Nhà báo Phan Quang: Ai yêu nghề, người ấy khắc có đạo đức nghề nghiệp

VOV.VN -Ai yêu nghề, quý nghề, người ấy khắc có đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức báo chí bắt nguồn từ cái tâm, cái đức của người làm báo.

Dịp kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2018), nhà báo Phan Quang, nguyên Tổng Giám đốc Đài TNVN, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã dành thời gian chia sẻ đôi điều về nghề báo.

PV: Thưa ông, là một nhà báo xuất sắc qua hai thế kỷ phụng sự Tổ quốc, xin ông chia sẻ với thế hệ làm báo hôm nay những điều ông tâm huyết nhất?

Nhà báo Phan Quang: Ngược lên cội nguồn, tôi nghĩ cái căn cơ trong đời làm báo của mọi người đều xuất phát từ lòng yêu nghề, quý nghề. Tôi yêu nghề báo, coi đó là bước khởi nghiệp và nguồn sinh sống của cả đời mình, cho nên gắn bó với nó từ đầu.

Nhà báo Phan Quang giữa màu xanh xóm làng Quảng Trị (ảnh: Quốc Toàn)

Tôi tự dặn, ngay từ những ngày mới bước vào nghề, hãy cố gắng học tập, trải nghiệm, lao động thường xuyên để tay nghề mau chóng vượt qua cái non nớt ban đầu mà khá dần lên. Tôi quý nghề báo, mình thề với mình, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không để cái lợi, cái danh chi phối, dứt khoát không vì lợi danh mà làm tổn hại đến nghề báo nhọc nhằn nhưng rất cao quý.

Có thể có bạn cho mấy điều tôi vừa nói là thuyết lý chung chung, không mấy thiết thực, song tôi tin chúng ta cần khởi đầu từ cái gốc. Khi cái gốc đã vững nhờ bám sâu vào lòng đất, thì cái ngọn sẽ là nâng cao tay nghề, bồi dưỡng kiến thức, học hỏi các bậc đàn anh, không thỏa mãn với những gì mình làm được, cứ nhìn lên phía trước mà bươn chải theo hướng ngày càng chuyên nghiệp hơn, ngày càng xích gần hơn đến hiện đại… Xét đến cùng, đó là câu chuyện muôn đời “có chí thì nên”.

PV: Ông nhận xét thế nào về sự giống và khác nhau của hai thế hệ làm báo trước ảnh hưởng của công nghệ thông tin tác động đến truyền thông?

Nhà báo Phan Quang: Báo chí là một dòng sông không ngừng chảy. Những người làm báo thuộc các thế hệ khác nhau là những giọt nước làm nên dòng sông ấy. Dù ở thượng nguồn hay hạ lưu, sông vẫn một dòng sông ấy, nước vẫn những giọt nước ấy.

Nói cách khác, các thế hệ làm báo Việt Nam “già” và “trẻ”, tuổi đời, tuổi nghề khác nhau thì kiến thức, lối sống, phong cách tác nghiệp… ắt có dị biệt, âu cũng là chuyện đương nhiên. Lớp chúng tôi thuộc thế hệ 2G, tác nghiệp bằng cuốn sổ tay và cây bút chì, các bạn trẻ nay ở thế hệ 3G, 4G sắp tiến tới 5G, dùng máy vi tính và điện thoại thông minh, các bạn trẻ tay nghề cao hơn, phong cách hiện đại hơn là điều tất nhiên và đáng mừng.

Tuy nhiên, già hay trẻ, chúng ta cùng có một điểm chung, tính từ ngày xuất hiện tờ báo tiếng Việt đầu tiên và đặc biệt từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập dòng báo chí cách mạng cho đến nay, ấy là lòng yêu nước và ý nguyện của nhà báo dâng hiến cuộc đời vì nước vì dân. Những nhà báo cao niên luôn tự hào có các đồng nghiệp trẻ bước tiếp mình, và thật lòng tin tưởng, mừng vui là các bạn trẻ đã, đang và sẽ tiếp tục vượt lên.

