Nhà máy thép ở Đà Nẵng bị vây: Lãnh đạo vì dân hay vì hai nhà máy?

VOV.VN -Tại buổi đối thoại, người dân bức xúc đặt câu hỏi với lãnh đạo TP.Đà Nẵng: "Tôi xin hỏi các cấp lãnh đạo, các anh sống vì dân hay là vì 2 nhà máy?"

Chiều 28/2, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành chức năng thành phố, huyện Hòa Vang tiến hành đối thoại với hơn 100 hộ dân 2 thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2, xã Hòa Liên.

Buổi đối thoại diễn ra chưa đầy 1 tiếng đồng hồ. Người dân đề nghị với chính quyền thành phố trả lời dứt khoát là: Di dời dân hay di dời nhà máy?Cho biết lộ trình cụ thể? Ông Hồ Kỳ Minh chưa thể trả lời ngay câu hỏi của người dân và “khất” lại đến sáng thứ 2 tuần tới.

Người dân cho rằng không thể chờ đợi được nữa.

Buổi đối thoại diễn ra khá trật tự trong khoảng thời gian đầu, lần lượt người dân hai thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng nêu ý kiến bức xúc về tình trạng ô nhiễm do 2 nhà máy thép Da Na-Ý và Da Na-Úc gây ra suốt thời gian dài. 

Ông Phan Nhạn, người dân thôn Vân Dương 1 đề nghị hoặc là đóng cửa nhà máy, đóng lò nấu để không gây ô nhiễm môi trường, hoặc di dời dân đi nơi khác thì đi đâu, không được di dời đến khu tái định cư Hòa Liên 6 như dự định của chính quyền thành phố, vì Khu dân cư này không cách xa nhà máy vẫn sẽ chịu ảnh hưởng ô nhiễm.

“Bụi ở đây tấp xuống đó thì cũng gây ô nhiễm môi trường. Đề nghị các cấp lãnh đạo quan tâm. Nếu vì dân thì các anh làm thẳng, còn vì nhà máy thì cũng trả lời rõ ràng cho dân biết”, ông Nhạn nói.

Người dân hai thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2, xã Hòa Liên cũng cho biết, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và huyện Hòa Vang đã nhiều lần hứa sẽ xử lý dứt điểm ô nhiễm nhưng rồi đâu lại vào đấy. Những ngày đầu năm mới Mậu Tuất, bà con quá bức xúc nên đã kéo đến bao vây 2 nhà máy. 

Người dân cho rằng, buổi đối thoại diễn ra vào chiều qua (27/2) ít người dự vì nhiều người không nhận được thông báo. Ông Ngô Chối, đại diện người dân 2 thôn đề nghị buổi đối thoại lần này, lãnh đạo thành phố có giải quyết dứt điểm được tình trạng ô nhiễm khói bụi hay không? Nếu giải quyết không được thì yêu cầu nhà máy đóng cửa. Ông Chối cho rằng, nếu thành phố đưa ra lộ trình di dời 2 nhà máy thì đề nghị lãnh đạo nhà máy phải thực hiện để dân yên tâm làm ăn sinh sống.

“Gần đây dân chúng tôi rất bức xúc. Hiện nay mấy chục héc-ta ruộng bỏ không, dân chúng tôi đói. Hôm nay đầu năm các vị lãnh đạo về đây là chân tình hợp lý. Dân chúng tôi yêu cầu phải chấm dứt ngay ô nhiễm chứ không kéo dài đến năm 2019 hay 2020 nữa” - ông Chối nói. 

Lãnh đạo Nhà máy thép cho rằng, để có tiền di dời nhà máy phải hoạt động.

Ông Huỳnh Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Da Na-Ý cho biết, mấy hôm nay người dân bức xúc bao vây nhà máy khiến việc sản xuất kinh doanh của đơn vị ngừng trệ.

Ông Tân thừa nhận khi Nhà máy sản xuất có ảnh hưởng khói bụi đến người dân xung quanh, nhưng về nước thải thì hệ thống nước thải của nhà máy tuần hoàn nên không thải ra ngoài. Một số người dân phản ánh là tại sao hệ thống tuần hoàn khép kín như vậy mà nước vẫn chảy ra ngoài, ông Tân giải thích lần đó do hệ thống bị hư hỏng.

“Về ô nhiễm tiếng ồn, dọc dãy hàng rào phía trước yêu cầu phải trồng cây và cách âm. Nhà máy đã gửi thiết kế xây dựng lên thành phố rồi, nhưng khi tiến hành xây dựng thì bà con phản đối, không chấp thuận phương án trồng cây xanh, yêu cầu phải có tiến độ di dời. Bây giờ đi thì quy trình thủ tục để đưa đến chấp thuận phải đúng theo lộ trình, quy trình, phải đấu giá, làm khu tái định cư… Bản thân doanh nghiệp không thể đáp ứng mà để cho lãnh đạo thành phố trả lời bà con” - ông Tân nói.

