Nhiều cách làm hiệu quả trong giảm nghèo bền vững ở miền núi Quảng Nam
VOV.VN - Hiện nay, nhiều hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Nam đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu chính đáng.
Những năm gần đây, công tác giảm nghèo bền vững ở các huyện miền tỉnh Quảng Nam đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Theo đó, đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt; người dân tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước để phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập.
Trước đây, gia đình chị A Lăng Dy, ở thôn Pà Ong, xã Cà Dy huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam thuộc diện hộ nghèo. Cả nhà chị sống dựa vào làm nương rẫy, trồng xen canh cây đậu, cây bắp, cuộc sống luôn túng thiếu. Cuối năm 2010, từ nguồn vốn vay 30 triệu đồng của Ngân hàng chính sách xã hội và các nguồn vốn lồng ghép khác, chị A Lăng Dy đã mạnh dạn đầu tư làm chuồng trại và mua hàng chục con heo rừng về chăn nuôi.
Chị Dy cũng được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi nên đàn lợn của gia đình chị lớn nhanh, không bị dịch bệnh. Công việc chăn nuôi thuận lợi, chị A Lăng Dy mở rộng nuôi bò và hàng trăm con gà, kết hợp trồng 10 héc ta cây keo và cây mít thái. Chị Dy tính nhẩm, mỗi năm lãi hơn 200 triệu đồng từ các mô hình sản xuất, chăn nuôi. Chị Dy cho rằng, trồng keo, chăn nuôi gia súc, gia cầm mới giúp bà con thoát được nghèo đói: “Tôi vay tiền được 2 năm rồi, để mua bò và trồng mít. Đến nay, tôi đã có thu hoạch rồi”.
Để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cấp uỷ, chính quyền huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong công tác giảm nghèo bền vững. Huyện đã xây dựng Đề án phát triển cây trồng, con vật nuôi, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế. Ông Tơ Ngôl Với, Phó Chủ tịch UBND huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết, mỗi năm, huyện đã chi ngân sách hơn 2 tỷ đồng hỗ hộ nghèo phát triển xuất. Hiện nay, huyện Nam Giang có 130 mô hình phát triển kinh tế và mang lại nguồn thu đáng kể.
“Trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo cũng đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, rồi chăn nuôi điển hình. Kết quả giảm nghèo giai đoạn từ 2016 đến 2020 rất rõ rệt, bình quân giảm hàng năm từ 5 đến 7%. Chúng tôi tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp công tác giảm nghèo bền vững, chủ yếu vào hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm và xuất khẩu lao động”, ông Với cho biết thêm.
Theo ông A Lăng Mai, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, những năm qua, cùng với nguồn kinh phí của Trung ương, tỉnh Quảng Nam cũng đã hỗ trợ giúp đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đầu năm nay, tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ gần 2 tỷ đồng, thực hiện các mô hình khuyến nông tại các xã miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Một số mô hình bước đầu mang lại hiệu quả cao như: mô hình trồng và thâm canh cây Bưởi da xanh, nuôi cá Diêu hồng lồng bè trên hồ thủy điện, nuôi cá thát lát cườm lồng bè trên hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, địa phương còn giúp cây giống, vật nuôi, bò giống, heo giống…. nhờ đó, nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Ông A Lăng Mai, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam khẳng định, 6 tháng đầu năm nay, hơn 1.600 hộ nghèo và trên 600 hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu sổ miền núi đã đăng ký thoát nghèo.
“Bản thân các hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số họ đã có sử dụng nguồn vốn phát huy hiệu quả. Qua đó, góp phần phát triển sản xuất cũng như nâng cao thu nhập hộ và góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững. Các chương trình mục tiêu của Trung ương cũng như nguồn ngân sách của tỉnh hỗ trợ về cây giống, cây ăn quả cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Quảng Nam đã phát huy hiệu quả. Qua đó làm thay đổi diện mạo phát triển kinh tế xã hội miền núi”, ông Mai nói./.