Ninh Bình: Nếu xả tràn sông Hoàng Long, 55.000 dân phải sơ tán
VOV.VN - Khoảng 55.000 người dân ở vùng trũng thấp thuộc các huyện Gia Viễn, Nho Quan bị ngập, buộc phải sơ tán khi tỉnh Ninh Bình dự kiến xả tràn sông Hoàng Long tối nay.
Chiều 12/9, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Ninh Bình đã ký lệnh di dân vùng phân lũ, xả lũ trên địa bàn huyện Gia Viễn và Nho Quan.
Nội dung nêu rõ, yêu cầu UBND huyện Gia Viễn, UBND huyện Nho Quan thông báo tới nhân dân vùng phân lũ, xả lũ trên địa bàn và triển khai phương án di dân khi mực nước sông Hoàng Long tại Bến Đế đạt (+4,9m).
UBND huyện Gia Viễn, UBND huyện Nho Quan phối hợp với lực lượng công an, quân sự và các cơ quan có liên quan di dời dân và sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết. Đảm bảo đưa được toàn bộ nhân dân vùng phân lũ, chậm lũ đến nơi an toàn trước 18h ngày 12/9 và trước khi vận hành tràn Lạc Khoái.
UBND huyện Gia Viễn, UBND huyện Nho Quan, Sở NN&PTNT, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi và các đơn vị có liên quan sẵn sàng phương án xả tràn khi có lệnh. Lệnh di dân của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình được ban hành trước tình hình lũ trên sông Hoàng Long và sông Đáy trên địa bàn tiếp tục dâng cao.
Lúc 15h ngày 12/9, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế là 4,92m (trên báo động 3: 0,92m), tại Gián Khẩu 4,45m (trên báo động 3: 0,75m); sông Đáy tại Ninh Bình 4,16m (trên báo động 3: 0,66m), trên mức đỉnh lũ lịch sử năm 2017: 0,20m.
Dự báo trong 12-24h giờ tới mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế, Gián Khẩu tiếp tục lên; tại Bến Đế khả năng lên mức 5,10-5,3m (trên báo động 3 từ: 1,1-1,3m); tại Gián Khẩu lên mức 4,5-4,7m (trên báo động 3 từ: 0,8-1m). Trên sông Đáy tại Ninh Bình tiếp tục biến đổi chậm mức 4,2-4,4 (trên báo động 3 từ: 0,7-0,9m).
Ghi nhận của phóng viên, tại tràn Lạc Khoái chiều 12/9, hàng trăm người dân các xã Gia Lạc, Gia Minh của huyện Gia Viễn đến theo dõi mực nước lũ trên sông Hoàng Long đang dâng cao. Loa phát thanh liên tục phát đi thông báo về tình hình lũ trên địa bàn.
Người dân vùng phân lũ, xả lũ đang khẩn trương chuẩn bị các phương án di dời người, tài sản từ nơi thấp lên nơi cao. Một người dân cho biết, năm 2017 nước lũ dâng, rất may không phải xả lũ ở tràn Lạc Khoái, năm nay nước lũ dâng cao, người dân lại tiếp tục thấp thỏm lo âu. Toàn bộ nhân dân trong vùng rất lo lắng khi phải xả lũ. Tài sản, hoa màu sẽ bị nước lũ gây thiệt hại hết.
Trước diễn biến phức tạp mà mức độ nguy hiểm của nước lũ trên các sông, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng các kịch bản ứng phó. Tình huống xấu nhất khi phải xả tràn tại các tuyến đê trên sông Hoàng Long, phương án chuẩn bị "4 tại chỗ", bao gồm: chỉ huy tại chỗ, phương tiện, vật liệu tại chỗ; lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ để sẵn sàng ứng cứu đã được triển khai.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu cả hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác ứng phó với mưa lũ sau cơn bão số 3, tại hội nghị bàn phương án ứng phó với mưa lũ vào sáng 12/9.