Nhiều hy vọng từ xét nghiệm HIV người đồng tính nam tại cộng đồng
VOV.VN - Số người đồng tính nam và chuyển giới tại TP HCM là khoảng 30.000 người. Đây là nhóm cộng đồng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
Sự kỳ thị đã và đang khiến cho những người đồng tính nam và chuyển giới trở nên e ngại với các dịch vụ y tế công lập, nhất là với các dịch vụ liên quan đến xét nghiệm, tư vấn và điều trị HIV. Để tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng này có thể tiếp cận các dịch vụ y tế, một giải pháp đang được thực hiện tại TP HCM đó là xét nghiệm HIV tại cộng đồng đã nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng đồng tính nam và chuyển giới…
Trưởng nhóm G-Link giới thiệu về dịch vụ xét nghiệm nhanh HIV tại cộng đồng. |
Thống kê gần đây cho thấy, số người đồng tính nam và chuyển giới tại TP HCM là khoảng 30.000 người. Đây là nhóm cộng đồng được xem là có nguy cơ cao lây nhiễm HIV cho chính cộng đồng của họ và cho các cộng đồng khác xung quanh.
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Sức khỏe Nam giới và cộng đồng CARMAH thì tỷ lệ lây nhiễm HIV của người đồng tính nam ở khu vực thành thị của Việt Nam là 16% và của người chuyển giới là 18%. Trong khi đó, sự kỳ thị của xã hội dù đã giảm đi rất nhiều so với trước kia nhưng vẫn còn gây nhiều trở ngại khiến cộng đồng này khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế công lập, nhất là với các dịch vụ liên quan đến xét nghiệm HIV.
Trần An Vi, 23 tuổi, một người chuyển giới từ nam sang nữ cho biết: “Rất khó có thể đi xét nghiệm HIV. Bình thường đến bệnh viện còn không dám nữa là đi xét nghiệm HIV. Đó là rào cản lớn nhất của tụi em – những người chuyển giới. Một phần là từ các bệnh viện, một phần là do chính tụi em. Có lần đi khám bệnh ở bệnh viện, ở đó người ta hỏi em là nam hay nữ. Bởi vậy giờ sợ đi bệnh viện lắm”.
Hiện cả nước có trên 1.100 cơ sở y tế triển khai tư vấn và xét nghiệm HIV, 98 phòng xét nghiệm khẳng định HIV dương tính. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là cộng đồng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV như người đồng tính nam hay chuyển giới lại rất e ngại đến các cơ sở y tế công lập. Nỗi lo lớn nhất của họ là sự kỳ thị rất rõ ràng từ những người thuộc các cộng đồng khác cũng đang khám và điều trị tại đây. Có khi là đến từ chính các nhân viên y tế với những lời nói và hành động khiến cộng đồng này càng thêm sợ hãi. Sự kỳ thị từ xung quanh đã khiến cho những người đồng tính nam và chuyển giới tự kỳ thị mình, mang mặc cảm tự ti không thể tiếp cận được các cơ sở y tế công lập.
Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban Phòng chống AIDS TP HCM phân tích: “Hiện tại, các dịch vụ y tế về HIV cung ứng khá đủ cho người nhiễm HIV. Tuy nhiên, trước đây chúng ta xây dựng dịch vụ này nhắm đến nhóm ma túy và mại dâm. Còn những người đồng tính và chuyển giới lại mang những đặc thù rất khác. Họ có nghề nghiệp đàng hoàng thậm chí có những vị trí xã hội khá tốt. Do đó, họ không muốn bộc lộ. Với sự phát triển xã hội và của các nhóm cộng đồng thì các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, điều trị HIV có thể là không còn phù hợp lắm”.
Trong khi đó, tại những cơ sở y tế tư nhân, sự kỳ thị được cải thiện rõ rệt nhưng khả năng tư vấn ở những nơi này không được người đồng tính nam và chuyển giới tin tưởng. Một giải pháp đang được Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế thực hiện đó là xây dựng mô hình tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Mô hình này đang được triển khai thí điểm tại TP HCM bắt đầu từ tháng 11 này ở 2 nhóm cộng đồng người đồng tính nam là G3VN và nhóm G-Link. Lê Minh Thành, Trưởng nhóm G-Link cho biết: “Dịch vụ này xét nghiệm rất là nhanh. Chỉ trong vòng 20 phút là có thể biết nhanh kết quả. Việc xét nghiệm này có thể thực hiện tại cộng đồng hoặc tại nhà của người có nhu cầu chứ không cần phải đến cơ sở y tế. Chúng ta sẽ phát hiện nhiều người nhiễm HIV tại cộng đồng, có thể tiếp cận với những người khó tiếp cận. Khi có phản ứng với HIV thì nhóm sẽ tư vấn để họ điều trị tại cơ sở y tế”.
Ưu điểm lớn nhất của dịch vụ xét nghiệm nhanh HIV tại cộng đồng là sự bảo mật về thông tin và có thể dễ dàng thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV. Thời gian chờ kết quả được rút ngắn từ 7 ngày xuống còn 20 phút cũng là một ưu điểm rất lớn của mô hình này. Những đồng đẳng viên trong các nhóm cộng đồng có thể đến tận nhà để xét nghiệm sàng lọc HIV cho người có nhu cầu.
Dự kiến, trong 2 năm 2015 và 2016, dịch vụ này sẽ được thực hiện miễn phí. Trước thông tin về mô hình thí điểm này sắp được triển khai, Nguyễn Văn Hoàng – thành viên của cộng đồng người đồng tính nam bày tỏ sự ủng hộ: “Sẽ rất tốt nếu như mình có thể làm các xét nghiệm lưu động vì một số bạn không có phương tiện đi lại. Cái mô hình test nhanh hoặc bán các vật phẩm để khách hàng mua và test ở nhà thì sẽ có nhiều người tham gia. Khách hàng sẽ tự tin tham gia hơn vì có người có nhu cầu riêng biệt”.
Nếu thí điểm thành công, thì có thể nói, dịch vụ xét nghiệm nhanh HIV tại cộng đồng sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần kéo giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong xã hội, hướng đến mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam./.