Những vị tướng nghỉ hưu không nghỉ việc
VOV.VN - Trăn trở trước hậu quả chiến tranh gây ra, một số tướng lĩnh vẫn âm thầm triển khai các hoạt động hỗ trợ đồng đội, thân nhân liệt sỹ và nạn nhân do bom mìn, vật nổ còn sót lại gây ra.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng hầu hết 63 tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn đang bị ô nhiễm nặng nề bởi hàng trăm nghìn tấn bom mìn, vật nổ còn sót lại. Không chỉ gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng, sức khỏe của người dân, bom mìn còn tàn phá về kinh tế, xã hội của các địa phương.
Trăn trở trước thực trạng ấy nên dù đã nghỉ hưu nhưng chưa khi nào Trung tướng Nguyễn Đức Soát nghỉ việc. Với vai trò Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, ông luôn dành tâm sức, thời gian cho hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ nạn nhân, tìm cách giảm thiểu nguy cơ tai nạn bom mìn. “Tháng 11/2014, chúng tôi thành lập Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam. Thành viên ban đầu đều là các tướng, tá trong quân đội. Chúng tôi dùng uy tín của mình để triển khai việc vận động nguồn lực, hỗ trợ nạn nhân”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ.
Từ một số tướng, tá ban đầu, Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã phát triển Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam lên khoảng 1.500 hội viên.
Trong 10 năm qua, cùng với các thành viên của Hội, ông đã hỗ trợ cho gần 6.000 người không may bị tai nạn do bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh gây ra. Tổng số tiền hỗ trợ lên đến hàng chục tỷ đồng với hàng trăm con bò, hàng ngàn xe đạp, xe lăn, công cụ sản xuất, dụng cụ hỗ trợ phục hồi chức năng,…
Hàng triệu lượt người, nhất là các em nhỏ ở những khu vực bị ô nhiễm bom mìn, được tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết về cách phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ. “Song hành với hoạt động hỗ trợ, chúng tôi coi trọng công tác tuyên truyền về tác hại của bom mìn, vật liệu nổ. Chúng tôi cho in thành sách, mời các cháu học sinh đến để chia sẻ và phát sách.
Các chi hội ở các địa phương phát sách cho các nhà trường, đặc biệt là các trường dân tộc nội trú để các cháu về trao đổi, chia sẻ với bố mẹ. Đây là cách truyên truyền hiệu quả, vì bom mìn còn sót lại nhiều nhất vẫn ở khu vực nông thôn, miền núi”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát cho biết.
Tuổi cao nhưng ngay cả trong ý nghĩ, chưa khi nào Trung tướng Nguyễn Đức Soát tính đến việc nghỉ ngơi. Ông cho biết sẽ tiếp tục sát cánh cùng Hội Hỗ trợ nạn nhân bom mìn Việt Nam, phát triển thêm các chi hội mới tại những vùng trọng điểm, vùng biên giới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn trong nhân dân; tích cực vận động các nguồn lực, tiềm năng trong nước và quốc tế để hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân một cách hiệu quả nhất. Bởi với ông, đó là tâm nguyện lớn nhất sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. “Tình nghĩa đồng bào, đồng chí đã ngấm vào mình rồi. Mình thương đồng bào nên cố gắng làm”, Trung tướng Nguyễn Đức Soát thổ lộ.
Khoác trên mình chiếc áo lính, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng cũng mang trong mình trăn trở liên quan đến hệ lụy chiến tranh. Có hàng triệu liệt sỹ đã ngã xuống vì sự bình yên của Tổ quốc. Trong số này, nhiều liệt sỹ vẫn còn thất lạc hài cốt. Để giúp thân nhân vơi đi phần nào mất mát và bản thân nhẹ lòng hơn, từ khi về hưu, ông luôn sát cánh với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam thực hiện các hoạt động tri ân như tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính liệt sĩ; xây, sửa nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm; hỗ trợ học bổng, sinh kế cho thân thân,…
“Không ai bắt Hội phải làm, không ai giao cho Hội kế hoạch, không ai giao cho Hội năm nay phải thực hiện việc này việc kia. Những việc chúng tôi làm vì liệt sỹ, vì xương máu của liệt sỹ đã đổ xuống”, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng bộc bạch.
Trong 13 năm qua, với sự chung tay của Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã giám định ADN cho hơn 1.000 liệt sĩ; Lấy mẫu phẩm của hơn 1.000 thân nhân liệt sĩ; Trả kết quả đúng cho 494 liệt sĩ; tổ chức 32 lần trao kết quả; Tiếp nhận xử lý thông tin của hơn 200.000 liệt sĩ; Tư vấn hỗ trợ để 33.000 gia đình tìm hài cốt, trong đó có 200 gia đình tìm được hài cốt bằng phương pháp thực chứng; Đính chính thông tin trên bia mộ cho hơn 1.000 liệt sĩ; Giúp đỡ các gia đình khó khăn đưa hơn 1.200 hài cốt liệt sĩ về quê hương; Tặng hơn 1.200 nhà tình nghĩa với kinh phí hỗ trợ từ 60-80 triệu đồng/nhà...
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng chia sẻ, ông tự hào về kết quả mà Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đạt được, bởi trong đó có đóng góp nhỏ bé của mình. Tuy nhiên, nỗi trăn trở về sự hy sinh, mất mát của những người đồng chí, đồng đội và người thân của các liệt sỹ vẫn rất lớn. Vì thế, ông nguyện sẽ không ngừng tham gia vào công tác của Hội đến chừng nào sức khỏe cho phép. “Tôi sẽ tiếp tục đồng hành với Hội. Chúng ta có gần 1,2 triệu liệt sỹ, trong đó còn gần 53 vạn liệt sỹ nữa chưa biết tên và trong 53 vạn liệt sỹ này còn 18 vạn liệt sỹ đang nằm lại các chiến trường”, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng bộc bạch.
Kinh qua chiến tranh, những vị tướng hiểu rất rõ sự khốc liệt của nó và giá trị của hòa bình. Có lẽ vì thế nên khi đã nghỉ hưu, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng và Trung tướng Nguyễn Đức Soát dành trọn tâm sức và thời gian với các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn và tri ân. Không chỉ giảm thiểu thiệt hại, những việc làm này còn góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời lan tỏa tình yêu của người dân đối với non sông, đất nước.