Nhận diện mánh khóe mới của các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái
VOV.VN - Hàng hóa tập kết tại biệt thự, nhà chung cư cao cấp là một trong những mánh khóe mới của đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái được ông Dương Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội chia sẻ với VOV2.
PV: Thưa ông, thông qua quá trình kiểm tra, giám sát, cơ quan chức năng nhận định về tình trạng vi phạm hàng giả, hàng nhái vào dịp cuối năm nay như thế nào và nhận diện những hành vi vi phạm nào mới?
Ông Dương Mạnh Hùng: Nguồn gốc xuất phát của hàng hóa thường từ hai nguồn, thứ nhất là hàng nhập lậu, “hàng xách tay” được sản xuất ở nước ngoài, sau đó vận chuyển từ biên giới vào nội địa và thứ hai là hàng hóa được sản xuất, gia công ngay chính trong thị trường trong nước.
Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất đa dạng. Nhiều nhãn hiệu nổi tiếng bị xâm phạm dưới các hình thức như: sao chép, bắt chước kiểu dáng, mẫu mã gần giống hoặc tương tự, gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng, làm tổn hại kinh tế và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.
Đối với hàng hoá đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó sản xuất thì các đối tượng thường đặt sản xuất gia công ở nước ngoài sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ; đối với hàng hoá mẫu mã đơn giản, giá rẻ phù hợp với đa số người lao động có thu nhập thấp thường được sản xuất ngay trong nước, tại các khu công nghiệp, làng nghề…
Hiện nay, hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ không được tập kết, bày bán công khai như trước đây, mà sau khi đưa hàng hóa qua biên giới, các đối tượng tập kết tại kho hàng ở khu vực ngoại thành, xa trung tâm, ít người qua lại hoặc để tại nhà riêng, các khu chung cư cao cấp sau đó, các đối tượng lợi dụng việc kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử, để kinh doanh hàng hóa vi phạm, gây khó khăn cho công tác nắm bắt, kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng.
PV: Thời gian vừa qua, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện và xử lý những vụ việc nổi cộm như thế nào, thưa ông?
Ông Dương Mạnh Hùng: Ngày 04/12/2023, Đội QLTT số 9 - Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an xã Uy Nỗ - Công an huyện Đông Anh kiểm tra Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại thôn Ấp Tó, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội thu giữ gần 1 tấn hàng hóa thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có những sản phẩm "kẹo hình mắt người" mà dư luận quan tâm.
Ngày 25/12/2023, Đội QLTT số 11 – Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Cục NVQLTT, Cục A05 – Bộ Công an và Cục TMĐT và KTS – Bộ Công Thương kiểm tra đại điểm kinh doanh tại tòa nhà biệt thự 5 tầng, địa chỉ: căn U04-L01, Khu đo thị Dương Nội, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội (Chủ cơ sở là bà Nguyễn Hoàng Mai Ly, mỗi lượt livestream chốt hàng nghìn đơn hàng). Số hàng hóa vi phạm là khoảng 125 nghìn sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, hàng gia dụng do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, trị giá khoảng 19 tỷ đồng. Vụ việc đang được thẩm tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngày 26/12/2023, Đội QLTT số 25 - Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Công an huyện Chương Mỹ kiểm tra 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trên địa bàn thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, phát hiện, thu giữ 18.532 sản phẩm mỹ phẩm và thực phẩm chức năng thành phẩm giả mạo tên, địa chỉ của doanh nghiệp sản xuất, 26.018 sản phẩm mỹ phẩm.
Ngoài ra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang sang chiết, đóng sản phẩm vào các hộp, chai, lọ bên ngoài thể hiện các nhãn hiệu như: Ronas, Ultra-V, Vitamin E, Gamma, Royal retinol…có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc, xuất xứ với khối lượng lên tới 40 tấn hàng hoá cùng một lượng lớn các lọ nhựa, hộp đựng, tem nhãn, nguyên liệu không rõ nguồn gốc và máy móc thiết bị phục vụ cho việc sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Vụ việc được chuyển CQĐT huyện Chương Mỹ để xử lý hình sự.
Ngày 26/12/2023, Đội QLTT số 9 - Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Công an huyện Đông Anh kiểm tra một cơ sở sản xuất tất, thu giữ 13.660 đôi tất giả mạo các nhãn hiệu: Nike, Adiddas, Uniqlo....; 6.000 tem giả nhãn hiệu, 85 kg chỉ may và 05 cái máy dệt phục vụ sản xuất tất.
