Những kỷ niệm về phát thanh viên Kiên Cường - giọng đọc của một thời đạn bom

VOV.VN - Chú Trọng là người sâu sắc và rất hóm hỉnh, “buông câu nào ra, chết câu ấy!“ như nhiều người ở Đài có chung nhận xét. Còn khi vui tếu, tôi thấy chú cũng sẵn sàng “tới bến” luôn.

LTS: Phát thanh viên Kiên Cường (tên thật là Hàn Đức Trọng) đã từ trần hồi 19h15 phút ngày 4/7/2024, hưởng thọ 93 tuổi.

Sinh thời, phát thanh viên Kiên Cường cùng với các giọng đọc nổi tiếng như Việt Khoa, Tuyết Mai, Nguyễn Thơ...đã trở thành những tên tuổi không thể nào quên với các thế hệ thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam giai đoạn từ 1945 đến 1975.

Báo Điện tử VOV xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Lê Mạnh Hùng (hiện sinh sống tại CHLB Đức) viết năm 2016 về những kỷ niệm của anh với PTV Kiên Cường.

Năm 1981, cha của một người bạn (công tác điện ảnh quân đội, từng cho tôi đọc thuyết minh phim vài lần) đưa tôi đến giới thiệu với chú Trọng, nhờ chú giới thiệu tôi vào tham gia thi tuyển phát thanh viên Đài TNVN vào dịp Đài đang tìm người mới. Chú Trọng vui vẻ nhận lời, đưa tôi đến giao cho một ban tuyển chọn của Đài “trần“ cho tôi một trận tơi bời mà không hề có sự tham gia của chú. Tôi trúng tuyển, thật vui khi tưởng tượng sẽ được gần chú, có “người quen“ - một PTV nổi tiếng kèm cặp, giúp đỡ tôi vào nghề thì còn gì bằng...

Thực tế đã không như vậy. Tôi được giao cho bác Thuận (PTV Việt Khoa) kèm cặp, dạy nghề và được phân công đi ca với các PTV nổi tiếng, nhiều kinh nghiệm khác như các chị Hoàng Yến, Minh Khuê, cô Phương Chi, cô Tuyết Mai, chị Kim Cúc để được giúp đỡ luyện tập. Người mà tôi được phân công cùng làm ca nhiều nhất hồi đó là chị Hoàng Yến. Vậy là trái với mong muốn, tôi rất ít có dịp được gần gũi chú Trọng. Ít năm sau, chú Trọng đi làm chuyên gia ở Liên Xô cho Radio Mockba. Kết thúc nhiệm kỳ ở Liên Xô về nước, chú làm việc bên chúng tôi được vài năm thì lại đến lượt tôi (năm 1989) đi sang làm việc cho Đài Mockba ...Và thế là chú và tôi đã xa nhau biền biệt từ ngày đó đến nay.

Suốt thời gian bao năm ở Việt Nam, tôi thường lẳng lặng lắng nghe chú Trọng đọc trên Đài, quan sát chú trong phòng thu và cũng thế, lẳng lặng nghe và quan sát chú trò chuyện ở ngoài đời. Giọng đọc và đặc biệt là cách đọc của chú Trọng khiến tôi nhiều lần ngỡ ngàng và thậm chí hoàn toàn bị thuyết phục. Nếu giờ đây có ai hỏi tôi, giọng nam nào của Đài TNVN thời đó là hay nhất, tôi sẽ trả lời không do dự: PTV Kiên Cường.

Chú Trọng thuộc thế hệ PTV trải qua cả hai thời kỳ chiến tranh và hoà bình. Chú đã từng xuất sắc ở thời kỳ chiến tranh với khí thế hừng hực của cả đất nước đang trong lửa đạn, thì khi chuyển sang thời bình, tôi nghĩ chú đã thành công không kém khi thích ứng với tình hình mới, vai trò mới và nhu cầu mới của người nghe. Điểm nổi bật ở chú mà theo tôi, đó cũng là sự khác biệt căn bản giữa chú và một số PTV nam nổi tiếng khác là dường như chú cố gắng như có thể chuyển từ ĐỌC văn bản sang NÓI. Điều này không dễ, bởi phải bám theo nội dung văn bản và nội dung đó lại không phải do chính tay mình soạn ra. Nhưng bằng cách nào đấy, chú đã rất thành công. Cách thể hiện này ở vào thời điểm những năm 80 đến 90 thế kỷ trước còn mới đối với nhiều người: thể hiện một cách đanh thép, hào hùng, hay mượt mà, đẹp đẽ lung linh vốn là xu hướng của truyền thông lúc bấy giờ và những người nói trên sóng cũng phải theo hướng đó.

