Nhiều tờ báo mua giấy phép, tự xoay xở tài chính nên dễ có tiêu cực
VOV.VN - Nhiều tờ báo chỉ quan tâm doanh thu, phóng viên yếu kỹ năng, thiếu bản lĩnh nên dễ mắc phải những sai lầm liên quan đến đạo đức nghề nghiệp.
Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các cơ quan báo chí ở nước ta đang bị đặt vào môi trường cạnh tranh khốc liệt với nhiều cạm bẫy. Do vậy, muốn tồn tại, đòi hỏi các cơ quan báo chí và mỗi phóng viên, biên tập viên phải thích ứng tốt với điều kiện thực tế. Vì nếu yếu kỹ năng, thiếu bản lĩnh, người làm báo rất dễ mắc phải những sai lầm liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín bản thân và cả tên tuổi của cơ quan chủ quản.
Làm báo thời hiện đại thiếu bản lĩnh dễ rơi vào cạm bẫy. Ảnh KT.
Năm 2016, Bộ Thông tin– Truyền thông quyết định đưa ra mức phạt rất nặng đối với 50 cơ quan báo chí trên cả nước liên quan đến vụ nước mắm nhiễm thạch tín. Nhiều nhà báo đã bị kỷ luật, thu thồi thẻ nhà báo từ sự cố này.
Đến đầu tháng 8/2017, báo giới trong nước lại xôn xao trước thông tin hai nhà báo bị xử lý vì có hành vi tống tiền doanh nghiệp. Đó chỉ là một vài ví dụ trong số rất nhiều vụ việc phản ánh hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên hiện nay.
Theo ông Nguyễn Đức Liên, Trưởng cơ quan đại diện báo VietNamnet tại TP. Hồ Chí Minh, những sai phạm này phần lớn bắt nguồn từ việc xem nhẹ công tác giáo dục chính trị tư tưởng của không ít cơ quan báo chí. Khi bản lĩnh chính trị yếu kém, người làm báo dễ sa ngã trước cám dỗ của đồng tiền.
“Một số cơ quan báo chí chỉ biết quan tâm đến nguồn thu. Đáng chú ý là những tờ báo, tạp chí, trang thông tin điện tử mua giấy phép rồi tự xoay xở tài chính cho nên dễ xảy ra tiêu cực. Các vi phạm thường gặp ở những đơn vị này là viết sai sự thật, thông tin không chính xác hoặc thiếu trung thực rồi gạ gẫm làm quảng cáo, truyền thông, PR… Mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn là dọa tống tiền bằng các bài báo có nội dung bịa đặt”, ông Nguyễn Đức Liên nói.
Theo ông Dương Vũ Thông, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh, làm báo trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay đòi hỏi phóng viên, biên tập viên phải trang bị cho mình một "bộ lọc thông tin" tinh nhạy, chuẩn mực. Vì trong muôn vàn thông tin cập nhật liên tục trên các trang báo điện tử, trang mạng xã hội, nếu không biết phân loại, lựa chọn, người làm báo rất dễ rơi vào tình trạng chia sẻ thông tin thiếu chính xác. Hiện cả nước có trên 1.500 trang tin điện tử. Đây sẽ là kênh khai thác thông tin, đề tài phong phú cho những cây bút có đạo đức, tư duy và năng lực.
“Thông tin trên các trang mạng xã hội sẽ có nhiều chiều và có cả những thông tin không chính xác. Do vậy, nếu phóng viên cứ đưa nguyên thông tin đó lên báo chính thống thì đó là điều tai hại. Điều này yêu cầu phóng viên phải có bộ lọc. Mà bộ lọc quan trọng nhất đó là đạo đức nghề nghiệp”, ông Dương Vũ Thông lý giải.
Làm báo thời đại kỷ nguyên số với đa dạng loại hình truyền thông hiện đại đòi hỏi đội ngũ phóng viên, biên tập viên phải nhạy bén trong việc xử lý thông tin. Người làm báo phải kiểm chứng tính chính xác của thông tin trước khi đưa lên mặt báo. Muốn làm tốt điều này, theo ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, các cơ quan báo chí cần đảm bảo siết chặt quy trình rà soát thông tin từ cơ sở tới cấp lãnh đạo. Báo chí đừng để rơi vào tình trạng “sáng đăng, chiều gỡ” do bị phản ánh về độ chính xác của thông tin.
“Đòi hỏi người làm báo và cơ quan báo chí phải có bản lĩnh và cẩn trọng trước thông tin. Cẩn trọng ở đây không có nghĩa là không đưa những thông tin nhạy cảm, thông tin trái chiều. Ở đây đòi hỏi chúng ta phải đưa kịp thời nhưng thông tin phải đúng, phải là chỗ dựa tin cậy của xã hội.”, ông Lê Tiền Tuyến phát biểu.
Còn theo Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Tất Thành Cang, một cơ quan báo chí muốn phát triển vững chắc thì sàng lọc đội ngũ nhân sự thật kỹ thôi chưa đủ mà còn phải đầu tư thời gian để đào tạo nền tảng lý luận cơ bản cho phóng viên, biên tập viên. Nếu chỉ nghĩ đến hoạt động trước mắt thì cơ quan báo chí đó không thể đi đường dài. Ngoài ra cũng cần có thêm cơ chế, chính sách đảm bảo cho báo chí hoạt động tốt, đúng tôn chỉ, mục đích trong điều kiện tự chủ về tài chính, đảm bảo cuộc sống cho người làm báo một cách chính đáng và hợp pháp.
“Để là một phóng viên, việc phải có kỹ năng là đúng, có kiến thức là đúng. Nhưng nếu không có đạo đức thì phóng viên hay biên tập viên đó không thể trở thành cây bút lớn, không thể trở thành cây bút sắc và không thể trở thành cây bút sáng”, ông Tất Thành Cang nói.
Trước thực trạng một bộ phận phóng viên, biên tập viên liên tục mắc phải các sai phạm liên quan đến đạo đức nghề báo, tới đây, Bộ Thông tin – Truyền thông sẽ phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tiến hành kiểm tra hoạt động của các phóng viên thường trú tại các văn phòng đại diện ở các vùng miền để có những chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Cùng với đó, các cơ quan báo chí cũng sẽ siết lại công tác tuyển dụng nhân sự, công tác giáo dục chính trị tư tưởng và quản lý phóng viên, biên tập viên nhằm hướng đến một nền báo chí phát triển lành mạnh, trung thực và có uy tín./.