Những ngư dân can trường trên vùng biển Trường Sa
VOV.VN - Làng chài thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nằm nép mình bên cảng Sa Kỳ. Từ đây, chỉ cần nổ máy, dong tàu thẳng tiến ra Hoàng Sa, Trường Sa. Trên vùng biển này, các thế hệ ngư dân can trường, cả đời bám biển. Với họ, tàu là nhà, biển cả là quê hương.
Năm nay bước sang tuổi 87 nhưng lão ngư Trần Xề, ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ngày ngày vẫn ra cảng cá Sa Kỳ thăm hỏi, nói chuyện với các thuyền trưởng trở về từ ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa. Không còn sức đi biển, nhớ biển nên ông thường nói chuyện với lớp trẻ để thỏa nỗi nhớ biển. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống đi biển, lão ngư Trần Xề từ nhỏ gắn bó với nghề biển. Năm 30 tuổi, dù chỉ có tàu nhỏ, công suất nhỏ và chỉ dựa vào la bàn cầm tay để dò đường nhưng ngư dân Trần Xề đã can trường vượt qua nhiều sóng gió, đưa tàu ra tận ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt cá chuồn.
Ông Xề nhớ lại, ngày đó nghe thế hệ trước nói vùng biển Trường Sa nhiều hải sản, lại ít tàu đánh bắt nên ông gom góp được khoảng 100 triệu đồng để đóng con tàu vỏ gỗ dài 15m, liều mình đi ra vùng biển Trường Sa. Đến vùng biển Trường Sa, ông Xề thả lưới là có cá, chỉ vài ngày tôm cá đầy khoang. Về bờ, ông Xề rủ thêm ngư dân dong thuyền thẳng tiến Trường Sa đánh bắt hải sản. Cứ như vậy, 4 anh em trai nhà ông gắn bó với biển cả, với Trường Sa. Đến nay ông nghỉ thì truyền nghề lại cho con trai Trần Văn Trung tiếp tục gắn bó nghề biển, đánh bắt xa bờ.
Năm 2011, ông Trần Xề cùng em trai mình và một số ngư dân kỳ cựu ở Bình Châu được vinh danh là một trong những ngư dân tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi, được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa”.
Ông Trần Xề nói chắc nịch, đời ông và con ông vẫn kiên quyết bám biển, bám đảo: “Hồi đó tôi đi cái la bàn nhỏ xíu, mình coi theo la bàn chạy thôi chứ không có định vị như bây giờ. Nhờ có la bàn đó mới đi còn hồi trước nữa đi không có la bàn. Ra tới đó 5 giờ đã sáng rồi, nhìn dưới nước bắt san hô thả neo. Hồi đó tôi đóng thuyền đi đầu tiên ở đây, đi đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa”.
Còn ngư dân Bùi Tấn An, 56 tuổi, ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bây giờ vẫn đều đặn có mặt trên vùng biển Trường Sa để đánh bắt hải sản. Ông An cũng là một trong số ít ngư dân được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” vào năm 2011.
Ông An cho biết, Tết Ất Tỵ 2025 này ông cùng con trai tiếp tục ăn Tết trên biển, điều này đã thành thói quen nhiều năm qua. Trước đây, ông An từng sở hữu 4 con tàu cá chuyên đánh bắt ở những vùng biển xa như Hoàng Sa, Trường Sa. Giờ đây, không còn làm chủ tàu cá nào, ông vẫn xin đi bạn với tàu khác để vượt sóng lướt gió ra vùng biển Trường Sa.
Ông Bùi Tấn An nói ra biển là vui: "Đánh bắt thì tôi đi suốt, lên các đảo được gặp anh em, rồi múa hát, đảo nào cũng hát 1 đêm, 4 đảo lớn. Trường Sa là đảo của mình, vừa đi vừa có chỗ neo nghỉ nên phải bám đảo, giữ đảo vừa đánh bắt được thu nhập khá hơn”.
Tiếp nối truyền thống của cha ông, anh Bùi Thanh Chung, 30 tuổi, con trai ông An cũng nối nghiệp cha mình, một lòng gắn bó với biển. Giáp Tết, cả hai cha con tranh thủ gặp nhau xong lại dong tàu ra khơi, đánh bắt xa bờ. Anh Bùi Thanh Chung khẳng định, việc tiếp nối truyền thống cha ông mình là trách nhiệm của lớp trẻ hôm nay: “Như chúng tôi ở Trường Sa thì cứ 5 ngày, 10 ngày là chúng tôi vào đảo. Có anh em cán bộ, chiến sĩ ở đó nhiệt tình lắm. Chúng tôi bị đau gì là vào đó họ lo hết. Như vừa rồi chúng tôi ở đảo Sơn Ca vào 2 ngày họ lo cho chúng tôi vả thuyền viên ăn uống, lo cho hết bệnh thôi. Làm ở đó giúp ngư dân vững tin vì gặp sự cố hoặc có việc gì đó thì vào đảo được hỗ trợ, không sợ sự cố. Đi Trường Sa là cảm thấy tự hào rồi”.
Ý thức được sự hiện diện của mỗi chiếc tàu ở vùng biển xa bờ chính là một cột mốc chủ quyền của Tổ quốc trên biển, những “Chiến sĩ Trường Sa” đặc biệt này luôn nhắc nhở thế hệ ngư dân trẻ bám biển, vươn khơi và bồi đắp thêm tình quân dân thắm thiết.
Sinh thời, Bác Hồ căn dặn: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không?... Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”. Thực hiện lời căn dặn của Bác, ngư dân cả nước nói chung, ngư dân Bình Châu nói riêng luôn một lòng “giữ cửa cho Tổ quốc”. Nhiều người trong số họ đã vinh dự được Bộ Tư lệnh Hải quân trao tặng huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa”. Đó chính là niềm vinh dự, tự hào và cả trách nhiệm của mỗi ngư dân.
Những ngày Tết Cổ truyền, trên khắp các vùng biển xa, “cờ đỏ sao vàng” vẫn tung bay trước gió biển, khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.