Nghe chú nói trên Đài Mockba, sau đó chính bản thân tôi cũng sang Đài này làm việc như chú, tôi lại càng thấy sự thay đổi là cần thiết như thế nào. Văn bản đọc ở Đài Mockba là văn dịch và bản thân chúng tôi cũng phải tham gia hiệu đính rất nhiều những bài dịch do các bạn Nga dịch kém, dịch ẩu vì sức ép của thời gian. Điều đó lại càng cần sự nhanh nhạy nắm bắt nội dung, diễn đạt như thể bài viết đó là của ... chính mình. Bởi vậy, tiếng nói Radio Mockba thời đó có sức cuốn hút cũng khá độc đáo. Các bạn Liên Xô và đặc biệt sau này, các đồng nghiệp ở các Đài phát thanh các nước khác mà tôi từng hợp tác cũng đều có yêu cầu tương tự và tôi cho là đúng. Nói là đúng bởi có một số lý do, trong đó một lý do tôi cho rằng quan trọng nhất, đó là: chúng ta cần phải nói cho...BẠN NGHE ĐÀI nghe chứ không phải chúng ta nói cho “cấp dưới nghe đài” nghe. Chúng ta lại càng không nên đóng vai trò là “cấp trên“, có vai trò “bảo ban cấp dưới“. Bởi vậy sự thân thiện, gần gũi, khúc triết, nhấn nhá vừa phải, tông giọng vừa phải, ấm cúng và đặc biệt hết sức tự nhiên trong cách biểu đạt...là những gì tôi cảm nhận được và ngưỡng mộ ở giọng đọc của chú PTV Kiên Cường.

Chú Trọng nghiện thuốc lá nặng (đây là điều duy nhất tôi không muốn học chú). Nhưng thuốc lá chẳng thấy có ảnh hưởng gì đến giọng chú cả. Có thể chú có giọng bẩm sinh để làm PTV, nhưng tập luyện như thế nào để có thể thành công trên sóng như vậy là điều tôi vẫn còn muốn tìm hiểu khi nào có dịp. Nghe những PTV nam bậc cha chú như chú Trọng, bác Nguyễn Thơ, bác Việt Khoa thời trước thấy sự trầm hùng, đanh thép, dầy dạn, bề thế và đầy nam tính bao nhiêu thì tôi lại càng lấy làm lạ, là tại vì sao mà những năm về sau này, bỗng dưng từ đâu mọc ra nhiều đến thế một dàn MC, PTV, nam ca sĩ đủ các loại mà giọng nói của các bạn ấy cứ như các “em chã“ một lượt, nam không ra nam, nữ chẳng ra nữ, cứ eo ẻo, làm bộ "dễ thương“ đến sốt cả ruột. Đấy cũng là một lý do mà gần đây tôi rất thích cậu bé Trọng Hiếu (con trai một anh bạn tôi) từ Đức tình cờ về nước đoạt giải "Vietnam Got Talent". Cậu ta hát chẳng thật hay, nhảy cũng tạm được, nhưng cái chính là sự bộc trực, thẳng thắn, cái chất đàn ông mạnh mẽ trong cậu ta đã làm thoả mãn con mắt tôi, giúp tôi như được "trả thù" cái sự bực bội mỗi khi phải nghĩ rằng "đám con trai Việt Nam ngày nay mắc bệnh ái nam ái nữ hết cả hay sao vậy?"

Thành công của chú Trọng, theo tôi lại càng không phải là vô cớ khi quan sát chú ngoài đời. Trong mắt tôi, chú tương đối đặc biệt, và điều đặc biệt ấy có lẽ cũng tác động nhiều đến “bản sắc“ của chú trên sóng. Chú không giống như nhiều người đàn ông Việt Nam tôi hay bắt gặp ngoài đời về cái khoản nói to, nói át, nói nhiều (bây giờ còn là...chém gió ào ào), khoe mẽ, cướp lời của người đối thoại, không tôn trọng người đối thoại, luôn coi mình hơn người, nhất là người đó kém tuổi hoặc có thể có xuất sứ kém may mắn nào đó hơn mình. Chú thường lẳng lặng chăm chú lắng nghe người đối thoại, mắt chú nhìn thẳng vào mắt người đang nói, luôn tủm tỉm cười và khe khẽ gật đầu như động viên. Nếu gặp câu hỏi của ai đó hay có điều gì bất đồng ý kiến, tôi ít thấy chú hấp tấp ngắt lời hay trả lời vội vã, mà thường ngẫm nghĩ khá thong thả, kỹ lưỡng trước khi nói ra suy nghĩ của mình một cách rất nhẹ nhàng. Có lẽ bởi vậy, những gì chú nói ra, thường được diễn đạt rất ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu và đáng tin.

