Nhà sáng chế của bản Duồng chế tạo nhiều máy phục vụ sản xuất
VOV.VN - Đam mê sáng tạo, anh Hoàng Văn Duẩn ở thôn Nà Duồng, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn đã tự nghiên cứu và chế tạo nhiều loại máy phục vụ sản xuất.
Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là mục tiêu trong Dự án 3 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Anh Hoàng Văn Duẩn đã nghiên cứu chế tạo thành công “Dàn nâng, gắp, xúc ủi gắn trên máy kéo nông nghiệp” mang tính ứng dụng cao và đạt Giải nhất Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông toàn quốc lần thứ IX và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023".
Trở về sau khi nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc tại buổi lễ trang trọng được tổ chức ở Hà Nội, anh Hoàng Văn Duẩn lại tất bật với cờ lê, mỏ lết, bàn tay lấm lem dầu mỡ bên những bản vẽ còn dang dở.
Năm 2016, sau khi tốt nghiệp ngành Báo chí, anh Duẩn quyết định vào Đà Nẵng rồi TP.HCM lập nghiệp. Hơn 4 năm bươn trải với nhiều công việc khác nhau, anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Bằng nguồn vay vốn ngân hàng, gia đình đã mua 1 chiếc máy đầu kéo giúp anh "khởi nghiệp". Với đầu máy kéo này, anh Duẩn đi cày đất, chở gỗ thuê cho bà con dân bản. Trong quá trình chở gỗ, nhận thấy việc bốc xếp gỗ lên xe đòi hỏi nhiều nhân công, lại phụ thuộc thời tiết... nên anh đã nung nấu ý tưởng cải tiến chiếc máy để tạo nên nhiều tính năng hữu ích hơn.
“Bà con ở đây đều sống nhờ vào rừng nhưng khâu vận chuyển sau khai thác rất vất vả, bốc gỗ lên xe và bốc gỗ xuống xe hầu như sử dụng bằng sức người, tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động vì thế tôi nghĩ là làm thế nào để cải tiến các tính năng của máy tạo được hiệu suất cao hơn và giảm công lao động của con người”, anh Hoàng Văn Duẩn chia sẻ.
Nghĩ là làm, anh quyết định lấy ngay chiếc máy kéo của mình để thử nghiệm. Tự mày mò tìm hiểu từng chi tiết, tìm mua những động cơ cũ cùng loại để nghiên cứu thêm.... chiếc máy đã bị anh lật tung, tháo đi, lắp lại trong ánh mắt e ngại của cha mẹ và họ hàng, làng xóm. Vốn liếng tích cóp 2 năm làm thuê đều được anh đổ vào những thiết bị máy móc, thậm chí anh phải vay thêm tiền người thân để có thể hoàn thiện ước mơ của mình.
Nhiều đêm thức trắng với các phác thảo bộ phận chi tiết, tính toán công năng, thông số kỹ thuật, cách sử dụng… cùng hàng chục lần thử nghiệm thất bại, cuối tháng 5/2022, chiếc máy “tời, kéo, cẩu gắn trên máy kéo nông nghiệp” đầu tiên của anh được “trình làng”. Chiếc máy này có thể thay thế cho 10 nhân công và không bị ảnh hưởng khi thời tiết bất lợi. Sản phẩm đầu tiên “ra lò” thành công với sự đón nhận của bà con nông dân đã thôi thúc anh tích cực tìm hiểu để tiếp tục cải tiến, nâng cấp sản phẩm nhằm đem lại năng suất, hiệu quả cao hơn và được nhiều người tín nhiệm, đặt hàng.
Anh Hoàng Văn Duẩn cho hay: Trên cơ sở thành công trước đó, anh lại tiếp tục tìm tòi, chọn lọc những điểm mạnh của các dòng xe cơ giới để tích hợp thành một dàn duy nhất gắn trên máy kéo nông nghiệp. Đến tháng 9 năm 2022, anh hoàn thiện “Dàn nâng, gắp, xúc ủi gắn trên máy kéo nông nghiệp” và thực tế ứng dụng cho thấy rất phù hợp với điều kiện địa hình đồi núi ở đây.
