Nỗi lo kép trước nguy cơ sạt lở ở miền núi Thanh Hoá
VOV.VN - Mỗi năm Thanh Hóa quan tâm, đầu tư hạ tầng, tái định cư người dân, thế nhưng chỉ như “muối bỏ bể” khi số hộ dân đang sinh sống trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét còn rất nhiều.
Đầu tháng 9/2023, có mặt tại xã Tâm Phúc, huyện miền núi Lang Chánh, chúng tôi chứng kiến phía trên quả đồi cao ở thôn Tân Lập đang bị “xé toạc” từng rãnh dài, đe dọa gần chục hộ dân phía dưới.
Bà Lê Thị Lê (người dân tộc Thái) ở thôn Tân Lập, xã Tân Phúc, năm nay đã ngoài 80 tuổi, sinh sống dưới chân đồi lo lắng: “2 nhà làm xong thì trận mưa to rồi sụt lún xuống. Bà lo lắng lắm, không ngủ được. Họ bảo bà ra nhà văn hoá thôn thì xa, bà không đi được. Thấy mưa thì xã gọi thôn, thôn gọi cho gia đình, gia đình lo. Cứ chạy sốt mãi 3 tháng trời, không biết răng”.
Theo ghi nhận của phóng viên, vết nứt dài khoảng hơn 60m, rộng từ 10cm đến hơn 1m tuỳ vị trí, nguy cơ ảnh hưởng đến khoảng 18 hộ dân và điểm Trường Mầm non Tân Phúc.
“Chính quyền bảo hỗ trợ di chuyển ra nhưng không có chỗ cho đi. Không ăn không ngủ được, ban đêm đi ngủ ngoài”, bà Lương Thị Giang nhà ngay sát vách khu đồi sạt lở, tiếp lời.
Người dân lo lắng, bất an, sống trong vùng sạt lở, còn chính quyền, các địa phương đang lo, nỗi lo kinh phí để thực hiện tái định cư.
“Trước mắt, chúng tôi vận động những hộ sát ở đó, nhà sàn, nhà tạm… di chuyển ra ngoài khi có mưa lũ, còn nhà xây không thể tháo dỡ. Về lâu dài phải tính toán, có căn cứ khoa học sẽ xảy ra sạt lở đất thì phải lập dự án trình xem xét phê duyệt để triển khai”, ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh bày tỏ.
Trên địa bàn toàn huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa hiện có 260 điểm với 546 hộ trong vùng có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương cho biết, để thực hiện tái định cư di chuyển số hộ này cần nguồn kinh phí lớn, không thể làm ngay được.
Trong khi đó, tại huyện biên giới Mường Lát, được xem là nơi nào cũng có nguy cơ sạt lở. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, đối với số hộ trong vùng có nguy cơ cao huyện đã báo cáo tỉnh và lập 7 khu tái định cư, di chuyển số hộ dân này trong giai đoạn từ 2022 đến 2024. Thế nhưng, theo lãnh đạo huyện, quy trình, thủ tục các bước để tiến hành dự án mất nhiều thời gian, trong khi đó kinh phí cũng rất eo hẹp.
“Bây giờ đang trong quá trình triển khai thực hiện thì bà con vẫn ở lại nơi có nguy cơ cao. Không có cách gì khác, huyện rất quan tâm công tác phòng chống thiên tai, xây dựng phương án di dời từng khu một; phân công thành viên ban chỉ huy phòng chống thiên tai, theo dõi nắm bắt tình hình, có nguy cơ là yêu cầu bà con sơ tán đến nơi an toàn ngay”, ông Bình cho hay.
Công tác bố trí tái định cư cho người dân vùng nguy cơ sạt lở được tỉnh Thanh Hoá đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã lên kế hoạch di chuyển 2.846 hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Thế nhưng, cố gắng lắm từ năm 2022 đến nay tỉnh cũng chỉ di chuyển được 112 hộ theo diện cấp bách đến nơi an toàn, vì để di chuyển được số hộ này cần nguồn lực rất lớn và kế hoạch triển khai thực hiện quyết liệt.