Nhớ mãi những năm tháng ở Campuchia
VOV.VN -Tình nghĩa Campuchia trong lòng các chuyên gia Đối ngoại, cho đến bây giờ vẫn còn tươi mãi một vết son ngời sáng.
Chuyện anh chị em ở Ban Biên tập Đối ngoại đi công tác nước ngoài là chuyện “cơm bữa” với nhiều người. Hồi còn chiến tranh được một chuyến đi như thế, dù chẳng cơm áo gạo tiền gì nhưng ai cũng phấn khởi. Còn bây giờ, mở rộng giao lưu, thường trú của Đài đặt ở không ít nước: Bangkok, Bắc Kinh, Moscow, Paris, Cairo… toàn thủ đô “xịn”, lương tiền cũng không đến nỗi đạm bạc, vậy mà có người được điều đi, còn phân vân cân nhắc, so sánh thiệt hơn, tỏ ra không mấy thích thú.
Đã sang nước ngoài rồi, chỉ mong cho hết hạn để về! Xem thế mới thấy thời anh chị em Đối ngoại “cơm đùm cơm gói” dưới danh nghĩa chuyên gia sang giúp cho Đài Campuchia gần ngót cả thập kỷ 80 thực xứng đáng để tự hào, ngợi ca, xứng đáng ghi vào sổ vàng biên niên sử của Đối ngoại biết chừng nào!
Lịch sử còn ghi lại biết bao nhiêu chuyến đi tập thể như thế của Đối ngoại ra nước ngoài: sang Liên Xô, Trung Quốc, Cuba, Lào và Campuchia. Mỗi nước một danh nghĩa khác nhau: Có nơi là chuyên viên của ta sang làm việc cho bạn; có nơi sang bạn nhưng là làm việc cho ta. Chỉ có ở Lào và Campuchia, 2 nước láng giềng “môi hở răng lạnh” mới có chuyên gia Việt Nam kiểu mới: Giúp bạn nhưng không tính toán lợi ích vật chất cho mình, giúp bạn ở đây chính là tự giúp mình.
Ngày đó – năm 1979, Campuchia vừa mới thoát ra khỏi họa diệt chủng, còn Việt Nam vẫn là thời bao cấp và một lúc đương đầu với 2 cuộc chiến tranh: một ở phía Bắc, một ở phía Tây Nam, kinh tế có lúc lạm phát lên đến 800%. Tình hình như thế, tưởng đến thở cũng còn mệt, vậy mà khi bạn cần là ta có mặt.
Bộ phận Biên tập Đối ngoại ngày ấy đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đoàn chuyên gia K34. Những người lãnh đạo của Ban Biên tập Đối ngoại được cử sang để chủ trì hoạt động của đoàn chuyên gia lúc bấy giờ. Đầu tiên là Nguyễn Văn Thu đến Mai Thúc Long, Tô Hội và cuối cùng là Hoàng Minh Phương. Tất cả đều xuất thân từ gia đình Đối ngoại mà ra đi.
Nhiều chiến sỹ già của các thứ ngữ ngày ấy: Lê Văn Diệm (tiếng Anh), Nguyễn Đình Tràng (tiếng Pháp), Nguyễn Văn Tiến (tiếng Lào), Lê Tiến (Biên tập chung) và một số khác nữa lần lượt lên đường. Từ những ngày đầu tiên đầy gian khổ, đêm ngủ vẫn còn lo bọn Pôn-pốt phục kích sau vườn, với số tiền 6 riels do Ban trợ cấp vừa đủ để mua đúng một bao thuốc lá Samít Thái Lan, cho đến những ngày cuối cùng với những chuyên gia đối ngoại thời ấy như Vũ Hải hay Đỗ Văn Loan, cuộc sống của anh chị em ta trải qua biết mấy thăng trầm, vui khổ.
Trong vòng một thập kỷ đó, từ lúc bạn còn chưa có một khái niệm đầy đủ về công tác phát thanh, vốn ngoại ngữ còn rất thấp, các chuyên gia Đối ngoại của ta đã giúp bạn từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, am hiểu thời cuộc chính trị, xây dựng cho Ban một đội ngũ cán bộ đủ sức đảm đương công việc của các thứ ngữ: Anh, Pháp, Thái, Lào và Việt. Một số người được chuyên gia ta giúp đỡ bước đầu chỉ là một biên tập viên, dần dần trở thành thành viên lãnh đại của toàn Đài. Một số sau này còn được cử sang phụ trách truyền hình, thông tin hoặc một số tờ báo khác.