Dàn nâng, gắp, xúc ủi gắn trên máy kéo nông nghiệp được chế tạo dựa trên nguyên lý cơ khí thủy lực gắn ở phía sau xe có thể nâng, hạ trọng lượng khoảng 2 tấn. Nó là sự kết hợp những điểm mạnh của các loại máy cơ giới, tích hợp nhiều tính năng, có thể giải quyết được các công đoạn là gắp, nâng, hạ nông sản hàng hóa, vật liệu xây dựng, xúc ủi đất, phục vụ mở, sửa đường, tham gia công đoạn đảo trộn, vận chuyển vữa bê tông… nếu khi không phục vụ cho lâm nghiệp, chúng ta dễ dàng chuyển đổi chức năng sang làm máy cày, máy kéo nông nghiệp.
Cải tiến của anh Duẩn có thể thay thế tương đương sức làm của hơn 20 lao động khi bốc xếp gỗ. Đồng thời, có thể xử lý được các công việc của xe nâng, máy xúc, máy ủi mà mức đầu tư chỉ bằng 1/10. Hiện thiết bị do anh Duẩn chế tạo đang được ứng dụng trong sản xuất của gia đình và phục vụ nhu cầu của bà con địa phương. Anh cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật cho người dân đến tham quan, học hỏi.
Anh Hoàng Văn Hướng ở thôn Khuổi Tặc xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Cái này tôi thấy em Duẩn làm nên tôi cũng về áp dụng, làm theo để vận chuyển những đồ nặng trong gia đình hoặc những cục gỗ vào máy tiện cho nó dễ, không phải hai ba người nữa mà một mình tự làm, tự thao tác….”
Ở xã Bằng Lãng, Hoàng Văn Duẩn không chỉ được mọi người biết đến với dàn nâng cải tạo trên máy xúc mà anh còn được mọi người nể phục với nhiều cải tiến các loại công cụ lao động và luôn nhiệt tình giúp đỡ mọi người.
“Những bãi ngô soi bãi ở ngoài này thì để mà sử dụng hết đất nông nghiệp thì không làm hết nhưng từ khi anh cải tạo máy phay, tời kéo này ý thì bà con nhân dân đã tận dụng hết để trồng ngô lúa…”, ông Nguyễn Huy Tính, người dân thôn Nà Duồng, xã Bằng Lãng cho biết thêm.
Năm 2022, tại Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông toàn quốc lần thứ IX do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, sáng chế của anh Duẩn xuất sắc vượt qua 97 giải pháp sáng tạo kỹ thuật của các tác giả thuộc 22 tỉnh, thành phố và được chấm đạt giải cao nhất tại Cuộc thi. Đặc biệt, năm 2023, anh vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc.
“Tôi thấy mình thật sự may mắn khi nhận được giải Nhất, nó là động lực để em tiếp tục theo đuổi đam mê của mình. Trong thời gian sắp tới tôi đang cố gắng hoàn thành xong dàn thu hoạch ngô và tiến tới sẽ làm thêm một dàn phát cỏ trên đồi nữa, đấy là những ấp ủ...”, anh Hoàng Văn Duẩn nói.
Đam mê nghiên cứu, chịu khó tìm tòi, học hỏi, sáng tạo những cách làm mới, nông dân trẻ Hoàng Văn Duẩn vẫn đang tiếp tục chinh phục những thử thách mới để đem đến những hiệu quả thiết thực trong sản xuất cho bà con nông dân. Anh là một điển hình của người nông dân hiện đại, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn ứng dụng, cải tiến kỹ thuật công nghệ vào sản xuất, xứng đáng với sự yêu mến của người dân khi gọi anh là “Nhà sáng chế của bản”.