khi sử dụng lửa... Bên cạnh đó là phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tuần tra, canh gác nhằm sớm phát hiện và xử lý kịp thời nếu có cháy rừng xảy ra./.