Không khí buổi đối thoại bắt đầu “nóng” lên khi lãnh đạo Nhà máy Da Na-Ý đưa ra hàng loạt khó khăn không thể di dời nhà máy. Ông Huỳnh Văn Tân cho rằng, nếu bà con tiếp tục ngăn cản không cho nhà máy hoạt động nữa thì lấy đâu ra tiền mà đền bù giải tỏa? Cách giải thích này không nhận được sự đồng tình của người dân.

Người dân tụ tập trước cổng nhà máy, ngăn cản hoạt động.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị bà con bình tĩnh tìm hướng giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Ông Minh cho rằng việc 2 nhà máy đặt tại xã Hòa Liên là do yếu tố lịch sử. Hiện chính quyền thành phố đang lúng túng trước cả 2 phương án: di dời nhà máy và di dời dân đều khó khả thi.

“Cả 2 phương án đều xấu hết. Chúng ta phải chọn ra được phương án ít xấu nhất cho cả cộng đồng, cho cả phía doanh nghiệp, cho cả phía chính quyền. Đầu tiên nghĩ đến phương án di dời 2 nhà máy. Trước đây thành phố cũng đã tìm địa điểm thích hợp nhưng trên địa bàn thành phố đều không tìm được các vị trí di dời 2 nhà máy đến. Chúng ta nói với nhau thẳng thắn như vậy. Phương án di dời dân thì chúng ta phải đối diện với áp lực tái định cư. Mà làm khu tái định cư thì phải cách ly một khoảng an toàn với 2 nhà máy hiện nay”, ông Minh nói.

Theo ông Hồ Kỳ Minh, thành phố cũng đã chuẩn bị 2 khu tái định cư Hòa Liên 6 và Hòa Liên 7, cách xa nhà máy hơn 500m nhưng người dân vẫn không chấp nhận. Ông Minh nói rằng, hôm nay bà con đều đồng tình đóng cửa nhà máy và không di dời dân nữa. Vấn đề này phải chờ ý kiến của lãnh đạo thành phố và sẽ trả lời cho bà con vào thứ 2 tuần tới (ngày 5/3)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quảng Nam: Dân vây nhà máy thép, chính quyền ” tiến thoái lưỡng nan”
Quảng Nam: Dân vây nhà máy thép, chính quyền ” tiến thoái lưỡng nan”

VOV.VN - Tỉnh Quảng Nam đang “tiến thoái lưỡng nan” vì di dời nhà máy thép gây ô nhiễm chưa được triển khai, người dân bức xúc và tiếp tục phản đối.

Quảng Nam: Dân vây nhà máy thép, chính quyền ” tiến thoái lưỡng nan”

Quảng Nam: Dân vây nhà máy thép, chính quyền ” tiến thoái lưỡng nan”

VOV.VN - Tỉnh Quảng Nam đang “tiến thoái lưỡng nan” vì di dời nhà máy thép gây ô nhiễm chưa được triển khai, người dân bức xúc và tiếp tục phản đối.

Nổ như bom ở nhà máy thép Việt - Hàn sáng 27 Tết
Nổ như bom ở nhà máy thép Việt - Hàn sáng 27 Tết

VOV.VN -Sáng 27 Tết, một vụ nổ lớn xảy ra tại nhà máy thép Việt - Hàn, cụm công nghiệp Quất Động, Thường Tín, Hà Nội làm nhiều nhà dân bị ảnh hưởng.

Nổ như bom ở nhà máy thép Việt - Hàn sáng 27 Tết

Nổ như bom ở nhà máy thép Việt - Hàn sáng 27 Tết

VOV.VN -Sáng 27 Tết, một vụ nổ lớn xảy ra tại nhà máy thép Việt - Hàn, cụm công nghiệp Quất Động, Thường Tín, Hà Nội làm nhiều nhà dân bị ảnh hưởng.

Quảng Nam “tiến thoái lưỡng nan” với Dự án xây dựng nhà máy thép
Quảng Nam “tiến thoái lưỡng nan” với Dự án xây dựng nhà máy thép

VOV.VN - Người dân tỉnh Quảng Nam lo lắng việc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn thép Việt Pháp được chọn địa điểm để xây dựng nhà máy luyện cán thép.

Quảng Nam “tiến thoái lưỡng nan” với Dự án xây dựng nhà máy thép

Quảng Nam “tiến thoái lưỡng nan” với Dự án xây dựng nhà máy thép

VOV.VN - Người dân tỉnh Quảng Nam lo lắng việc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn thép Việt Pháp được chọn địa điểm để xây dựng nhà máy luyện cán thép.