Nhiều nhà báo đóng vai trò tích cực trong chống tiêu cực
VOV.VN -Luật Báo chí cần chú trọng đội ngũ phóng viên và biên tập viên - là hai lực lượng trực tiếp sản xuất, biên tập và chuyển thông tin đến người đọc.
Báo cáo tổng kết 15 năm thi hành Luật báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí cho thấy: Sau 15 năm, nền báo chí Việt Nam đã có sự phát triển nhanh về số lượng ấn phẩm, kênh phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử…; gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề.
Nhiều nhà báo đóng vai trò tích cực trong đấu tranh chống các tiêu cực xã hội, nêu cao trách nhiệm công dân trong hoạt động báo chí. Nhiều cơ quan báo chí đã năng động đổi mới để thích nghi với cơ chế thị trường...
Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc thực hiện Luật Báo chí, một số cơ quan báo chí và một số nhà báo còn có biểu hiện chưa nghiêm túc, làm hạn chế tính hiệu quả của báo chí.
Cụ thể như không ít ấn phẩm phụ của báo in và báo điện tử đưa quá nhiều tin tiêu cực, giật gân, miêu tả sự việc quá chi tiết.
Không ít đài truyền hình do năng lực sản xuất còn hạn chế dẫn đến việc khai thác nhiều chương trình phim, văn nghệ, thể thao của nước ngoài.
Một số ngành, địa phương có quá nhiều cơ quan báo chí, dẫn đến việc không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích quy định trong giấy phép hoạt động, chồng chéo, làm phân tán, lãng phí nguồn lực; xu hướng thương mại hóa báo chí chậm được khắc phục.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đưa ra những quan điểm, góp ý trong việc ban hành Luật Báo chí sửa đổi. Đáng lưu ý là những vấn đề liên quan đến mô hình hoạt động, nhân sự và hoạt động kinh tế báo chí.
Ông Nguyễn Đình Chúc, Phó Tổng biên tập báo Lao Động nêu ý kiến: “Trong Luật Báo chí, chúng tôi đề nghị các quy định về nhân sự trong cơ quan báo chí phải hết sức chặt chẽ. Chúng tôi đặc biệt chú trọng đội ngũ phóng viên và biên tập viên - là hai lực lượng trực tiếp sản xuất, biên tập và chuyển thông tin đến người đọc. Do vậy, việc quy hoạch, quy chuẩn không chỉ là điều kiện cấp thẻ Nhà báo mà sau khi cấp thẻ Nhà báo rồi thì tất cả những quy định, quy chế cho hai đối tượng này cần được chuẩn hóa và càng cụ thể càng tốt trong Luật báo chí”.
Các đại biểu cũng cho rằng: Luật Báo chí mới cần có những quy định đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ của các cơ quan báo chí, nhà báo; bổ sung Luật Báo chí nhằm tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định trong hoạt động báo chí./.