Nhiều nhà không nghèo vẫn bắt con nhỏ đi làm kiếm tiền
VOV.VN -Nhiều gia đình không phải nghèo nhưng vẫn đẩy con em mình vào tình trạng lao động sớm, thậm chí lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng gần 1,8 triệu lao động trẻ em, chiếm gần 10% dân số trẻ em. Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc Trẻ em Việt Nam (Bộ LĐTBXH) khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác với các tổ chức xã hội và cộng đồng nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình Hành động quốc gia về xóa bỏ lao động trẻ em. Ông Nam cũng khuyến cáo người tiêu dùng, sử dụng dịch vụ cần nói không với những sản phẩm bị tố cáo sử dụng lao động trẻ em.
Nhân Tháng Hành động Quốc gia về trẻ em, phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Đặng Hoa Nam về vấn đề này.
Không khuyến khích trẻ tham gia lao động
PV: Ông có thể thông tin về về con số thống kê số lượng lao động trẻ em nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm ở Việt Nam hiện nay?
Ông Đặng Hoa Nam: Theo điều tra về tình trạng lao động trẻ em năm 2012 do Bộ LĐTBXH, ILO và Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, ở Việt Nam có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em. Trong số đó có khoảng 1,3 triệu trẻ em có nguy cơ bị lao động nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.
Ông Đặng Hoa Nam trả lời phóng viên |
So với tỷ lệ trong dân số trẻ em, lao động trẻ em hiện nay chiếm khoảng 9,3%. Tỷ lệ này khi công bố có người cho là cao, tuy nhiên, lại bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ chung của khu vực và một số quốc gia khác. Song không phải vì thế mà chúng ta chủ quan. Tại Quyết định của Chính phủ ngày 7/6/2016 phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, chúng ta đặt cấp độ phòng ngừa cao hơn, nhắm đến nhóm đối tượng trẻ em tham gia lao động.
Đây là nhóm mặc dù các em lao động đúng quy định của pháp luật, nhưng về quan điểm của Chính phủ, chúng ta không khuyến khích trẻ em tham gia lao động. Bởi đây chính là nguy cơ xuất hiện tình trạng trẻ em bị bóc lột sức lao động và trẻ lao động trái quy định của pháp luật.
PV: Hiện nay có tình trạng nhiều gia đình do thiếu hiểu biết, hoặc cố tình lợi dụng trẻ em lao động kiếm tiền, ông có suy nghĩ gì và đâu là giải pháp cho vấn đề này?
Ông Đặng Hoa Nam: Có thể thấy, nghèo là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng lao động trẻ em. Tuy nhiên, nghèo không phải là tất cả. Bởi có những hộ gia đình không phải nghèo nhưng vẫn đẩy con em mình vào tình trạng lao động sớm, lao động trước tuổi; thậm chí lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Câu chuyện giải quyết tình trạng trẻ em lang thang 10 – 15 năm trước đã đặt vấn đề này ra. Không phải gia đình nào ở nông thôn nghèo cũng đẩy con đi kiếm sống. Thậm chí cần phải lên án, xử lý nghiêm những trường hợp cha mẹ không đi làm mà trông chờ nguồn thu nhập từ chính lao động trẻ em.
Vấn đề này trong thời gian qua chúng ta đã có kinh nghiệm, bài học và xử lý tốt, thể hiện ở số lượng trẻ em lang thang ở các thành phố Hà Nội, TP HCM và một số đô thị khác đã giảm rất đáng kể. Bài học này có thể vận dụng giải quyết vấn đề lao động trẻ em.
Cần xử phạt nặng người sử dụng lao động trẻ em
PV: Có thể thấy những hình thức trá hình sử dụng lao động trẻ em vẫn tồn tại. Ông đánh giá như thế nào về vấn này?
Ông Đặng Hoa Nam: Ở đây tôi muốn nhấn mạnh tới việc kiểm soát tình trạng lao động trẻ em. Có những mức độ để trẻ em có thể tham gia lao động. Thứ nhất, trẻ có thể lao động đúng theo quy định của pháp luật. Thứ hai là trẻ em có nguy cơ rơi vào các hình thức lao động trái luật và thứ 3 là trẻ bị bóc lột sức lao động.
Tôi cho rằng, việc kiểm soát là quan trọng nhất. Ngoài việc xây dựng pháp luật, chính sách đưa ra các mô hình, giải pháp thì các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm soát, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng lao động; đặc biệt trong các cơ sở, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như trong hộ gia đình tham gia sản xuất kinh doanh.
Chủ đề của Ngày Lao động thế giới phòng chống lao động trẻ em (12/6) năm nay rất thiết thực cho Việt Nam. Bởi các doanh nghiệp lớn khi kinh doanh và đáp ứng được các mặt hàng, dịch vụ nổi tiếng thường có hệ thống tự kiểm soát rất tốt để làm sao loại trừ sớm nguy cơ cũng như tình trạng lao động trẻ em từ chính doanh nghiệp của họ.
Vấn đề là ở chuỗi cung ứng thường hoạt động rải rác, phân tán, rất khó kiểm soát. Tuy nhiên hiện nay, các tiêu chí đánh giá sản phẩm, dịch vụ cũng liên quan đến chuỗi cung ứng. Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp từng nhấn mạnh, chúng ta làm sao để ngày càng tự tin, tự hào nói rằng tất cả những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam đều không sử dụng lao động trẻ em.
Trẻ em mưu sinh tại Sa Pa (Ảnh: Internet) |
PV: Có ý kiến cho rằng, hiện chế tài xử phạt chủ cơ sở cũng như cá nhân sử dụng lao động trẻ em còn lỏng lẻo và chưa thực sự nghiêm minh. Cá nhân ông có đề xuất gì về việc này?
Ông Đặng Hoa Nam: Trong chế tài liên quan đến trẻ em, các hành vi xâm hại trẻ em bao giờ cũng là một trong những tình tiết tăng nặng nhất trong khung hình phạt, kể cả xử phạt hành chính, cũng như xử lý hình sự. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, xử lý vi phạm hình sự chúng ta đã làm được điều này.
Chúng tôi cũng mong rằng, thời gian tới, các cơ quan chức năng khi xây dựng các mức xử lý hành chính liên quan đến vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt các hành vi xâm hại, bóc lột trẻ em, nên và nghĩ tới việc cần phải tăng nặng mức độ xử phạt.
Vì những hành vi này không chỉ gây tác hại cho xã hội, các công dân trong hiện tại mà còn có tác hại về tương lai; không chỉ có tác động xấu về pháp luật, quản lý nhà nước, quản lý xã hội mà còn gây những tác động xấu về mặt đạo đức.
PV: Xin cảm ơn ông!./.