Nhà báo Phan Quang thăm chị gái, người bám trụ làng quê qua mấy cuộc kháng chiến, nay 97 tuổi vẫn minh mẫn "kể chuyện ngày xưa"  (ảnh: Quốc Toàn)

PV: Đạo đức nghề nghiệp là một trụ cột quan trọng của mỗi nhà báo. Xin ông “rút, tỉa” đôi điều về câu chuyện này với các đồng nghiệp trẻ?

Nhà báo Phan Quang: Đạo đức báo chí, xét đến cùng, không có gì khác ngoài mấy điều tôi vừa tâm tình với bạn. Ai yêu nghề, quý nghề, người ấy khắc có đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức báo chí bắt nguồn từ cái tâm, cái đức của người làm báo. Chúng ta vì nước, vì dân mà tác nghiệp, tránh không để tay bị nhúng chàm vì lợi vì danh - đơn giản có thế thôi. Đó là căn cốt.

Mọi sự còn lại đều thuộc phạm vi hành nghề. Bác Hồ dạy: Bắt đầu viết bài, nhà báo hãy tự trả lời, bài này ta “Viết cho ai?”, “Viết để làm gì?” rồi mới đến “Viết như thế nào?”, hay nói theo lối nói ngày nay, báo chí cần làm sao cho “Đúng, trúng, nhanh, hay”.

Lời dạy của Bác Hồ hay 4 từ đúc kết phản ánh thực chất đạo đức nghề báo. Tấm lòng ta sáng, cái đức ta trong, ta tôn trọng sự thật, ta phụng thờ lẽ phải, ta viết báo vì lợi ích những người đọc chúng ta, đó là đạo đức. Còn về nghiệp vụ, nếu có sai thì sửa, chẳng may vấp ngã thì ta đứng dậy, mình tự hỏi mình do đâu vấp ngã, rồi thanh thản tiến bước tiếp tục đi lên.

PV: Trong thời gian làm việc ở báo Nhân Dân, ông đi nhiều, viết nhiều về nông thôn, nông dân, góp phần cùng các nhà báo Lê Điền, Hà Đăng, Hữu Thọ và nhiều người khác phát động các phong trào hợp tác hóa, thâm canh lúa. Vậy trong chuyến về thăm quê hương Quảng Trị này, ông cảm nhận như thế nào?

Nhà báo Phan Quang: Tôi thật lòng xúc động! Trong chuyến về thăm quê lần này, cách lần trước chưa xa lắm, thấy quê hương Quảng Trị đổi thay khá nhiều, đặc biệt ở nông thôn.

Mấy chục năm qua, tính từ ngày đình chiến 27/1/1973, tôi đã về Quảng Trị nhiều lần, đặc biệt trong nhiệm kỳ 5 năm làm Đại biểu Quốc hội tỉnh nhà, năm nào cũng ít nhất 3, 4 chuyến về tiếp xúc cử tri, nhờ vậy có điều kiện đi lại gần khắp tỉnh.

Cái đau xót nhất là cảnh quan quê hương ngày giải phóng bị chiến tranh tàn phá vượt quá xa mức mình có thể hình dung: Đất Quảng Trị đã gần như mất hết màu xanh thảo mộc, chỉ còn những con đường hỏng, những truông cát trắng điểm các nghĩa trang tạm bợ, những đồng ruộng bỏ hoang, những vườn cây lụi tàn…

Lần này về quê giữa những ngày nắng hè chói chang, tôi nhìn thấy lại màu xanh cây cối đậm đà hơn cả màu xanh tuổi ấu thơ tôi bên bờ sông Nhùng và sông Thạch Hãn. Trước khi rời Hà Nội về thăm quê, tôi cứ lo mình cao tuổi, về làng chuyến này mong muốn đi lại được nhiều nơi, thăm bà con gần xa, viếng mộ ông bà, thắp hương trước nhà thờ họ, nhà thờ phái được xây mới hay trùng tu, chắc rồi sẽ phải cuốc bộ nhiều, không biết đôi chân gầy guộc có kham nổi tấm thân già hay không.

