Những cô gái Sài Gòn đi tải đạn: Ngày ấy - bây giờ
VOV.VN -Trận oanh kích của kẻ thù đã cướp đi sinh mạng của 32 dân công, trong đó có 25 cô gái tuổi còn thanh xuân.
Xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh là quê hương của nhiều nữ dân công hỏa tuyến năm xưa. Bao câu chuyện về những ngày tháng băng rừng tải đạn các các nữ dân công đã viết nên huyền thoại và truyền lửa cho thế hệ hôm nay.
Bà Lê Thị Ngã (Vĩnh Lộc, Bình Chánh) kể lại: “Lúc đó đi thì thấy vui lắm, ham đi lắm. Tự đi chứ ở nhà không ai rầy cả. Thấy anh em cực khổ thành ra muốn đi theo. Chết không sợ, đi đông thì không còn sợ nữa. Địch cũng bắt bớ, sang nó tra hỏi nhưng mà mình chối là đâu có, tôi có đi đâu, đàn ông mới đi được chứ con nít như tui làm sao mà đi được. Về quần áo không dám để, phải giặt phơi khô hết nếu không chúng nó nhìn thấy dính rác dính rơm”.
Giọng run run, xúc động, bà Lê Thị Ngã kể về những năm tháng bà cùng người dân Vĩnh Lộc, Bình Chánh tham gia các chiến dịch. Bà nhớ, hồi đó là chiến dịch Mậu Thân 1968, bà và thanh niên nam, nữ trong làng đều hăng hái, tình nguyện đăng ký làm dân công. Đội dân công của bà được giao nhiệm vụ chuyển thương binh về tuyến sau để điều trị và tải đạn cung cấp cho lực lượng quân giải phóng ở ven đô. Ban ngày, bận rộn với công việc đồng áng nhưng tối đến, mọi người lại tập trung tham gia cứu thương, tải đạn.
Trung bình, mỗi cô gái vác thùng đạn nặng từ 20 đến 30 ký, băng qua cánh đồng hoang trong đêm vắng, không người qua lại, không đèn, tất cả đi bộ hàng chục cây số đến sân bay Tân Sơn Nhất, Dinh Độc Lập... Đường càng xa, càng làm cho những cô gái chân yếu tay mềm thêm sức mạnh và ý chí để vượt qua gian khổ.
Bà Huỳnh Thị Ngao, đồng đội bà Ngã kể lại: “Chiều mình lo cơm nước để tối cán bộ về họp, rồi mình mới đi, đi lên trển vác trái rồi đủ thứ về. Chúng tôi thường chui vô trong bụi dứa, dòm ra thì thấy bọn Mỹ nó đi từng xe, nhìn mà ghê”.
Nguy hiểm vây quanh, nhưng những cô gái dân công Sài Gòn vẫn vững tin vào ngày thống nhất, hoàn thành mọi phần việc được giao. Có những đêm cao điểm, đội đã chuyển trên 30 thương binh về tuyến sau, rồi tải đạn về điểm tập kết bí mật một cách an toàn.
Nước mắt của các bà lại rơi khi nhớ về những đồng đội đã mất. Trong ký ức bà Phạm Thị Nê, ngày 15/6/1968 (nhằm ngày 20/5 năm Mậu Thân), hàng loạt đạn rocket, đại liên từ trên máy bay bắn nát võng cáng thương, rồi bắn xối xả xuống đoàn dân công. Lúc đó, đội dân công đang trên đường chuyển thương binh tiến về Bình Thủy (huyện Đức Hòa – tỉnh Long An) theo hướng cánh đồng bưng Láng Cát thì bị máy bay địch phát hiện. Trận oanh kích của kẻ thù đã cướp đi sinh mạng của 32 dân công, trong đó có 25 cô gái tuổi còn thanh xuân. Cánh đồng bưng phút chốc nhuộm thắm máu của đồng đội bà. Riêng bà Nê bị trúng đến ba phát đạn ở đùi, bả vai và tay nhưng may mắn thoát chết.
Bà Phạm Thị Nê nhớ lại: “Máy bay từ Đức Hòa nó xuống, một chiếc rọi chiếc bắn, giả thử con thằn lằn hay là con rắn cũng nhìn thấy hết luôn. Rồi mấy đứa chung vô bụi dứa hết. Mấy chị bị thương, rồi chết hết, còn mỗi mấy đứa tụi tôi sống sót, nằm bất tỉnh đến 5 giờ sáng người ta mới vớt ra. Lúc đó tưởng như chết rồi”.
Sau đêm đó, nhân dân địa phương đã dựng tạm một ngôi miếu nhỏ làm nơi hương khói, tưởng niệm những dân công hỏa tuyến đã hy sinh. Đến năm 2006, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tôn tạo thành Khu Di tích Dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968 tại vùng đồng bưng Láng Cát, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Hình ảnh Tượng đài Dân công hỏa tuyến bằng đồng quần xắn lên đầu gối, lội bùn đi tải thương, tải đạn… là chứng tích hào hùng của một tuyến đường tải đạn, chuyển thương mà những thanh niên nơi đây đã phục vụ, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Những cựu dân công còn sống, mỗi năm, vào ngày 20/5 âm lịch, họ về đây thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội và thời kỳ gian khổ mà anh hùng ngày đó.
Chiến tranh đã lùi xa, những cô gái dân công đi tải đạn năm xưa giờ người còn, người mất. Nhưng, những gì họ đã làm cho quê hương sẽ mãi mãi là bản anh hùng ca bất tử với thời gian.../.