Những con đường của lòng dân làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi
VOV.VN - Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đến nay, đã có gần 13.500 hộ dân trên địa bàn tham gia hiến đất, hoa màu, công trình xây dựng trên đất, với tổng diện tích gần 1,9 triệu m2, với giá trị hơn 623 tỷ đồng để mở đường.
Dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng khi được thông báo chủ trương bê tông tuyến đường vào thôn, gia đình chị Triệu Thị Xính, ở thôn Suối Quyền, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn không chỉ đóng góp 2,5 triệu đồng như các hộ dân khác mà còn hiến đất và chặt cả vườn quế non để mở rộng mặt đường.
“Cảm ơn Nhà nước hỗ trợ thêm một phần, nhân dân đóng góp một phần mới có được đường đi lại”, chị Xính nói.
Anh Triệu Tài Tiến, Trưởng thôn Suối Quyền, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn phấn khởi cho biết, sau nhiều năm chờ đợi, mong mỏi, con đường vào thôn không còn khó khăn, gập ghềnh như trước nữa. Chính vì vậy mà tất cả các hộ dân đều vui vẻ ủng hộ việc mở rộng và kiên cố hóa tuyến đường.
“Nói về tiền thì thực ra bà con nhân dân trên này cũng còn rất nghèo nhưng nói đến làm đường thì hầu như bà con nhân dân ai cũng ủng hộ. Nhiều hộ bán quế rồi đi làm ăn xa gửi tiền về, cũng mong sao có tuyến đường đi lại thuận tiện”, anh Triệu Tài Tiến cho hay.
Ông Đặng Kim Lý, Chủ tịch UBND xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn chia sẻ: Là xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, giao thông đi lại còn trắc trở, Đảng bộ, chính quyền xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển giao thông nông thôn. Trong năm 2022, xã đã huy động nguồn lực trong nhân dân đổ bê tông trên 6 km cho 3 tuyến đường liên thôn với tổng giá trị đóng góp gần chục tỉ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, xã tiếp tục làm 2 tuyến đường thôn Suối Bắc và thôn Suối Quyền, chiều dài 3km. Phấn đấu đến hết năm 2024, sẽ cứng hóa toàn bộ tuyến đường giao thông đi tới 5 thôn, tạo điều kiện cho người dân trong xã đi lại, giao thương thuận tiện.
“Bà con cũng thông hiểu là khi làm đường thì phục vụ chính mình và gia đình. Bà con đồng tình ủng hộ cao, đóng góp nguồn lực làm đường giao thông nông thôn”, ông Đặng Kim Lý cho hay.
Tỉnh lộ 170 là tuyến đường huyết mạch nối khu vực đông hồ Thác Bà của huyện Yên Bình với huyện Lục Yên. Mới đây, tuyến đường được đầu tư nâng cấp, mở rộng nền đường lên 7,5m, hành lang mỗi bên 3m cùng với hệ thống cống rãnh kiên cố. 446 hộ dân đã tự nguyện hiến đất ở, đất sản xuất, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc để bàn giao mặt bằng sớm để thi công tuyến đường.
Ông Lã Tuấn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho biết: “Chúng tôi đề cao công tác dân vận để làm đảm bảo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái phấn đấu kiên cố hóa 900 km đường giao thông nông thôn. Để thực hiện được mục tiêu này, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, rất cần sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng dân cư. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động, sáng tạo triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc phát động sâu rộng phong trào dịch rào, hiến đất, giải phóng mặt bằng 0 đồng để làm giao thông nông thôn. Hoạt động này đã và đang trở thành nét đẹp của người dân Yên Bái trong xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ông Lý Ngọc Sơn, người dân thôn 6, xã Mường Lai, huyện Lục Yên bày tỏ: “Chúng tôi ở dưới này đoàn kết, đồng thuận, ủng hộ rất là cao; làm đến đâu có hiệu quả đến đấy”.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã bê tông hóa được gần 1.470km, với tổng số vốn huy động ước đạt gần 1.400 tỷ đồng, trong đó nguồn lực đóng góp của nhân dân là 437 tỷ đồng, vượt tiến độ đề ra. Từ việc hiến đất, tự nguyện giải phóng mặt đã tiết kiệm tối đa cho ngân sách Nhà nước để tiếp tục dành nguồn lực đầu tư mở mới những con đường khác, góp phần nâng tỷ lệ kiên cố hoá đường giao thông nông thôn miền núi trên địa bàn tỉnh đến nay đạt gần 70%.
Phong trào hiến đất, dịch rào mở đường, phương thức "giải tỏa 0 đồng" ở Yên Bái đã tạo nên những "con đường hạnh phúc", giúp khu vực miền núi khoác lên mình một diện mạo mới, có nhiều lợi thế hơn để bứt phá đi lên trong phát triển kinh tế, xã hội. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu đề ra trong Tiểu dự án 1, Dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; phục vụ nhu cầu của cộng đồng.