Một cuộc đối thoại thường được coi là lịch lãm, bổ ích nếu tỉ lệ giữa nói và nghe của hai người đối thoại là 50/50. Sẽ thật kinh khủng khi ta gặp một ai đó nói “liên hồi kỳ trận”, không dấu chấm phẩy, nói đến xùi bọt mép và ta không biết có cách nào để dừng câu chuyện của họ. Ở chú Trọng thì ngược lại, chú nghe nhiều hơn nói, tỷ lệ nói/nghe của chú thường là 40/60, thậm chí không hiếm khi là 30/70. Tôi chắc là qua đó, chú cũng thu lượm được rất nhiều những kiến thức bổ ích của cuộc đời ngoài cái sự học và đọc của chú.

Lại nói chuyện đọc. Cũng là đọc sách nhưng khác với một số người, ở đâu cũng thấy tay cầm lăm lăm cuốn sách gì đó đọc, tôi thấy chú có lẽ chỉ đọc ở những nơi và lúc nào đó đáng đọc mà thôi (đọc hiệu quả). Chốn đông người, trong phòng làm việc của tổ nói, tôi chỉ thấy chú tập trung nghiên cứu văn bản, tra cứu từ điển những gì chưa sáng rõ và chuyện trò với mọi người. Tôi thấy thế là đúng, gì chứ phải tôi thì chắc là tệ lắm, đang đọc cuốn sách nào đó mà thoáng thấy có mấy “bóng hồng” từ phòng Phụ nữ, Thanh niên, Ca nhạc ... lướt qua là lập tức tôi bị “hồn vía treo ngược lên cành cây” ngay, nói gì đến đọc sách?

Chú Trọng là người sâu sắc và rất hóm hỉnh, “buông câu nào ra, chết câu ấy!“ như nhiều người ở Đài có chung nhận xét. Còn khi vui tếu, tôi thấy chú cũng sẵn sàng “tới bến" luôn. Đi Liên Xô về chú kể: có hai anh chàng Việt Nam đi dạo chơi bên bờ sông Volga xinh đẹp. Một anh ngắm cảnh thấy cảm động quá, hứng khởi làm hai câu thơ, nhờ anh kia chữa giùm nếu không vần: “Dưới sông sóng vỗ dập dồn. Trên bờ thiếu nữ giở .... lưng ra phơi”. Cả phòng PTV cười không thở được, phần vì nội dung câu chuyện thì ít, nhưng phần nhiều là vì gương mặt của chú lúc bấy giờ cứ... tỉnh queo, rất buồn cười. Sau này nghe bao nhiêu người, kể cả Trần Đăng Khoa sang Berlin kể lại chuyện ấy, tôi vẫn không thấy buồn cười bằng khi nghe chú Trọng kể.

Có thể nói phong cách giao tiếp của chú Trọng khá là Âu. Thời gian chú sống ở châu Âu không nhiều, nhưng nhiều thứ ở chú, tôi đã bắt gặp ở những người Nga, người Pháp, người Đức mà tôi quen, thân thiết những năm sau này. Tôi chả biết từ đâu mà chú như vậy? Thú thật tôi đã gắng học theo chú và cũng “tương đối thành công“, ít nhất là trong gia đình. Vợ tôi nói nhanh, hay nóng nảy thì may sao tôi điềm tĩnh hơn, chậm rãi hơn và nhờ đó, nhiều tình huống gay cấn được nhanh chóng giảm áp. Tôi hay đùa rằng “trong nhà một người xài tốc độ nói 45 thì cũng nên có người kia tốc độ 33 (như đĩa hát vậy). Cả hai đều 45 cả thì niêu cơm tan tành”.

Hơn ba chục năm chưa gặp lại, không rõ hiện chú Trọng đang sống như thế nào? Tôi luôn luôn nhớ và gìn giữ những kỷ niệm về chú, mặc dù rất có thể chú chỉ còn nhớ rất ít về tôi. Ngần ấy năm từ khi gặp chú lần đầu, tôi chưa bao giờ có dịp ngồi riêng với chú thật lâu, chưa từng được mời chú một cốc nước, chứ chưa nói đến một bữa liên hoan. Tôi cũng chưa từng một lần nghe thấy, hay bắt gặp chú nói với ai đó rằng “chính tôi là người đã đưa cái cậu Lê Mạnh Hùng này về Đài đấy!" như cái cách nói mà người đời ngày nay hay dùng... Tôi cũng chẳng biết nên vui hay nên buồn về điều đó, nhưng tôi hoàn toàn tôn trọng cách hành xử của chú.