Ngày 02/01/2024, Đội QLTT số 7 phối hợp Đội 6, Phòng Cảnh sát Kinh tế – Công an thành phố Hà Nội kiểm tra Hộ kinh doanh, địa chỉ: Số 40, ngõ 300b đường Nguyễn Xiển, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ gần 20.000 sản phẩm mỹ phẩm các loại có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu, trị giá hàng hóa khoảng hơn 380 triệu đồng.
Ngày 03/01/2024, Đội QLTT số 7 phối hợp Đội 6, Phòng Cảnh sát Kinh tế – Công an thành phố Hà Nội kiểm tra Hộ kinh doanh cửa hàng phụ tùng, địa chỉ: Xóm Chùa, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội, tạm giữ 80 sản phẩm là phụ tùng xe máy do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp, 308 sản phẩm là phụ tùng xe máy mang nhãn Honda, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda đang được bảo hộ tại Việt Nam. Tổng giá trị hàng hóa là: 121.050.000 đồng. Cơ quan chức năng đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật.
PV: Lực lượng quản lý thị trường đã giám sát kênh phân phối trên các nền tảng số như thế nào như thế nào, thưa ông? Và đâu là khó khăn?
Ông Dương Mạnh Hùng: Cục QLTT thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 05 và chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường chủ động nắm tình hình, đánh giá được biến động thị trường để có biện pháp kiểm tra, giám sát, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên thương mại điện tử; các tổ chức quản lý, sở hữu các sàn giao dịch thương mại điện tử; các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh sử dụng website thương mại điện tử, ứng dụng trên thiết bị di động chào bán hàng hóa trên mạng xã hội như Facebook, Zalo...
Khó khăn và thách thức nhất hiện nay đối với lực lượng chức năng là kiểm tra, kiểm soát trên môi trường mạng, thương mại điện tử. Thủ đoạn của các đối tượng hoạt động kinh doanh trên môi trường internet rất tinh vi, khó lường. Khi bị kiểm tra, chủ cơ sở cho dừng, đóng, khóa trang web ngay tại thời điểm kiểm tra gây khó khăn cho công tác chứng minh vi phạm trên website thương mại điện tử.
Hiện nay, hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, không tập kết, bày bán công khai như trước đây, mà sau khi hàng hóa qua biên giới, các đối tượng tập kết tại kho hàng ở khu vực ngoại thành, xa trung tâm, ít người qua lại hoặc để tại nhà riêng, các khu chung cư cao cấp. Sau đó, các đối tượng lợi dụng việc kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử, để kinh doanh hàng hóa vi phạm, gây khó khăn cho công tác nắm bắt, kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng.
Các đối tượng ngày càng am hiểu và có trình độ về công nghệ thông tin, sử dụng cùng một lúc nhiều tài khoản trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử để ngay lập tức có thể xóa thông tin, gây khó khăn trong việc truy vết và xử lý của cơ quan chức năng.
Thực tế trong quá trình triển khai thực hiện, một trong những rào cản lớn nhất của công tác quản lý việc kinh doanh thương mại điện tử là tỷ lệ cá nhân, tổ chức đăng ký, thông báo theo đúng quy định khi tham gia hoạt động thương mại điện tử vẫn còn thấp. Việc thực hiện xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp gian lận cũng gặp khó khăn, các website thương mại điện tử không cung cấp địa chỉ, cung cấp địa chỉ không đúng, có nhiều địa chỉ là nhà dân, nhà chung cư; phần lớn các đối tượng sử dụng phầm mềm như facebook, zalo, tiktok... nên gặp khó khăn trong việc xác định tính chất, quy mô, địa chỉ và hàng hóa vi phạm.
Các hoạt động bưu chính viễn thông (chuyển phát nhanh, ship hàng thu tiền hộ) đang thiếu quy định cụ thể về chế định, chế tài xử lý gây khó khăn cho công tác kiểm tra và xử lý vi phạm. Ngoài ra, trình độ hiểu biết về công nghệ thông tin, về thương mại điện tử của lực lượng chức năng chưa theo kịp với sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử nên hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này còn hạn chế.
PV: Xin cảm ơn ông!