Nhiều giải pháp xử lý kẹt xe ở các “điểm nóng” tại Bình Dương
VOV.VN - Nhiều ý kiến cho rằng, Bình Dương nên đầu tư thêm xe buýt công cộng để giảm số lượng xe cá nhân tham gia giao thông, cần thiết có kênh thông tin để người dân biết mà tránh vào các đoạn đường đang bị ùn tắc.
Lưu lượng phương tiện gia tăng nhanh chóng trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được khiến nhiều tuyến đường, nút giao thông ở Bình Dương thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và phát triển kinh tế của tỉnh.
Thời gian gần đây, nhiều giải pháp tháo gỡ đang được Bình Dương triển khai, đặc biệt là phân luồng giao thông, xem xét quy định giờ vận chuyển cho xe container, xây dựng thêm cầu vượt…
Kẹt xe “bủa vây” Bình Dương
Hiện nay, kẹt xe được coi là chuyện thường ngày tại các tuyến đường chính của Bình Dương, đặc biệt là đường ĐT 743 và đường Mỹ Phước- Tân Vạn. Ngày nào, phương tiện giao thông cũng phải xếp hàng rồng rắn trên 2 con đường kết nối Bình Dương với TPHCM, Đồng Nai và Bình Phước. Kẹt xe kéo dài, các phương tiện phải nhích từng chút một để di chuyển.
Xe tải lấn hết làn đường xe máy khiến người đi xe máy phải leo lên vỉa hè để, cố thoát khỏi điểm ùn tắc. Vì vậy 2 tuyến đường này được người dân ở Bình Dương gọi là cung đường "tử thần" vì thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Ông Võ Thành Sơn, một người dân ở thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương cho biết, dù hàng ngày đều có lực lượng chức năng điều tiết giao thông nhưng do lượng phương tiện đông, đặc biệt vào giờ tan tầm, người lao động của các công ty, học sinh tan học ra về cùng lúc khiến xe cộ kẹt cứng, việc di chuyển rất khó khăn.
“Bình thường trời nắng thì đỡ nhưng khi mưa xuống vô cùng khó khăn khi di chuyển trên đường Mỹ Phước-Tân Vạn và ĐT 743. Đặc biệt, việc đưa rước học sinh rất cực, nhất là buổi chiều. Khi kẹt xe, xe lớn không chấp hành luật giao thông, lấn hết đường xe máy, đường dành cho người đi bộ. Lúc này, xe máy phải chạy trên các mặt cống ở vỉa hè, có khi gặp cống bể rất nguy hiểm”, ông Sơn nói.
Tương tự, một số tuyến đường khác trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng được xếp vào danh sách “đen” về kẹt xe và tai nạn giao thông, như: đường ĐT 747; Quốc lộ 13; Quốc lộ 1K, ngã 5 Phước Kiến (hay còn gọi ngã 5 Bệnh viện tỉnh Bình Dương)…
Kẹt xe không chỉ là nỗi ám ảnh của người dân trong sinh hoạt, đi lại mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày Bình Dương cho biết, ban đầu khi về đầu tư tại Bình Dương, doanh nghiệp rất hài lòng vì hạ tầng giao thông thông thoáng, di chuyển dễ dàng. Thế nhưng, 3 năm trở lại đây, kẹt xe dần trở thành “đặc sản” của địa phương này, khiến doanh nghiệp lo lắng.
“Kẹt xe ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp, chẳng hạn chi phí xe cộ tăng và thời gian xuất hàng. Lô hàng trong thời gian đi tới cảng gặp kẹt xe có nguy cơ bị rớt tàu (hàng không lên được tàu) gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp”, bà Liên nói.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến kẹt xe, tai nạn giao thông tăng, Ban An tòan giao thông tỉnh Bình Dương cho rằng, do đường hẹp nhưng phải “gánh” lượng phương tiện “khủng” từ các tỉnh đi qua Bình Dương và lượng xe từ các khu công nghiệp ở Bình Dương đổ ra đường; phương tiện cá nhân tăng cao dẫn đến quá tải giờ cao điểm. Ngoài ra, các tuyến đường kết nối cũng chưa đồng bộ nên tình trạng ùn tắc xảy ra thường xuyên.
Nhiều giải pháp được đưa ra
Để cải thiện giao thông, Bình Dương đang nghiên cứu xây dựng cầu vượt trên Quốc lộ 13 ở giai đoạn 1, giai đoạn 2 sẽ đầu tư xây dựng hầm chui theo trục đường Huỳnh Văn Cù - Phạm Ngọc Thạch để giảm ùn tắc tại ngã 5 Phước Kiến. Quốc lộ 13 đang được mở rộng, nâng cấp lên 8 làn xe và quy định vận tốc tối đa cho các phương tiện.
Khu vực từ đường Mỹ Phước – Tân Vạn vào đường ĐT 743 sẽ xây dựng 6 cầu vượt, 6 hầm chui trên tuyến chính; 15 hầm chui ngang, 28 cầu vượt dành cho người đi bộ, 7 đường dân sinh. Ngoài ra, Bình Dương đang lấy ý kiến về quy định giờ cấm xe container di chuyển trên đường ĐT 743 và đường Mỹ Phước-Tân Vạn ở 2 khung giờ từ 6-8h và 16-18h.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Xuân Đoàn, người dân ở thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương hy vọng, quy định giờ chạy cho xe container sẽ được thông qua và sớm áp dụng để góp phần giảm ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng nên xử phạt các phương tiện cố tình lấn làn.
“Tình trạng lấn vào làn xe máy diễn ra thường xuyên nhưng lâu nay thấy ít thấy xử phạt tình trạng này. Bởi vậy, tài xế xe container cứ liên tục vi phạm. Thiết nghĩ, nên có chế tài như phạt nguội để họ biết quy định, không giành đường của xe máy”, ông Đoàn phân tích.
Ông Nguyễn Hoàng Thao, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thẳng thắn nhìn nhận tình trạng kẹt xe gia tăng do các giải pháp thực hiện thiếu đồng bộ. Lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó chỉ đạo ngành Giao thông-Vận tải và lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường rà soát, kiểm tra giảm ùn tắc giao thông:
“Khi nào vắng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông hoặc các lực lượng hỗ trợ trong lĩnh vực này thì nơi đó kẹt xe nhiều, do đó phải tăng cường kiểm soát. Ngành giao thông vận tải của Bình Dương, lực lượng Cảnh sát giao thông của Công an tỉnh phải tổ chức rà soát tất cả các con đường, đặc biệt là những con đường đang là điểm nghẽn lưu thông nắm nguyên nhân tham mưu với Ban An toàn giao thông, lãnh đạo tỉnh để giải quyết”, ông Thao nhìn nhận.
Nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương cho rằng, việc phát triển hạ tầng của tỉnh này không nên phụ thuộc vào đường bộ mà còn cần tính toán tới các loại hình vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, phát triển logistics theo đường sông.
Ngoài ra, tỉnh cũng nên đầu tư thêm xe buýt công cộng để giảm số lượng xe cá nhân tham gia giao thông; cần thiết có kênh thông tin để người dân biết mà tránh vào các đoạn đường đang bị ùn tắc./.