Nữ y tá nhiễm SARS năm 2003 tin Việt Nam sẽ đánh bại dịch Covid-19
VOV.VN - Nữ y tá Nguyễn Thị Mến chia sẻ, khác với đại dịch SARS năm 2003, với dịch Covid-19, chúng ta đã được cảnh báo và chủ động ứng phó.
17 năm chưa nguôi ám ảnh kinh hoàng về SARS
Dịch SARS năm 2003 khiến 5 y bác sĩ của Bệnh viện Việt Pháp tử vong. Ký ức đau buồn ấy vẫn còn ám ảnh trong tâm trí nhiều người, đặc biệt với nữ y tá trưởng Nguyễn Thị Mến - Bệnh viện Việt Pháp. Chị Mến là một trong những y tá nhiễm bệnh trong đại dịch SARS năm 2003. 17 năm trôi qua nhưng biết bao đêm chị vẫn mất ngủ, những ký ức kinh hoàng năm ấy vẫn là nỗi đau trong tim chị, nghĩ đến những đồng nghiệp không được may mắn “từ cõi chết trở về” như mình, chị Mến lại cảm thấy xót xa.
Đồng nghiệp, người thân đến chúc mừng chị Mến trong ngày xuất viện. |
Trò chuyện với chúng tôi, y tá Nguyễn Thị Mến vẫn nhớ như in từng mốc thời gian của những ngày tháng sống trong đại dịch SARS mà với chị có lẽ cả đời này không thể quên.
Vào buổi sáng đầu tiên của tháng 3/2003, chị Mến thấy người ớn lạnh, sốt, cơ bắp đau nhức. Chị gọi điện đến bệnh viện xin nghỉ thì được biết vài đồng nghiệp khác cũng có triệu chứng tương tự.
Những triệu chứng đến với chị Mến và đồng nghiệp bắt đầu từ khi họ tiếp xúc với bệnh nhân Chong Cheng (quốc tịch Mỹ). Người này nhập viện Việt Pháp vào ngày 26/2, với các triệu chứng giống cúm nên các bác sĩ, y tá của bệnh viện Việt Pháp thăm khám và điều trị cho bệnh nhân này như với bệnh cúm thông thường khác.
Chị Mến nhớ lại, dịch bệnh năm ấy quá “kinh hoàng” và diễn tiến “quá nhanh”. Trong thời gian ngắn, bệnh đã diễn tiến quá nặng khiến chị phải thở máy và hôn mê. Chị kể, có trường hợp ngay hôm đầu nhập viện đã sốt 42 độ C, sốt rất cao từ rất sớm và các loại thuốc đều không có tác dụng. Chị cùng các y bác sĩ bị lây nhiễm đã phải trải qua những đợt sốt như “tra tấn”, hết cơn này đến cơn khác.
Các bệnh nhân nhiễm SARS được điều trị khỏi tại tại Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới năm 2003. |
Ngày 8/3, chị và 1 số đồng nghiệp được chuyển sang khu cách ly. Khi đó, các y tá nhiễm bệnh được chia 2 người một phòng, lúc người này đỡ lại chăm người kia lên cơn sốt. Sau đó, tại bệnh viện có hàng chục nhân viên y tế bị nhiễm bệnh trong thời gian ngắn. Lúc đó, họ chỉ nghĩ bệnh có nặng thì cũng chỉ ở mức mê man, chứ chết người thì không bao giờ nghĩ đến.
“Ngày 5/3, tôi bắt đầu hôn mê sâu phải nhập viện để điều trị, khi tỉnh dậy tôi thấy giường bên có y tá Sinh và Lượng cũng đang nằm. Lúc đó, Y tá Uyên là trưởng kíp trực, dù cũng rất mệt và đau đớn nhưng vẫn phải chờ hết ca để nhập viện. Ngay trong đêm hôm đó, Uyên ho rũ rượi, chụp X-quang phổi đã trắng xóa. Còn tôi cảm giác như có người bóp cổ, không thở được. Bụng đau như cắt, cảm thấy mình như bị tra tấn”- chị Mến kể.
Cuối tháng 3, chị Mến tỉnh dậy trong sự vui mừng tột độ của đồng nghiệp, người thân. Sự hồi phục của chị ngày ấy được xem là kỳ tích nên ai cũng tới ôm hôn, chúc mừng chị.
