Nối thông đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó đến Mũi Cà Mau năm 2025
VOV.VN - Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh với chiều dài gần 170km vào năm 2025 nhằm cơ bản nối thông từ Cao Bằng đến Cà Mau.
Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, Dự án đường Hồ Chí Minh có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183km (tuyến chính dài 2.499km, nhánh phía Tây dài 684km). Theo Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022, đến năm 2025 cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh trên cơ sở sử dụng Quốc lộ 32 và Quốc lộ 21.
Dự án đường Hồ Chí Minh được khởi công năm 2000. Đến nay đã hoàn thành 2.488/2.744km (đạt 90,1%) và khoảng 258km tuyến nhánh; còn lại 256km/5 dự án thành phần đang triển khai, trong đó 168,5km dự án thành phần sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng từ nay đến năm 2025.
Cụ thể, Dự án thành phần đoạn Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn với chiều dài khoảng 28,98km (đoạn tỉnh Thái Nguyên dài khoảng 12,24km, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang dài khoảng 16,74km) được triển khai thi công từ ngày 7/6/2024. Hiện, nhà thầu đang triển khai thi công cống, đào đắp nền đường, nút giao...sản lượng thực hiện đạt 4,37%.
“Một số hạng mục thi công chậm do địa phương bàn giao mặt bằng chậm, đặc biệt tại tỉnh Tuyên Quang. Chưa kể, phần mặt bằng đã bàn giao còn vướng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, bàn giao không liên tục”, lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đánh giá.
Với chiều dài 11,5km, Dự án thành phần đoạn Hoà Liên-Tuý Loan triển khai thi công cuối tháng 9/2023. Đến nay, dự án bàn giao được khoảng 99% nhưng trên thực tế phần mặt bằng đã bàn giao còn vướng 1,5km chưa thi công được liên quan đến các hộ dân chưa thu hồi tài sản, phá dỡ nhà cửa hoặc đã ký biên bản bàn giao mặt bằng nhưng chưa nhận tiền đền bù; chưa đồng ý phương án bồi thường.
Về tiến độ, các nhà thầu đang thi công nền đường, móng đường, đường gom, hệ thống thoát nước, cầu tại những vị trí có mặt bằng thi công với sản lượng thực hiện đạt khoảng 35% hợp đồng.
Nhìn nhận dự án chậm tiến độ nguyên nhân chủ yếu giai đoạn vừa qua do một phần thời tiết bất lợi và khó khăn về nguồn vật liệu đá, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp, bám sát địa phương về mặt bằng và đẩy nhanh thủ tục nâng công suất mỏ đá và chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh, tập trung tối đa triển khai trên phạm vi mặt bằng đã có và dự trữ dần vật liệu để triển khai liên tục sau khi thời tiết thuận lợi và được nhận nốt mặt bằng còn lại.
Thừa nhận nguồn vật liệu cát đắp khan hiếm, lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho rằng mặc dù dự án đã được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ GTVT, các bộ, ngành, địa phương nhưng đến nay tiến độ cấp phép mỏ cát thương mại cung cấp cho dự án của tỉnh Tiền Giang vẫn còn chậm, chưa đúng theo tiến độ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Do vậy, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đề nghị tỉnh Tiền Giang sớm hoàn tất thủ tục pháp lý cấp mỏ cát thương mại; tỉnh Kiên Giang cho phép điều chỉnh quy hoạch mỏ (tăng chiều sâu khai thác từ 10m lên 30-60m) để đảm bảo về chất lượng, trữ lượng cát khai thác trong tháng 12 này.
Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án thành phần vào năm 2025, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đề nghị các địa phương nơi dự án đi qua đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng sớm bàn giao cho nhà thầu thi công; chỉ đạo các cơ quan liên quan của tỉnh hoàn tất thủ tục pháp lý cấp mỏ cát theo cơ chế đặc thù thù để sớm đưa mỏ cát vào khai thác phục vụ dự án.