Nhiều quan niệm sai lầm về người cao tuổi
VOV.VN -Việc chăm sóc, phân biệt đối xử, nhất là định kiến về tuổi tác đối với NCT vẫn còn là một vấn đề nan giải, diễn ra hàng ngày, ở khắp mọi nơi.
Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10 năm nay, LHQ chọn chủ đề “Đấu tranh không phân biệt tuổi tác”, bởi trên thực tế vẫn tồn tại nhiều quan niệm sai lầm, mang nặng định kiến về NCT. NCT vẫn bị phân biệt, đối xử trong gia đình và ngoài xã hội.
Nghỉ hưu là an nhàn?
Bà Phạm Thị Nhung ở phường Tương Mai (quận Hoàng Mai – Hà Nội) cho biết đã nghỉ hưu được 5 năm. Tuy nhiên, từ khi nghỉ bà lại trở nên bận bịu hơn với trăm thứ việc nhà, cơm nước cho chồng, con cháu. Mỗi ngày, bà chạy “xe ôm” cả chục vòng đưa đón các cháu hết đi học chính thức lại đi học thêm.
Bà quan niệm còn sức khỏe còn làm việc, giúp được con cháu đến đâu thì sẽ cố gắng đến đó, trái với quan niệm nghỉ hưu là an nhàn, hưởng thụ và đi chơi cho thỏa những ngày còn làm việc.
Dễ dàng nhận thấy nhiều ông, bà vẫn ngày ngày đưa đón cháu đến trường và làm nhiều công việc không tên khác
Theo bà Phạm Tuyết Nhung, Phó trưởng Ban đối ngoại Trung ương Hội NCT Việt Nam, hiện còn tồn tại nhiều quan niệm sai lầm mang tính chất định kiến đối với NCT. Nhiều người cho rằng NCT là gánh nặng; không phải đi làm, già yếu và phải được chăm sóc của gia đình.
Song thực tế cho thấy, hầu hết NCT vẫn còn đang làm việc trong các lĩnh vực nông nghiệp, kinh doanh, phụ giúp gia đình, chăm con cháu… Những công việc này hầu như không đem lại thu nhập gì cho NCT.
Thông tin từ Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) cho thấy, trong thực tế, lực lượng lao động ở độ tuổi cao niên đang gia tăng. Tỷ lệ NCT từ 60 trở lên vẫn tiếp tục làm việc là khoảng 19% đối với nữ và 35% đối với nam (năm 1999). Tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng đến 36% và 47% vào năm 2014 và gần như tất cả đều đang làm việc toàn thời gian. Những NCT với trình độ học vấn thấp là những người ít có khả năng có lương hưu và thường là những người tiếp tục làm việc dù đã quá 60 tuổi.
UNFPA cũng cho biết, NCT thường làm việc trong khu vực phi chính thức hơn so với người trẻ. Thông thường, NCT lao động tự do hoặc làm các công việc gia đình không được trả lương. Điều đó cho thấy, NCT có thể, thậm chí đang có những đóng góp to lớn cho xã hội. Họ nên được xem như một nguồn nhân lực với nhiều tri thức và kinh nghiệm giúp ích cho sự phát triển của đất nước.
Hơn nữa, nhóm dân số cao tuổi ngày càng tăng và sống lâu hơn cũng kéo theo nhiều nhu cầu hơn về hàng hóa và dịch vụ, từ đó sẽ có khả năng kích thích nền kinh tế. Do đó, những chính sách và chương trình phù hợp đáp ứng với già hóa dân số và chuẩn bị cho dân số già, nền kinh tế sẽ có nhiều thuận lợi hơn là khó khăn từ sự thay đổi về nhân khẩu học này.
Bị phân biệt tuổi tác là nỗi buồn của người cao tuổi |
NCT bị phân biệt tuổi tác
Ngày Quốc tế NCT năm nay, LHQ chọn chủ đề “Đấu tranh không phân biệt tuổi tác”. Theo LHQ, mặc dù vị trí, vai trò và ảnh hưởng của những NCT đối với thế giới ngày càng được khẳng định, song việc phân biệt đối xử và chăm sóc nhóm người này vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề và thực trạng này ảnh hưởng đến tất cả các mặt thể chất, tinh thần của NCT.
Các vấn đề phải kể đến đó là: NCT phải đối mặt với các khó khăn như bị cô lập trong xã hội, bị ảnh hưởng bởi sự xói mòn trong mối quan hệ giữa các thế hệ trong một gia đình, một cộng đồng và toàn xã hội, trong đó định kiến về tuổi tác là một vấn đề nan giải.
Phân biệt tuổi tác là biểu hiện đang diễn ra hàng ngày và ở khắp mọi nơi đang là nỗi buồn của NCT. Bên cạnh việc không còn việc làm, các dịch vụ xã hội hạn chế và cách tuyên truyền rập khuôn về NCT của các phương tiện truyền thông, sự phân biệt tuổi tác đang khiến NCT bị đào thải ra khỏi cộng đồng của họ vào thời điểm họ rất cần được quan tâm.
Ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội NCT chia sẻ: Phân biệt tuổi tác diễn ra ở khắp mọi nơi, nhưng điều trớ trêu là nó lại được coi là điều hoàn toàn bình thường trong xã hội. Nó bắt đầu khi các phương tiện truyền thông luôn mặc định miêu tả NCT với hình ảnh "già nua, lụ khụ" và dáng vẻ "run rẩy, lập cập" trên truyền hình.
Nó xảy ra khi các bác sĩ xử lý một cách "đại khái" hơn đối với tình trạng bệnh tật của NCT, hoặc sử dụng các hướng dẫn chăm sóc dành cho những người trẻ tuổi. Nó biểu hiện khi các nhà hoạch định chính sách, hoặc vô tình hay cố ý, phản đối các danh mục ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho các trung tâm dành cho NCT. Những thái độ phổ biến này vô hình trung đưa NCT đến bên lề của cộng đồng và điều này tác động tiêu cực đến sức khỏe và hạnh phúc của họ.
Ông Đàm Hữu Đắc khẳng định: “NCT còn cống hiến rất nhiều cho xã hội. Tiêu biểu như tấm gương GS. Trần Văn Khê – đã mất cách đây 1 năm ở tuổi trên 100; hay cụ Đặng Vũ Khiêu, năm nay đã hơn 100 tuổi nhưng vẫn miệt mài làm việc vì dân vì nước. Tại sao những người 60, 65 tuổi lại bị phân biệt đối xử như vậy?
Quan niệm nghỉ hưu là nghỉ cho khỏe là rất sai lầm. Ngay lãnh đạo các cấp vẫn nhận thức chưa đúng đắn về vấn đề này. Đối với nước ta, NCT còn rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp, đóng góp lớn cho gia đình và xã hội”./.