Đốt thực bì có kiểm soát ở Gia Lai để phòng chống cháy rừng
VOV.VN - Để chủ động trong công tác phòng chống cháy rừng, tỉnh Gia Lai đã xây dựng kế hoạch, đồng thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chủ động ứng phó trước mọi tình huống có thể xảy ra.
Tây Nguyên đang bước vào mùa khô, nắng nóng kéo dài suốt thời gian qua đã khiến cho hàng chục nghìn ha rừng tại tỉnh Gia Lai đứng trước nguy cơ xảy ra cháy cao. Để chủ động trong công tác phòng chống cháy rừng, địa phương đã xây dựng kế hoạch, đồng thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chủ động ứng phó trước mọi tình huống có thể xảy ra.
Cộng đồng làng Đôch 1, xã Ia Kreng, huyện Chư Pah nhận khoán quản lý, bảo vệ gần 700 ha rừng từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly. Những ngày cuối tháng ba, nắng nóng kéo dài khiến những cánh rừng tại đây có nhiều cỏ khô, lau sậy dễ gây nên cháy rừng. Để chủ động phòng ngừa, làng Đôch 1 đã thành lập các tổ quản lí, bố trí nhiều chốt chặn tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng 24/24. Đặc biệt, đơn vị lên phương án tiến hành đốt trước có kiểm soát nhiều ha tại các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy.
Ông Rơ Chăm Ho, Làng Đôch 1, xã Ia Kreng, huyện Chư Pah, là một trong những hộ nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho biết: “Chúng tôi thành lập bốn tổ nhóm đi tuần tra hằng ngày, tích cực tham gia bảo vệ rừng, nếu có cháy nhanh chóng kết hợp với các lực lượng như dân quân của xã, công an viên, nhanh chóng dập lửa, hoặc cháy rừng một cách kịp thời”.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly đang quản lý hơn 12.500 ha có rừng. Ngay từ đầu mùa khô, đơn vị đã phân công cán bộ, nhân viên thường xuyên tuần tra, bám nắm địa bàn, chủ động xây dựng phương án 4 tại chỗ, đồng thời thành lập các tổ, đội phòng chống cháy rừng với lực lượng lên tới hàng trăm người. Đơn vị cũng triển khai các giải pháp kỹ thuật như đốt thực bì có điều khiển, làm hệ thống đường ranh cản lửa đối với những diện tích rừng có nguy cơ cháy cao.
Ông Phạm Thành Phước, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly, huyện Chư Pah, Gia Lai cho biết, mặc dù phần lớn diện tích rừng của đơn vị nằm rải rác ở nhiều địa bàn, thế nhưng đơn vị đã triển khai các phương án cần thiết để ứng phó với cháy rừng. Trong đó có một phần công sức lớn thuộc về bà con trong việc giúp đơn vị phát dọn và đốt thực bì có kiểm soát để phòng chống cháy rừng.
“Đặc thù của mùa khô ở Tây Nguyên là rất khô kiệt, nguy cơ cháy rừng xảy ra bất cứ lúc nào, do đó đơn vị thành lập ban chỉ huy phòng chống cháy. Đưa ra phương án, kí cam kết với tất cả các cộng đồng, các hộ dân sống gần rừng và kí cam kết với các tổ chức đứng trên đơn vị và các xã có rừng phân công cho các tổ chốt, trạm là khi xảy ra cháy thì báo cho ai, và làm những bước như thế nào để kịp thời phản ứng với vấn đề cháy rừng”, ông Phước chia sẻ./.