Trả lời nhiều lần câu hỏi của con gái chúng tôi: “Bố có thần tượng nào không?“ tôi thường nói là không. Nhưng ngẫm nghĩ kỹ lại thì tôi thấy mình có một số tấm gương. Tôi làm nhiều công việc khác nhau thuộc hai lĩnh vực truyền thông và âm nhạc. Mỗi khi làm việc trước Microphone, trong các Studio, làm MC cho các sự kiện lớn nhỏ, hay làm thông ngôn, khi muốn giảng giải cắt nghĩa cho ai điều gì ... là lập tức trong tôi hiện lên ngay hình ảnh chú Trọng - Phát thanh viên quốc gia Kiên Cường và tôi nhớ ngay đến những kỹ năng nói vô cùng quý giá mà tôi từng quan sát, chắt lọc được ra từ chú...

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phát thanh viên Kiên Cường qua đời ở tuổi 93
Phát thanh viên Kiên Cường qua đời ở tuổi 93

VOV.VN - Đài Tiếng nói Việt Nam và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin: Phát thanh viên Kiên Cường đã từ trần hồi 19h15 phút ngày 4/7/2024, hưởng thọ 93 tuổi.

Phát thanh viên Kiên Cường qua đời ở tuổi 93

Phát thanh viên Kiên Cường qua đời ở tuổi 93

VOV.VN - Đài Tiếng nói Việt Nam và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin: Phát thanh viên Kiên Cường đã từ trần hồi 19h15 phút ngày 4/7/2024, hưởng thọ 93 tuổi.

Ngày xưa của mẹ - một thời phát thanh viên ở cảng Hải Phòng
Ngày xưa của mẹ - một thời phát thanh viên ở cảng Hải Phòng

VOV.VN - Công việc chính của mẹ hồi đó là làm phát thanh viên cảng Hải Phòng. Đều đặn mỗi ngày, vào đầu giờ sáng, mẹ đọc bản tin phát thanh tóm tắt về tình hình trong và ngoài nước, về phong trào thi đua sản xuất ở cảng

Ngày xưa của mẹ - một thời phát thanh viên ở cảng Hải Phòng

Ngày xưa của mẹ - một thời phát thanh viên ở cảng Hải Phòng

VOV.VN - Công việc chính của mẹ hồi đó là làm phát thanh viên cảng Hải Phòng. Đều đặn mỗi ngày, vào đầu giờ sáng, mẹ đọc bản tin phát thanh tóm tắt về tình hình trong và ngoài nước, về phong trào thi đua sản xuất ở cảng

Tin buồn: Giọng đọc Vân Yến - Phát thanh viên Đài TNVN qua đời ở tuổi 100
Tin buồn: Giọng đọc Vân Yến - Phát thanh viên Đài TNVN qua đời ở tuổi 100

VOV.VN - Cụ Bà Trần Thị Ý (phát thanh viên Vân Yến), nguyên cán bộ của Đài TNVN, phu nhân của cố Nhà báo Trần Lâm, nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập đầu tiên của Đài TNVN đã từ trần tối 2/3/2022.

Tin buồn: Giọng đọc Vân Yến - Phát thanh viên Đài TNVN qua đời ở tuổi 100

Tin buồn: Giọng đọc Vân Yến - Phát thanh viên Đài TNVN qua đời ở tuổi 100

VOV.VN - Cụ Bà Trần Thị Ý (phát thanh viên Vân Yến), nguyên cán bộ của Đài TNVN, phu nhân của cố Nhà báo Trần Lâm, nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập đầu tiên của Đài TNVN đã từ trần tối 2/3/2022.

Phát thanh viên Kiên Cường - Người lính trực chiến trên sóng VOV thời chống Mỹ
Phát thanh viên Kiên Cường - Người lính trực chiến trên sóng VOV thời chống Mỹ

VOV.VN - Phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ cũng giống như người lính trực chiến. Có tin mới là sẵn sàng rời nhà, đội mũ sắt phóng xe đạp đến phòng phát thanh đọc thẳng.

Phát thanh viên Kiên Cường - Người lính trực chiến trên sóng VOV thời chống Mỹ

Phát thanh viên Kiên Cường - Người lính trực chiến trên sóng VOV thời chống Mỹ

VOV.VN - Phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ cũng giống như người lính trực chiến. Có tin mới là sẵn sàng rời nhà, đội mũ sắt phóng xe đạp đến phòng phát thanh đọc thẳng.