Những người phụ nữ tủi phận không có 8/3
VOV.VN - Đối với những người phụ nữ có cảnh cô đơn gắn với nỗi lo cơm áo, gạo tiền, gánh nặng mưu sinh. Ngày 8/3 chỉ là ước mơ kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống
Ngày 8/3 là dịp người phụ nữ được tôn vinh, chúc mừng, thế nhưng bên cạnh đó, vẫn còn có cảnh đời, số phận của những người phụ nữ với nỗi lo cơm áo, gạo tiền, gánh nặng mưu sinh oằn trên đôi vai nhỏ bé. Đối với họ ngày 8/3 chỉ là ước mơ kiếm đủ tiền trang trải cho cuộc sống.
Nhiều phụ nữ phải kiếm sống bằng những nghề vất vả. |
Đây là công việc hàng ngày của chị Lê Thị Chung ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc suốt 10 năm nay. Bất kể ngày mưa hay nắng trên chiếc xe đạp cà tàng cùng bộ quần áo bạc màu, sờn vai, đôi găng tay đã rách, hàng ngày chị Chung vẫn miệt mài di chuyển chầm chậm xung quanh các khu vực dân cư, điểm tập kết rác thải để mua phế liệu, cũng như tìm kiếm, nhặt lấy những loại phế liệu bị vứt bỏ để bán đồng nát. Đằng sau lớp khẩu trang là khuôn mặt gầy gò, nước da đen sạm, ánh mắt nặng trĩu suy tư, đôi tay chai sạn...do những tháng ngày bươn bả ngược xuôi dưới trời nắng, mưa phùn gió bấc cùng nỗi lo cơm, áo, gạo tiền. Đây cũng là nguyên nhân khiến chị già hơn nhiều so với tuổi.
Chị Chung tâm sự, hoàn cảnh gia đình khó khăn, hai vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập không đủ để trang trải chi tiêu. Vì vậy, chị đã bỏ quê lên Hà Nội kiếm sống. Mỗi tháng cố tích cóp, chi tiêu tằn tiện chị cũng chỉ gửi được 2 triệu đồng về quê nuôi con ăn học: “Xa gia đình để kiếm tiền nuôi con, vì cơm áo gạo tiền nên đi nghề đồng nát, nếu mình làm việc nặng nhọc thì kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng sức khỏe yếu không làm được nên chọn nghề này. Cũng mong muốn có sức khỏe để nuôi con khôn lớn thành người. Công việc thu nhập không được cao nhưng phải cố gắng kiếm đôi đồng lo cho con cái”.
Ngày 8/3 được mặc định là ngày dành cho nữ giới. Ngày này, phái đẹp thường được tặng hoa, tặng quà và được nhận những lời chúc có cánh. Vào dịp này, trên khắp nẻo đường của Hà Nội, hình ảnh những sạp hoa với đủ màu sắc bắt mắt, đẹp đẽ cùng dòng người tấp nập chọn và mua hoa để tặng bà, tặng mẹ là hình ảnh đễ nhận thấy nhất so với bình thường. Tuy nhiên, xen lẫn trong đó là những phụ nữ kẽo kẹt gánh hàng rong trên đôi vai nặng trĩu và những xe thồ, xe đẩy với đủ loại hàng hóa... họ đang hàng ngày, hàng giờ rong ruổi trên các tuyến phố, con đường, ngõ xóm để bán hàng trang trải cuộc sống.
Với chiếc xe thồ đầy ắp hàng rau, củ, quả, con trai, con hến… cùng lỉnh kỉnh những túi bóng chai nước… chị Nguyễn Thị Hương- 35 tuổi, ở Thanh Hóa cho biết, hàng ngày chị phải dậy từ 4 giờ sáng để đi lấy hàng, rồi xếp lên xe đẩy đi bán dạo. Muốn bán được nhiều hàng, phải đi nhiều nơi, phải len lỏi vào các ngõ ngách, những lúc mệt mỏi vẫn phải cố vì tiền đóng học cho con, tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước và nhiều khoản chi tiêu khác vẫn đợi chị hàng ngày.
Vậy nên, ngày 8/3 với một người tha hương mưu sinh như chị Hương thì để nhận một lời chúc mừng cũng đã là xa xỉ, chứ nói gì đến việc được quan tâm, tặng quà: “Ngày 8/3 mình đi làm như mọi ngày, mình vẫn đi làm bình thường vì cuộc sống khó khăn. Mình là phụ nữ cũng muốn được quan tâm như bao người khác nhưng vì cuộc sống thiếu thốn, nghĩ đến hai đứa con đang ăn học ở quê mình phải cố gắng làm việc thôi, cũng buồn tủi khi xa quê hương người thân”.
Cũng như chị Nguyễn Thị Hương, với chị Lê Thu Loan ở Ninh Bình thì ngày 8/3 với chị cũng như bao ngày bình thường khác:
"Cuộc sống khó khăn, ở quê đi làm không kiếm được nhiều tiền bằng ở các thành phố lớn. Trước mắt đang còn khỏe phải mưu sinh lo cho con cái. Ở quê làm vài sào ruộng không đủ ăn".
Trong dòng chảy tấp nập của cuộc sống mưu sinh, nhiều người phụ nữ đang ngày đêm hy sinh bản thân mình để lo cho mái ấm gia đình. Vì gánh nặng cơm áo mà buộc họ phải chối bỏ niềm vui của mình – ngày mà tất cả phụ nữ trên toàn thế giới được quan tâm, chúc mừng. Những đóng góp của các chị bằng cách này hay cách khác đều đang góp phần làm đẹp cho đời, cho xã hội. Vì vậy, dù bằng cách nào cũng thật đáng quý, đáng trân trọng./. Tủi phận nàng dâu khi bố mẹ chồng cay nghiệt