Nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai nợ đóng bảo hiểm gần 400 tỷ đồng
VOV.VN - Năm 2023, các doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, sản xuất cầm chừng. Trong bối cảnh đó, hơn 147 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn xảy ra tình trạng người lao động bị ảnh hưởng việc làm.
Cụ thể, tính đến hết tháng 9/2023, có 51.983 người lao động bị giảm giờ làm, 17.223 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, có 4.056 người lao động bị tạm hoãn hợp đồng.
Đối với quyền lợi của người lao động, nhiều đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn vi phạm chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Trong đó, việc nợ BHXH tăng cao, thời gian nợ dây dưa kéo dài.
Tính đến hết tháng 10/2023, trên địa bàn tỉnh có 2.058 doanh nghiệp nợ đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền gần 400 tỷ đồng.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho biết: Năm 2024, công đoàn các cấp tập trung nguồn lực hỗ trợ người lao động, đoàn viên công đoàn bị ảnh hưởng việc làm. Đồng thời, tham gia cùng các ngành chức năng định giá nhà ở xã hội cho người lao động thu nhập thấp, vận động đóng góp các loại quỹ xây dựng mới và sửa chữa nhà Mái ấm Công đoàn để hỗ trợ đoàn viên, người lao động gặp khó khăn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở và nâng cao chất lượng chủ tịch công đoàn cơ sở: Đề nghị các đơn vị rà soát công tác phát triển đoàn viên, tình hình doanh nghiệp thế nào. Trong quá trình đó phải phối hợp với các ngành. Phải quan tâm chăm lo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở bằng cách đầu tư nguồn lực, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng.
Dịp này, UBND tỉnh Đồng Nai dành 30 tỷ đồng để chăm lo cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ 350 vé tàu đưa đón đoàn viên, người lao động về quê đón Tết và quay trở lại làm việc.