Chiến thắng 30/4/1975: Vì một nền hòa bình muôn thuở
VOV.VN - Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, những bài học lịch sử trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước luôn được người Việt Nam và bạn bè quốc tế nhắc đến.
Cách đây 40 năm, với thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn. Chiến công oanh liệt đó là trang sử vàng chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam và đi vào lịch sử thế giới như một sự kiện chính trị - quân sự mang tầm vóc thời đại.
Nhắc đến Đại thắng mùa xuân năm 1975 của quân và dân ta, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vẫn rất xúc động. Trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, ông được giao làm Tham mưu phó Trưởng ban tác chiến cánh quân thứ 5 đánh địch từ phía Nam lên.
Những ngày khói đạn bao trùm miền Nam, ông cùng các đồng đội của mình đã trải qua bao nhiêu gian khổ, mất mát để rồi được đền đáp bằng chiến thắng vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nhớ lại những năm tháng hào hùng, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ tự hào: “Chiến trường miền Nam đánh Mỹ vô cùng gian khổ, ác liệt, nó khác với tất cả các cuộc chiến tranh khác. Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ với súng, vũ khí thô sơ cùng với nhân dân lao động đã đứng lên chống lại một đế quốc. Đó là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự”.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 diễn ra trong 55 ngày đêm với tốc độ thần kỳ “một ngày bằng 20 năm”. Cuộc chiến kết thúc trong sự ngỡ ngàng của Mỹ khi một đội quân hùng hậu với vũ khí tối tân lại phải chịu lùi bước trước dân tộc Việt Nam nghèo thế lực nhưng giàu tinh thần đoàn kết và lòng quyết tâm. Sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân và đoàn kết quốc tế là một trong những nhân tố quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam nhấn mạnh: “Nếu xét về tiềm lực kinh tế và quân sự thì rõ ràng Việt Nam ở thế yếu hơn. Thế nhưng về sức mạnh tổng hợp thì Việt Nam hơn hẳn. Với sức mạnh ấy, với khả năng ấy, dân tộc Việt Nam đã biết giành thắng lợi từng bước, đánh thắng địch trong từng chiến lược chiến tranh rồi tiến tới một cuộc tổng tiến công chiến lược để vừa đánh cho Mỹ cút, vừa lật đổ được chính quyền Việt Nam Cộng hòa, thu giang sơn về một mối”.
Sau khi giành thắng lợi ở nhiều địa phương, cuối tháng 4/1975, quân và dân ta bừng bừng khí thế đấu tranh tiến về Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của địch. Đúng 11h 30 ngày 30/4/1975, lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc Dinh Độc lập. Với trận quyết chiến chiến lược này, ta đã đánh bại hoàn toàn 1 triệu quân đội ngụy do Mỹ dày công tổ chức, nuôi dưỡng và tập huấn trong thời gian dài, buộc chúng đầu hàng vô điều kiện.
Vì một nền hòa bình muôn thuở
Mặc dù chịu nhiều mất mát trong cuộc chiến kéo dài đằng đẵng 21 năm nhưng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, sự hy sinh này là xứng đáng cho chiến thắng vang dội của dân tộc ta.
“Ông cha ta có nói “Chiến tranh vì một nền hòa bình muôn thuở”. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc rất yêu hòa bình nhưng luôn luôn phải đấu tranh chống các thế lực xâm lược để giành lại hòa bình, thống nhất đất nước. Chắc chắn chiến tranh là tổn thất, là hy sinh. Những tổn thất, hy sinh trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước của chúng ta rất lớn nhưng chúng ta chấp nhận để có thể giành lại độc lập, giành lại thống nhất, hòa bình cho đất nước”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà nói.
Chiến tranh đã lùi vào ký ức nhưng những bài học lịch sử quý báu trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước luôn được người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế nhắc đến. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, có rất nhiều cái hay được quân và dân ta vận dụng thành công vào Đại thắng mùa xuân năm 1975 mà đến bây giờ nó vẫn được xem như chân lý.
“Bài học lớn nhất vẫn chính là chủ nghĩa yêu nước, nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Ngoài ra còn có vai trò lãnh đạo của Đảng từ đường lối chiến tranh cho đến phương pháp chỉ đạo tổ chức thực tiễn. Cuối cùng, chúng ta phải nói đến bài học về sự tranh thủ sức mạnh dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh bên ngoài, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới để giành độc lập”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.
Toàn bộ diễn biến của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã chứng minh hùng hồn sự đúng đắn của tư tưởng chiến lược tiến công, phương pháp cách mạng, phương châm chỉ đạo chiến lược, phương thức tiến hành chiến tranh và nghệ thuật quân sự của quân đội Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta. Những tư tưởng và tinh thần đó đã, đang và sẽ được các thế hệ lãnh đạo nước nhà vận dụng vào công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước để trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có thể sánh vai với các cường quốc, năm châu khác như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.