Nhật Bản có nhu cầu tiếp nhận điều dưỡng và hộ lý Việt Nam
VOV.VN - Dự báo, nhu cầu tiếp nhận điều dưỡng và hộ lý trong lĩnh vực chăm sóc người già của Nhật Bản đối với Việt Nam tiếp tục gia tăng.
Trong khuôn khổ Hiệp định cấp Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản từ năm 2012, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức tuyển chọn 3 khóa điều dưỡng và hộ lý, với tổng số 510 ứng viên để đưa vào đào tạo trước khi đưa sang Nhật Bản làm việc.
Dự báo, nhu cầu tiếp nhận điều dưỡng và hộ lý trong lĩnh vực chăm sóc người già của Nhật Bản đối với Việt Nam tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Đây là cơ hội để lao động Việt Nam muốn đi làm việc tại thị trường chất lượng cao. Phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về nội dung này.
Ông Tống Hải Nam-Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước |
PV: Thưa ông, sau 3 khóa tuyển chọn và đào tạo đưa hộ lý và điều dưỡng Việt Nam sang học tập và làm việc tại Nhật Bản, đến nay, những kết quả đạt được cụ thể ra sao?
Ông Tống Hải Nam: Đến nay, chúng ta đã triển khai được khóa thứ 3 của Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi học tập và làm việc tại Nhật Bản trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Khóa thứ nhất, chúng ta đã triển khai từ năm 2012, có 150 ứng viên điều dưỡng, hộ lý đã được tuyển chọn để đưa vào đào tạo tiếng Nhật 1 năm tại Việt Nam. Khóa thứ 2 và khóa thứ 3, chúng tôi cũng đã tuyển chọn được mỗi khóa 180 em đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam trong 1 năm.
Sau 1 năm học tập tại Việt Nam, các em phải tham dự một kỳ thi tiếng Nhật và nếu đạt trình độ tiếng Nhật N3 trở lên sẽ đủ điều kiện để được tham gia lựa chọn sang học tập và làm việc tại Nhật Bản trong lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý chăm sóc người già.
Kết quả, khóa 1, có 150 em được tuyển chọn và đào tạo thì đã có 138 em đủ điều kiện sang học tập và làm việc tại Nhật Bản. Những em này đã được sang Nhật Bản từ ngày 5/6/2014 và vừa qua, 151 em của khóa 2 đã vượt qua được kỳ thi năng lực tiếng Nhật trong nước và đủ điều kiện sang học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Ngày 26/5 vừa qua, 151 em này đã xuất cảnh. Còn hiện nay, 180 em của khóa 3 đang được đào tạo tiếng Nhật và sẽ tham gia vào kỳ kiểm tra năng lực tiếng Nhật vào tháng 12/2015 để sang học tập và làm việc tại Nhật Bản.
PV: Hiện nay, những ứng viên điều dưỡng và hộ lý đã sang Nhật Bản được bạn tiếp nhận, đánh giá về trình độ chuyên môn cũng như khả năng như thế nào, thưa ông?
Ông Tống Hải Nam: Phải khẳng định là 138 em đầu tiên trước khi sang Nhật Bản chúng tôi rất lo, bởi trước khi đưa các em đi, chúng tôi đã khảo sát tình hình và được biết việc học tập và làm việc bên Nhật tương đối khó. Yêu cầu về chuyên môn của Nhật cũng cao, rồi tiếng Nhật cũng khó.
Ứng viên điều dưỡng, hộ lý khóa 2 trước ngày xuất cảnh sang học tập và làm việc tại Nhật |
Số ứng viên của Philippines, Indonesia mà chúng tôi đã gặp đang học tập và làm việc tại Nhật Bản cho biết, để lấy được chứng chỉ hành nghề quốc gia của Nhật Bản rất khó. Có những ứng viên tham dự để thi lấy chứng chỉ quốc gia hành nghề tại Nhật Bản đến 2-3 lần mà vẫn chưa được.
Việc này chúng tôi rất lo lắng, tuy nhiên sau một thời gian các em khóa 1 sang Nhật Bản và chúng tôi nhận được phản hồi rất tích cực từ các cơ sở tiếp nhận của Nhật. Cụ thể, phía bạn đánh giá rất cao các em ở ý thức, thái độ, kỹ thuật chuyên môn và khả năng tiếp thu tiếng Nhật để hòa nhập với môi trường và cuộc sống tại Nhật.
Có một tin rất vui là sau khoảng 9 tháng sang Nhật Bản, từ tháng 6/2014 đến cuối tháng 3/2015 có một kỳ thi để lấy chứng chỉ hành nghề điều dưỡng, (Tôi phải giới thiệu là điều dưỡng thì hàng năm các em được thi 1 lần để lấy chứng chỉ của Nhật. Còn riêng hộ lý thì sau 4 năm mới được thi) thì đã có 1 em của Việt Nam lấy được chứng chỉ quốc gia và 3 em khác lấy được chứng chỉ hành nghề của địa phương ở Nhật Bản.
Tất nhiên, các em muốn ở lại lâu dài tại Nhật Bản thì phải lấy được chứng chỉ quốc gia của bạn. Có thể nói đây là tin rất vui, chứng tỏ sự nỗ lực của các em. Tôi hy vọng, khóa 2, khóa 3 và các khóa tiếp theo, các em sẽ phấn đấu để đạt được kết quả đã đạt được như khóa 1 đã đạt được vừa qua.
PV: Ông có thể cho biết nhu cầu về điều dưỡng và hộ lý của Nhật Bản đối với ứng viên Việt Nam trong thời gian tới như thế nào?
Ông Tống Hải Nam: Không chỉ ở chương trình này, mà rất nhiều cương trình hợp tác giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với các cơ quan, địa phương của Nhật Bản, trong thời gian vừa qua, chúng tôi nhận được thông tin cụ thể là Nhật Bản có nhu cầu rất lớn về ứng viên điều dưỡng và hộ lý Việt Nam. Đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc người già. Nhật Bản là nước dân số đông, hơn 120 triệu dân trong khi tỷ lệ sinh lại thấp, có nghĩa là dân số của bạn là già hóa, nên nhu cầu lao động trong dịch vụ y tế chăm sóc người già là rất lớn.
Rất nhiều địa phương, nghiệp đoàn đã đặt vấn đề với chúng tôi về việc tiếp nhận ứng viên điều dưỡng, hộ lý. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam và Nhật Bản mới chỉ triển khai chương trình theo Hiệp định đối tác kinh tế. Cho nên, trước mắt chỉ có số ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đi theo chương trình này được sang học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Thông tin chúng tôi nhận được thì hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét có thể mở rộng ngành nghề hộ lý trong lĩnh vực chăm sóc người già sẽ sang làm việc tại Nhật Bản theo kênh Chương trình thực tập sinh kỹ năng, mà như hiện nay chúng ta đang triển khai với nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét mở rộng thêm ngành nghề hộ lý - là thực tập sinh kỹ năng nước ngoài đến làm việc tại Nhật Bản.
PV: Xin cảm ơn ông./.