Nụ cười Chơ Ro

VOV.VN-Ấp Tân Thuận,  xã Long Tân, huyện  Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu hiện là nơi cư ngụ của 136 hộ bà con người dân tộc Chơ-Ro. Họ luôn sống vui vẻ...

Nơi đây xưa kia là vùng đồi rừng, người Chơ Ro sinh sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy, cuộc sống nghèo nàn và không ổn định.

Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người Chơ Ro đã chuyển sang định canh, định cư, phát triển nghề trồng trọt và chăn nuôi, đời sống dần được cải thiện.

Đường vào ấp Chơ - Ro Tân Thuận

Bà con Chơ Ro luôn luôn nở nụ cười vui vẻ và gần gũi mỗi khi có khách. Đây là cảm nhận chung của những ai có dịp ghé thăm Tân Thuận- ấp dân tộc Chơ Ro duy nhất của huyện Đất Đỏ.

Anh Lý Văn Dương, người dân tộc Chơ Ro - một tấm gương làm ăn giỏi cho biết, mấy năm nay, thu nhập từ kinh tế vườn, từ chăn nuôi của bà con ổn định và ngày càng khấm khá khiến đời sống của bà con được cải thiện. Điện lưới và nước sạch đã được đưa đến từng nhà cho bà con sử dụng hàng ngày. Bà con ưng cái bụng lắm, không vui, không cười sao được.

Bản thân anh Dương cũng vui lắm, vì xuân này đứa con út trong đàn con của anh đã tốt nghiệp đại học. Vậy là cả 7 đứa con của anh đều được học hành và có bằng cấp hẳn hoi.

Rồi con dâu anh cùng một số con cháu người Chơ Ro trong ấp được nhận vào làm công nhân ở công ty Dong- in ngay tại địa bàn xã.

Anh hớn hở khoe đàn lợn 50 con và gần 1ha đất vườn cây trái thương phẩm của anh đang phát triển tốt.

“Hồi trước đời sống của người dân khó khăn lắm, 4-5 năm nay ổn định rồi, con cái đi làm trong công ty, ủy ban ở đây hỗ trợ nhiều mặt, kể cả tập huấn trồng trọt, chăn nuôi. Gia đình tôi ăn Tết này khá khá một chút, con cái tập trung về, sum họp gia đình cho vui”, anh Dương nói.

Nhà sinh hoạt dân tộc Chơ Ro

Ngoài  kinh tế nông nghiệp, bà con Chơ Ro còn mạnh dạn làm quen với các loại hình dịch vụ khác để tăng thu nhập.

Gia đình bà Lý Thị Hương vừa lo chăm sóc vườn hồ tiêu, vườn điều còn mở cửa hàng bán tạp hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của bà con trong ấp.

Mấy năm nay nhờ giá hồ tiêu, hạt điều tăng hơn trước, cộng thêm đồng ra đồng vào từ cửa hàng tạp hóa giúp gia đình bà  có nguồn thu nhập ổn định, khoảng gần trăm triệu đồng/năm.

Con cái cháu chắt của bà đều sống chung với bà dưới mái nhà xây khang trang, lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười nô đùa của bọn trẻ.

“So với năm trước, năm nay có chương trình nông thôn mới, bà con sống vui vẻ vì có điện, nước. Trước đây, đồng bào dân tộc không có vốn, nay nhờ chính quyền giúp đỡ vay vốn. Vốn theo ngân hàng chính sách xã hội có 28 triệu đồng. Nếu được vay thêm nữa thì tôi sẽ đầu tư thêm vào sản xuất , chăn nuôi và mở rộng cửa hàng”, bà Lý Thị Hương nói.

Nụ cười của 3 bà cháu Chơ Ro ở ấp Tân Thuận

Vốn là vùng đồi rừng, đất đai ở Tân Thuận hầu hết là đất bazan màu mỡ, thích hợp với cây ăn trái, cây công nghiệp. Nhiều năm nay,  bà con Chơ Ro đã tận dụng thế mạnh đất đai để tích cực phát triển loại hình kinh tế vườn – chuồng, nuôi trồng các loại cây con đặc sản được thị trường ưa chuộng.

Ngành nông nghiệp địa phương cũng tổ chức tập huấn cho bà con về kĩ thuật nông nghiệp, hỗ trợ bà con tham gia các dự án về chăn nuôi bò, dê, dự án chuyên canh cây trồng như: mãng cầu, hồ tiêu, hạt điều có giá trị kinh tế cao.  

Hướng đi đúng trong phát triển nông nghiệp đã dẫn đến những đổi thay nhanh chóng bộ mặt nông thôn. Một vùng đất “rừng thưa đồi trọc” thưở trước nay đã trở thành ấp nông thôn mới Tân Thuận trù phú.

Giữa bạt ngàn vườn hồ tiêu, vườn cà phê, điều, cao su, chuối xanh mát mắt là các căn nhà của bà con Chơ Ro được xây cất khang trang. 

Toàn bộ các trục đường trong ấp đều được trải nhựa, đi lại thuận tiện. Con em bà con được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, học phí và sách vở đến trường; lại thêm huyện quan tâm xây dựng cho bà con Nhà sinh hoạt  đồng bào dân tộc Chơ Ro, giúp bà con có nơi tổ chức lễ hội nhân dịp lễ, Tết cổ truyền. Bên cạnh đó, việc bảo tồn ngôn ngữ cổ của người Chơ Ro cũng được địa phương quan tâm.

