Những người dệt hồn Tổ quốc
VOV.VN - Đã gần 70 năm qua, nghề may cờ Tổ quốc vẫn được 4 thế hệ trong gia đình bà Đặng Thị Đàm giữ nghề.
Những ngày Cách mạng tháng Tám 1945, cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng thu Ba Đình lịch sử. Trong rừng cờ đó, có những lá cờ do người thợ của làng Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (nay thuộc Hà Nội) may. Đã gần 70 năm qua, nghề may cờ Tổ quốc vẫn được người làng Từ Vân duy trì, trong đó có gia đình bà Đặng Thị Đàm, với 4 thế hệ nối tiếp nhau giữ nghề.
Làng Từ Vân, xã Lê Lợi (Thường Tín, Hà Nội) nổi tiếng với nghề thêu từ thế kỷ 16, sản phẩm nổi tiếng cả trong và ngoài nước lúc đó. Chính vì vậy, để chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa tháng 8/1945, các nghệ nhân đã được Ủy ban kháng chiến mời thêu, làm cờ chuẩn bị cho khởi nghĩa. Sau này, những người thợ, nghệ nhân ấy được tuyển vào Hợp tác xã cờ đỏ trên phố Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội để may cờ Tổ quốc. Cũng từ đó, làng Từ Vân có thêm nghề may cờ.
Hộ gia đình bà Đặng Thị Đàm có 4 thế hệ may cờ |
Bà Đàm tâm sự: “Giờ có nhiều người đã chuyển sang nghề khác vì thu nhập tốt hơn, nhưng gia đình tôi vẫn giữa nghề. Chúng tôi trân trọng và nâng niu, hàng ngày gắn bó với các lá cờ Đảng, Đội, Đoàn, cờ Tổ quốc… Gia đình tôi rất tự hào đã làm nên những sản phẩm để phục vụ cách mạng tháng Tám, và Quốc khánh 2/9”.
Bà Đàm cho biết, nghề này không làm giàu được. Vì vậy, nhiều nhà trong làng đã chuyển sang may, thêu các mặt hàng khác, hoặc bỏ nghề. Theo bà, nghề may cờ Tổ quốc cũng có nhiều cái khó so với các nghề may thêu khác và kỳ công từ khâu chọn vải, thêu, in, pha màu… làm sao để cờ may xong không chỉ chính xác về tiêu chuẩn mà phải sắc nét, chắc chắn. Loại vải may lá cờ là vải sa mua từ làng La Khê, Hà Đông. Còn tua, chỉ được mua từ làng Triều Khúc. Mỗi nhà có một bí quyết riêng. Nhưng cái khó nhất là phải thổi “hồn” vào từng là cờ dù là cờ to hay nhỏ, cờ in hay cờ thêu. So với các nghề may khác thì người làm nghề may cờ Tổ quốc luôn thấy tự hào và sự thiêng liêng.
Vợ chồng chị Duyên may cờ chuẩn bị cho những ngày kỉ niệm trong mùa thu tháng Tám lịch sử |
Nghề may cờ Tổ quốc có lúc thăng trầm nhưng gia đình bà Đàm vẫn giữ nghề và tiếp tục truyền cho con cháu. Cháu Nguyễn Phương Nam năm nay 10 tuổi nhưng đã chập chững học và hướng theo nghề của cha ông: “7 tuổi cháu đã may được cờ. Cháu thấy vui và xúc động, vì làm lá cờ này là yêu quê hương đất nước, tự hào về gia đình. Sau này, lớn lên cháu vẫn làm cờ”.
Tự hào, đó là những gì mà các thế hệ trong gia đình bà Đàm cảm nhận khi tự tay may nên những lá cờ đỏ sao vàng để mọi người mang đi trong rừng người nổi dậy lật đổ ách thống trị thực dân phong kiến, làm nên cuộc cách mạng tháng Tám 1945 lịch sử, để buổi lễ Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945 trang trọng hơn, thiêng liêng hơn. Đó cũng là lý do vì sao 4 thế hệ nhà bà Đàm đã chung thủy với nghề may cờ Tổ quốc./.