Nhóm học sinh Đắk Lắk giành giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp với dự án làm ống hút từ hạt bơ

VOV.VN - Vượt qua hơn 600 nhóm, nhóm học sinh Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk cùng nhóm sinh viên ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM đã xuất sắc trở thành 2 nhóm đạt giải nhất trong Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV Startup 2020). 

Tối nay (22/12), Bộ GD-ĐT tổ chức lễ bế mạc và trao giải Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV Startup 2020). 

Báo cáo tổng kết giải, GS.TS Nguyễn Trung Việt - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho biết: Trong 2 ngày diễn ra Ngày hội Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp, 72 gian hàng lọt vào vòng chung kết đã thu hút được hàng chục nghìn lượt người tham quan.

Cuộc thi được tổ chức với quy mô trên toàn quốc có hơn 250 trường Đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm và hàng nghìn các trường THCS, THPT tham gia, tiếp cận được gần 20 triệu học sinh sinh viên. Cuộc thi đã nhận được gần 600 bài dự thi, tăng gấp đôi so với năm 2019.

Đánh giá về chất lượng các bài dự thi, GS Nguyễn Trung Việt cho rằng, số lượng bài thi mà Ban tổ chức nhận được khá chất lượng, đa dạng, tập trung vào nhiều lĩnh vực. Trong đó, có 72 dự án xuất sắc nhất được lọt vào Vòng Bình chọn và vòng Chung kết của Cuộc thi. Đặc biệt, năm 2020, nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo đã tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp cấp trường hoặc cấp tỉnh để lựa chọn ra các dự án xuất sắc nhất tham dự vòng toàn quốc.

Phát biểu bế mạc cuộc thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho rằng thành công lớn nhất là bước đầu giúp các em học sinh sinh viên cả nước tinh thần khởi nghiệp. Đây là yếu tố cốt lõi cho dự án khởi nghiệp và khả năng thành công của các em.

“Dự án của các em có thể chưa tạo được nhiều giá trị cho cộng đồng nhưng đã mang đến cho các em giá trị khát vọng, dám nghĩ dám làm, dám chấp nhận thất bại để thành công hơn sau này”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhắn nhủ.

Kết thúc cuộc thi, ban tổ chức đã quyết định trao 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 6 giải Ba và 8 giải Khuyến khích cho cả 2 khối học sinh và sinh viên.

Cụ thể, giải Nhất ở khối học sinh là dự án “Sản xuất và kinh doanh ống hút từ hạt bơ” của Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk; ở khối sinh viên là dự án “Phế phẩm nông nghiệp-tài nguyên cho giấy bao bì” của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM.

Giải Nhì ở khối học sinh là dự án SAFACO của Sở GD-ĐT thành phố Cần Thơ và dự án “Thảo mộc bảo vệ rau và hoa màu Prosafe” của Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An.

Ở khối sinh viên, giải Nhì được trao cho dự án “Nghiên cứu và sản xuất sản phẩm Bananist từ cây chuối hột hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường” của Trường ĐH Lâm nghiệp và dự án “Kết nối và hỗ trợ người già App Caso” của Trường ĐH Mở Hà Nội.

Giải Ba ở khối học sinh là dự án “Arimark – Sản xuất bút dạ bảng từ sản phẩm lõi ngô trong nông nghiệp”, dự án “Chuỗi cung ứng và sơ chế thực phẩm sạch” và dự án “Sản xuất giấy và làm đồ dùng handmade từ bã mía”.

Ở khối sinh viên, dự án “Nghiên cứu sản xuất viên nang giảm cân, hạ mỡ từ quả bưởi non”, dự án “Vật liệu xây dựng làm từ rác thải nhựa”, dự án “Nước rửa chén Sapowash” được trao giải Ba.

Giải Khuyến khích ở khối học sinh là Dự án “PPG – máy nhiệt điện phân rác thải nhựa thu nhiên liệu dầu và xử lý khí thải” của Sở GD-ĐT Gia Lai, dự án “Sản xuất sữa thực vật từ hạt ngô tím nảy mầm bản địa Yên Bái” của Sở GD-ĐT tỉnh Yên Bái, dự án “Chế phẩm chức năng dạng viên nén ngậm có tác dụng kháng viêm và giảm đau họng” của Sở GD-ĐT Thái Nguyên, dự án “Thực phẩm chức năng ức chế tế bào ung thư – Mộc Miên Khang” của Sở GD-ĐT Ninh Bình.

Các dự án được trao giải Khuyến khích ở khối sinh viên là: Dự án “Phát triển máy Real-time PCR giá rẻ, nhỏ gọn phục vụ nghiên cứu khoa học và xét nghiệm chuẩn đoán”, dự án “Sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ cây bơ Việt Nam”, dự án “Trạm xử lý nước cấp di động thông minh công suất 100M3/NGĐ”.

Đối với các dự án khởi nghiệp của sinh viên, giải Nhất sẽ được nhận được 60 triệu đồng tiền mặt cùng gói hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ triển khai dự án trị giá 115 triệu đồng và cơ hội tham gia đàm phán để nhận đầu tư số tiền 40.000 USD.

2 giải Nhì sẽ nhận được 40 triệu đồng tiền mặt và cơ hội đầu tư từ các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Ba giải Ba được nhận 20 triệu đồng, 4 giải Khuyến khích được 10 triệu đồng/dự án.

Đối với học sinh THCS, THPT, dự án đạt giải Nhất sẽ nhận được 30 triệu đồng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trường học cần trang bị kiến thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên
Trường học cần trang bị kiến thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên

VOV.VN - "Chúng ta không kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp start-up thành công trong trường phổ thông, ĐH nhưng ít nhất là trang bị những kiến thức nền tảng, khơi dậy tinh thần ‘người trong cuộc’ của học sinh, sinh viên, tham gia xây dựng và phát triển đất nước sau này".

Trường học cần trang bị kiến thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên

Trường học cần trang bị kiến thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên

VOV.VN - "Chúng ta không kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp start-up thành công trong trường phổ thông, ĐH nhưng ít nhất là trang bị những kiến thức nền tảng, khơi dậy tinh thần ‘người trong cuộc’ của học sinh, sinh viên, tham gia xây dựng và phát triển đất nước sau này".

"Nguồn lực lớn nhất khi khởi nghiệp là chất xám, ý tưởng độc quyền"
"Nguồn lực lớn nhất khi khởi nghiệp là chất xám, ý tưởng độc quyền"

VOV.VN - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, nguồn lực lớn nhất khi tham gia khởi nghiệp là chất xám, ý tưởng và sự độc quyền. Sinh viên muốn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trước tiên cần đổi mới tư duy.

"Nguồn lực lớn nhất khi khởi nghiệp là chất xám, ý tưởng độc quyền"

"Nguồn lực lớn nhất khi khởi nghiệp là chất xám, ý tưởng độc quyền"

VOV.VN - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, nguồn lực lớn nhất khi tham gia khởi nghiệp là chất xám, ý tưởng và sự độc quyền. Sinh viên muốn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trước tiên cần đổi mới tư duy.