Anh Nguyễn Ngọc Quân, Trưởng ấp Tân Thuận cho biết: “Địa phương đã có kế hoạch phục hồi bản sắc văn hóa dân tộc Chơ Ro, đặc biệt là tiếng nói. Chúng tôi mời các già làng lớn tuổi truyền dạy lại cho con em để duy trì tiếng nói, còn chữ viết thì người Chơ Ro không có. Trường nội trú dân tộc ở đây đang phục hồi lại nguyên âm và phiên âm ra để có chương trình giảng dạy cho các em các cháu sau này, giữ gìn được tiếng nói” .

Anh Lý Văn Dương đang đánh chiêng tại Nhà sinh hoạt dân tộc Chơ -Ro

Tết này, ngoài việc chuẩn bị nguồn hàng hóa, thực phẩm, xã còn phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức các hoạt động giúp bà con Chơ-Ro có một cái tết vui vẻ, đầm ấm.

Anh Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND xã Long Tân cho biết: “Xã vận động các Mạnh thường quân hỗ trợ cho mỗi hộ đồng bào dân tộc một suất  quà  tết để đồng bào vui tết cổ truyền dân tộc…” 

Thu nhập bình quân của bà con ở đây hiện đã là trên 44 triệu đồng/năm. Từ nay đến năm 2020, Chương trình Nông thôn mới sẽ hỗ trợ bà con Chơ Ro tập trung thâm canh tăng vụ, phát huy hiệu quả của các mô hình kinh tế, phấn đấu nâng thu nhập bình quân lên 49 triệu đồng/năm, sánh ngang với mức thu nhập  của bà con các vùng khá trong huyện.

Đưa chúng tôi thăm Nhà sinh hoạt đồng bào  dân tộc Chơ Ro, anh Lý Văn Dương say sưa giới thiệu các vật dụng truyền thống của đồng bào Chơ Ro như chiêng, gùi, cối, nỏ.

Anh Dương  cho biết, hàng năm khoảng từ tháng 2 đến tháng 3 âm lịch, vào những đêm có trăng sáng, trong tiếng chiêng trầm hùng, cộng đồng người Chơ Ro quây quần tại đây để hát múa trong lễ hội Sa Yang Va (lễ cúng Thần lúa), cầu mong một năm được mùa, cuộc sống bình yên.

Tạm biệt ấp Tân Thuận, chúng tôi cầu chúc cho cuộc sống của đồng bào Chơ Ro ngày càng khấm khá, để không gian nơi đây luôn đầy ắp tiếng cười./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Gần Tết, giá kiệu rớt thảm 50%, nông dân lo mất Tết
Gần Tết, giá kiệu rớt thảm 50%, nông dân lo mất Tết

VOV.VN - Giá kiệu liên tục giảm, chỉ bằng một nửa so với vụ kiệu Tết năm ngoái, khiến người trồng kiệu ở tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam lo lắng.

Gần Tết, giá kiệu rớt thảm 50%, nông dân lo mất Tết

Gần Tết, giá kiệu rớt thảm 50%, nông dân lo mất Tết

VOV.VN - Giá kiệu liên tục giảm, chỉ bằng một nửa so với vụ kiệu Tết năm ngoái, khiến người trồng kiệu ở tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam lo lắng.

Thu lãi hàng trăm triệu đồng từ vụ hoa Tết
Thu lãi hàng trăm triệu đồng từ vụ hoa Tết

VOV.VN - Đến thời điểm này nhiều hộ trồng hoa tại Trà Vinh đã xuất bán hết  hàng, thu lãi cả trăm triệu đồng.

Thu lãi hàng trăm triệu đồng từ vụ hoa Tết

Thu lãi hàng trăm triệu đồng từ vụ hoa Tết

VOV.VN - Đến thời điểm này nhiều hộ trồng hoa tại Trà Vinh đã xuất bán hết  hàng, thu lãi cả trăm triệu đồng.

Thực phẩm Tết tăng giá “chóng mặt”
Thực phẩm Tết tăng giá “chóng mặt”

VOV.VN - Hôm nay 28 tháng Chạp âm lịch, sức tiêu thụ thực phẩm tươi sống, hoa quả... đã bắt đầu tăng, khiến giá bán những mặt hàng này "nhảy múa" từng ngày.

Thực phẩm Tết tăng giá “chóng mặt”

Thực phẩm Tết tăng giá “chóng mặt”

VOV.VN - Hôm nay 28 tháng Chạp âm lịch, sức tiêu thụ thực phẩm tươi sống, hoa quả... đã bắt đầu tăng, khiến giá bán những mặt hàng này "nhảy múa" từng ngày.

Gần Tết, nhiều người dân viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Gần Tết, nhiều người dân viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

VOV.VN - Những ngày giáp Tết, nhiều người dân khắp nơi tìm đến Vũng Chùa – Đảo Yến để thắp nén hương thơm dâng lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Gần Tết, nhiều người dân viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Gần Tết, nhiều người dân viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

VOV.VN - Những ngày giáp Tết, nhiều người dân khắp nơi tìm đến Vũng Chùa – Đảo Yến để thắp nén hương thơm dâng lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.