Nữ sinh bị bạn đánh tóe máu đầu, khâu 4 mũi trong giờ ra chơi
VOV.VN - Dù năm học 2023 – 2024 mới bắt đầu được khoảng 1 tháng, thế nhưng tại các trường học ở Đắk Lắk liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường.
Vụ việc mới nhất xảy ra vào sáng 2/10, tại trường THPT Hồng Đức, đường Lê Hồng Phong, thành phố Buôn Ma Thuột. Cụ thể, vào khoảng 8h30 sáng 2/10, trong giờ nghỉ giải lao, giữa em H.M.L. và em H.T.M.T. (học sinh lớp 10C1), có xích mích. Quá trình nói chuyện, em L. đã tát vào mặt em T. và đè bạn xuống đất, dùng guốc đánh thẳng vào đầu khiến T. chảy nhiều máu ướt đẫm vai áo dài đồng phục màu trắng.
Bị đánh mạnh, T. bị choáng, được các bạn đưa xuống phòng y tế trường sơ cứu, sau đó điện thoại cho phụ huynh đến phối hợp với thầy cô đưa đến cơ sở y tế cấp cứu. Tại phòng khám, T. được khâu 4 mũi ở đầu; tiến hành chụp X-Quang kiểm tra vết thương.
Ông Nguyễn Chơn Ủy - Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Đức xác nhận, nhà trường đã nắm bắt được vụ việc và yêu cầu học sinh L. viết bản tường trình và đợi em T. bình phục đi học lại sẽ làm rõ lý do đánh bạn và có hướng xử lý theo quy định. Đồng thời, trường đã mời phụ huynh của các em đến trường để trao đổi, nắm bắt thêm các thông tin liên quan. Trước mắt, Ban giám hiệu đã làm báo cáo nhanh gửi lên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk. Khi có kết quả cụ thể, sẽ căn cứ để có hướng xử lý nghiêm theo quy định.
Trước đó, vào ngày 5/9, tại trường THPT Nguyễn Công Trứ, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk, cũng đã xảy ra vụ việc một nam sinh bị nhóm học sinh nam cùng trường lao vào đánh tới tấp, và quay clip tung lên mạng xã hội. Ngay sau đó, lực lượng chức năng, nhà trường đã vào cuộc xác minh, xử lý. Nguyên nhân vụ việc chỉ vì cho rằng bạn học “nhìn đểu” nên đã lao vào đánh bạn. Các học sinh gây ra vụ việc đều đã bị xử lý theo quy định.
Liên quan đến các vụ bạo lực học đường, ông Phạm Đăng Khoa – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, Sở đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Ban Giám hiệu các trường tích cực phối hợp với phụ huynh, đại diện đoàn đội, các địa phương... có nhiều giải pháp để phòng ngừa. Đặc biệt yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên phụ trách cần quan tâm hơn tới các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, các học sinh cá biệt để quan tâm, động viên, hướng dẫn các em có hành vi cư xử văn minh, ôn hòa, không để xảy ra các vụ bạo lực học đường. Đồng thời, tích cực bảo vệ, hỗ trợ các học sinh bị bạo lực trước các nguy cơ bị xâm hại; giám sát, theo dõi các học sinh có hơi hướng bạo lực để hỗ trợ, uốn nắn, dạy dỗ các em cách cư xử đúng mực.