Nhiều trường được xây mới, Hà Nội nỗ lực giải bài toán thiếu trường lớp
VOV.VN - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng, khó khăn lớn của Hà Nội hiện nay là phát triển mạng lưới trường học theo quy hoạch tại một số địa bàn chưa đáp ứng được tốc độ tăng dân số, bên cạnh đó tiến độ triển khai một số dự án xây dựng trường học trong quy hoạch còn chậm. Ở một số quận vẫn có tình trạng sĩ số lớp học cao hơn quy định.
Năm học 2024-2025, quy mô giáo dục của TP Hà Nội tiếp tục phát triển, dẫn đầu cả nước với gần 2,3 triệu học sinh, hơn 130.000 cán bộ, giáo viên, 2.913 trường học. Để giải quyết vấn đề thiếu trường lớp trong bối cảnh tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, năm học này, Hà Nội đưa vào sử dụng nhiều trường học mới ở tất cả các cấp học.
Tại quận Hoàng Mai, năm học 2024-2025 có thêm 4 trường mới ở cả cấp mầm non, tiểu học và THPT.
Trong đó, Trường Mầm non Trần Phú được xây mới đáp ứng nhu cầu học tập của 420 học sinh của cả 4 khối lớp với cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ. Toàn trường có 28 giáo viên.
Ngay cạnh Trường Mầm non Trần Phú là Trường Tiểu học Trần Phú (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng vừa được xây mới và đưa vào sử dụng từ năm học 2024-2025. Cô Bùi Nguyệt Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú cho biết, trường có 30 phòng học, 11 phòng chức năng được trang bị đồng bộ, đáo ứng yêu cầu dạy học theo chương trình GDPT mới.
Năm học này, học sinh xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội cũng phấn khởi khi được học trong ngôi trường Tiểu học Đại Hưng vừa xây mới, khang trang. Cô Phùng Thị Anh Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Hưng chia sẻ, trường được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ với phòng chức năng, đa năng, phòng khoa học công nghệ, mỹ thuật, tiếng anh, nhà thể chất, phòng tư vấn tâm lý học đường, bếp ăn. năm nay trường đón 738 học sinh cho 20 lớp học, đảm bảo đúng chuẩn sĩ số của Bộ GD-ĐT. Trưởng Tiểu học Đại Hưng được xây dựng nhằm giảm tải cho Trường Tiểu học Đa Tốn, nên sĩ số chỉ khoảng 36 học sinh/lớp.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình) cho biết, năm học mới này, thầy và trò nhà trường được bàn giao ngôi trường xây mới do UBND quận Ba Đình đầu tư xây dựng với số vốn 200 tỷ đồng. Sau khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng, Trường THCS Giảng Võ có tổng cộng 33 phòng học, 14 phòng chức năng, một phòng thể thao đa năng thông tầng với diện tích gần 600 mét vuông đảm bảo cho học sinh luyện tập và chơi các môn thể thao bóng rổ, bóng bàn, cầu lông…
Phòng học của học sinh là phòng học tiêu chuẩn với diện tích 69 mét vuông, trong phòng được trang bị các thiết bị trợ giảng cho giáo viên, mỗi phòng học đều có máy tính, máy in, bảng tương tác thông minh, rèm cửa, điều hòa, đèn chống cận thị. Ngoài ra, trường còn được trang bị hệ thống camera nhận diện khuôn mặt, hệ thống âm thanh hiện đại dọc hành lang và có trung tâm điều khiển âm thanh tới từng lớp học.
Năm nay, Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cũng đón học sinh trở lại trường với cơ sở vật chất khang trang hơn nữa sau khi được đầu tư xây dựng, cải tạo. Cô Đinh Thị Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh cho biết, sau khi tu sửa, trường có thêm 5 phòng học mới, cùng các phòng chức năng riêng biệt đáp ứng yêu cầu dạy và học theo chương trình GDPT 2018.
“Trước đây do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, số phòng học ít, sĩ số các lớp khá đông, các phòng chức năng cũng mang tính “chắp vá’. Sau khi được UBND quận Đống Đa đầu tư về cơ sở vật chất, sĩ số mỗi lớp trong năm học này sẽ còn khoảng 40-45 học sinh, trường đã có các phòng chức năng độc lập cho các môn học với đầy đủ trang thiết bị dạy và học giúp nâng cao chất lượng giáo dục", cô Hương thông tin.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng, khó khăn lớn của Hà Nội hiện nay là phát triển mạng lưới trường học theo quy hoạch tại một số địa bàn chưa đáp ứng được tốc độ tăng dân số, bên cạnh đó tiến độ triển khai một số dự án xây dựng trường học trong quy hoạch còn chậm. Ở một số quận vẫn có tình trạng sĩ số lớp học cao hơn quy định. Hiện nay, ngành giáo dục Hà Nội vẫn đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở một số địa bàn.
Theo đó, trong 10 nhiệm vụ của năm học 2024-2025, ngành giáo dục Hà Nội xác định nhiệm vụ trọng tâm quan trọng hàng đầu là rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường lớp. Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tăng cường tham mưu với thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc rà soát bổ sung, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.
“Sở GD-ĐT cũng sẽ tham mưu thành phố bố trí đủ nguồn lực cho giáo dục, kiêm trì và quyết liệt trong việc giải quyết dứt điểm thiếu trường, lớp tại một số quận trong tâm, sửa chữa nâng cấp trường học, hệ thống nhà vệ sinh, cây xanh, tạo dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện", Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nói.