Cũng không thể không nói đến một nét đặc biệt khác là cũng từ Ban Biên tập Đối ngoại này, một số bạn Campuchia, một thời cùng làm việc, sinh hoạt như một thành viên Đối ngoại. Khi Campuchia đước giải phóng, lên đường về cố quốc lần lượt được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của bạn. Keo Chăn Đa, khi về nước làm Bộ trưởng Bộ VHTT. Bí thư Thành ủy Pnom Penh là một trong số đó.
Mối giao tình của những người này với đoàn chuyên gia K34 nói chung và riêng với các anh chị em Đối ngoại vẫn mãi mãi thủy chung bền chặt. Không quên và mãi mãi sẽ không bao giờ quên cảnh chuyên gia của ta tuy nghèo nhưng có lúc còn dành gạo để giúp cho những gia đình bạn quá nghèo; không quên những tối liên hoan vui nổ trời với biết bao bài dân ca và dân vũ Campuchia, những đêm vui ở Hoàng Cung, những ngày đi píc-níc dọc triền sông Mê-kông hay tham quan đền Angkor Thom, Angkor Wat…
Những người còn sống, trong họ cũng sẽ không bao giờ nhòa đi những cái tên một thời đã trở nên thân quen với họ: Đài Độc Lập, Stung Miên Chây, đường Mônivông, chợ Olympic hat O Rư Xây… mỗi nơi một dấu ấn khá sâu. Và vẫn còn ngời ngợi trước mắt chúng ta hình ảnh những người bạn Campuchia thân quen cùng chúng ta chia ngọt sẻ bùi, cùng nắm tay nhau mà chung cất bước; những Uniora, Kim Dinh, Sai Kim Sour, Văng Xiêng Ly, Văng Xôm Hen, Chăm Xa Vút, Tôn Giang và bao nhiêu người khác nữa.
Bây giờ hỏi Nguyễn Đức Phú (nguyên Trưởng Phòng tiếng Anh, Báo điện tử VOV.VN) chắc chắn anh sẽ không quên Tây Xam Bô. Đào Đình Tuấn hẳn chẳng bao giờ không nhớ đến Chăm Thi và Phạm Văn Yên làm sao quên nổi nụ cười và giọng nói đầy tình cảm của Xô Khani trong các đêm vũ hội?
Cái khó của những ngày trên đất bạn đã dần dần nhường chỗ cho một mối tình hữu nghị thấm đẫm tình người xuất hiện và trường tồn. Niềm vui là tất cả các chuyên gia Đối ngoại của ta sang đó khi trở về đều trưởng thành thêm một bước. Cái lò chuyên gia ngày ấy hẳn có đóng góp một phần nào đó cho sự lớn lên, từng trải của mỗi người. Không ít người đã lần lượt được cơ quan tín nhiệm cử giữ những chức vụ cao hơn: Mai Thúc Long, Đào Đình Tuấn, Đinh Thế Lộc, Hoàng Minh Nguyệt, Nguyễn Quang Thép, Nguyễn Văn Khiêm… là những người trong số đó. Thời ấy đa phần cán bộ chúng ta đều chỉ nghĩ đến cống hiến và hy sinh, ít ai đòi hỏi hưởng thụ và chức quyền. Họ lên đường theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, tiếng gọi của lương tâm và phẩm cách mỗi người.
Tính ra đã hơn 30 năm trôi qua kể từ khi Đối ngoại chúng ta đưa chuyên gia sang nước bạn. Giờ đây, tình hình mỗi nước, của bạn và ta, tình hình mỗi người đều trải qua biết bao biến đổi. Nhưng sự cống hiến của một thời lửa đỏ ấy vẫn sống. Đúng nó là một trong những nét son rực rỡ góp phần vào tiến trình phát triển của Đối ngoại chúng ta.
Và người viết bài này, khi dừng bút vẫn thấy ngời ngợi trước mắt mình, hình ảnh của thời đi làm chuyên gia ấy, cái thời sống trong sáng, không chút bụi mờ của mối tình Việt Nam-Campuchia son sắt./.