Hóa ra xe hơi có thể đến tận nhiều nơi trong làng trong xóm, đường vào ngôi vườn cũ nơi có nếp nhà nhỏ thờ song thân tôi, những chuyến đi trước còn gồ ghề nhấp nhô nay được tráng xi măng thẳng tắp, sạch sẽ, phẳng lỳ. Đảo Cồn Cỏ ngoài khơi Cửa Tùng, Cửa Việt xưa kia thiếu nước sinh hoạt, thưa vắng bóng người, chỉ có bụi bờ lúp xúp, cỏ dại lác hoang nhưng chiến đấu giỏi, từng được Bác Hồ khen: “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Hoa Kỳ”, thì nay nhà cửa khang trang, có nguồn nước ngọt, có bến ghé thuyền, nghe nói nhiều du khách muốn đến thăm Cồn Cỏ…

Tôi hiểu, Quảng Trị ta còn nhiều khó khăn, còn phải đối mặt, vượt qua bao trở ngại, cùng cả nước đổi mới, phát triển, hội nhập. Bom mìn dường như vẫn rình rập trong lòng đất, giữa rừng xanh, dưới ao hồ. Chiến tranh kết thúc đã nửa thế kỷ rồi mà cái chết như vẫn đang cài bẫy, chờ giết hại dân lành.

Trước màu xanh quê hương được nhìn thấy lại, tự nhiên tôi cúi đầu thầm vái anh linh nhà thơ Tế Hanh, xin đổi một chữ trong câu thơ anh: “Trời vẫn xanh màu xanh Quảng Trị”, thành “Đời vẫn xanh màu xanh Quảng Trị”…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tọa đàm về nhà báo Trần Công Mân với báo chí cách mạng Việt Nam
Tọa đàm về nhà báo Trần Công Mân với báo chí cách mạng Việt Nam

VOV.VN -Những bài viết của nhà báo Trần Công Mân với thể loại sở trường là ngôn luận, chính luận, tiểu luận đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Tọa đàm về nhà báo Trần Công Mân với báo chí cách mạng Việt Nam

Tọa đàm về nhà báo Trần Công Mân với báo chí cách mạng Việt Nam

VOV.VN -Những bài viết của nhà báo Trần Công Mân với thể loại sở trường là ngôn luận, chính luận, tiểu luận đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Bùi Huy Toàn - Nhà báo VOV gắn bó với vùng than
Bùi Huy Toàn - Nhà báo VOV gắn bó với vùng than

VOV.VN -Với vùng than Quảng Ninh những năm 70-80 của thế kỷ trước, bộ ba nhà báo Huy Toàn - Võ Khắc Nghiêm - Mai Phương đã là "một thương hiệu"...

Bùi Huy Toàn - Nhà báo VOV gắn bó với vùng than

Bùi Huy Toàn - Nhà báo VOV gắn bó với vùng than

VOV.VN -Với vùng than Quảng Ninh những năm 70-80 của thế kỷ trước, bộ ba nhà báo Huy Toàn - Võ Khắc Nghiêm - Mai Phương đã là "một thương hiệu"...

Bàn giao Nhà tình nghĩa cho thân nhân nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Nhơn Ái
Bàn giao Nhà tình nghĩa cho thân nhân nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Nhơn Ái

VOV.VN -Ngôi nhà tình nghĩa được xây tại ấp 3, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang (quê hương của Nhà báo - Liệt sĩ Nguyễn Nhơn Ái).

Bàn giao Nhà tình nghĩa cho thân nhân nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Nhơn Ái

Bàn giao Nhà tình nghĩa cho thân nhân nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Nhơn Ái

VOV.VN -Ngôi nhà tình nghĩa được xây tại ấp 3, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang (quê hương của Nhà báo - Liệt sĩ Nguyễn Nhơn Ái).

Hành trình vượt qua ung thư đầy kỳ diệu của nữ nhà báo
Hành trình vượt qua ung thư đầy kỳ diệu của nữ nhà báo

VOV.VN -Với chị Cẩm Bào dù có bỏ tóc, “bỏ ngực”, nhưng chị không bao giờ từ bỏ niềm tin vào cuộc sống, không ngừng lan tỏa tinh thần lạc quan tới các đồng bệnh.

Hành trình vượt qua ung thư đầy kỳ diệu của nữ nhà báo

Hành trình vượt qua ung thư đầy kỳ diệu của nữ nhà báo

VOV.VN -Với chị Cẩm Bào dù có bỏ tóc, “bỏ ngực”, nhưng chị không bao giờ từ bỏ niềm tin vào cuộc sống, không ngừng lan tỏa tinh thần lạc quan tới các đồng bệnh.