“Khi tỉnh dậy, toàn thân tôi như bị tàn phế. Chân tôi lúc đó bị liệt. Ngay lập tức, tôi hỏi thăm về những đồng nghiệp cùng bị bệnh như mình là Uyên, Lượng thì tất cả đều nói họ khỏe rồi, và đang trong diện cách ly nên không thể sang thăm được. Buổi tối, khi mở tivi có đưa tin về dịch hô hấp cấp tại Bệnh viện Việt Pháp, 6 bệnh nhân chết vì SARS, trong đó có 2 đồng nghiệp của mình, tôi đã ngất”- chị Mến nhớ lại.
“Covid-19 sẽ bị đánh bại”
Chưa kịp vui mừng vì đã từ cõi chết trở về, chị Mến cùng gia đình lại phải chịu một nỗi đau tinh thần khi cả gia đình chị bị kỳ thị, cách ly. Mọi người đều tránh né gia đình chị, nhiều nhà sống gần đó đã sơ tán đến nơi khác.
“Khi ấy, chồng tôi phải chờ trời tối mới dám ra ngoài mua thức ăn, mà cũng phải chọn quán nào thật xa không ai biết mình. Các con thì không được đi học. 1 tháng tôi ra viện, bố chồng tôi từ Bắc Giang đến thăm, khi ông trở về vẫn không ai dám tiếp xúc gần ông. Ai cũng sợ nếu tiếp xúc thì sẽ chết” - chị Mến chia sẻ.
Chị Mến trào nước mắt nhớ lại: "Chồng tôi kể, những ngày ấy thật kinh hoàng. Lúc nào anh cũng chỉ sợ vợ chết, rồi còn nghe được cả những tin không chính thức rằng tôi chết nên nhiều người gọi điện, nhắn tin đến chia buồn. Anh ấy lo lắng tới mức xuất huyết trong mắt, các mạch máu nhỏ vỡ ra, phải vài năm sau này mới khỏi bệnh”.
Các y bác sĩ cùng chị Nguyễn Thị Mến chiến đấu giành giật lại sự sống năm 2003. |
Thời điểm đấy người dân sống ở Hà Nội có gì đó rất giống với lúc này khi chúng ta chống dịch Covid-19. Người người bịt khẩu trang kín mít, hạn chế tiếp xúc, trò chuyện. Chưa bao giờ con phố nhỏ Phương Mai trước cổng Bệnh viện Việt Pháp lại vắng vẻ đến vậy. Ngày ấy, nhắc tới Bệnh viện Việt Pháp người ta nghĩ đến thảm họa diệt vong. Bởi, nơi đó có đại dịch mang tên SARS – bệnh mà cả thế giới khiếp sợ.
Chị Mến cho biết, đại dịch SARS lúc đó ập đến bất ngờ như “cơn sóng thần”. Mọi người khi đó đều không biết bất cứ thông tin gì về dịch bệnh, không kịp cảnh bảo bất cứ cái gì. SARS ập tới và cứ thế cuốn phăng đi.
“SARS lây nhiễm mạnh nhất lúc ho khạc đờm và ở trong môi trường đậm đặc. Chúng tôi lúc sốt vẫn ở nhà và tiếp xúc với cả gia đình, ăn cùng làm cùng nhưng may mắn không ai làm sao. Sau đó, 1-2 ngày chúng tôi rút kinh nghiệm và mở cửa thông thoáng. Các nhân viên y tế bị lây sau đó lại chỉ bị nhẹ, không đến mức phải thở máy như tôi và như vậy là đã sống rồi”- chị Mến chia sẻ.
Nữ y tá Nguyễn Thị Mến hiện vẫn đang công tác tại Bệnh viện Việt Pháp. |
Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới vào năm 2003 khống chế thành công và dập tắt được đại dịch SARS. "Ngày ấy chúng ta cách ly được sớm, khoanh vùng dập dịch được nhanh. Chúng ta hoàn toàn công khai minh bạch về thông tin. Chúng ta công bố ngay cho cả thế giới biết về căn bệnh lạ để họ cảnh báo cho toàn cầu. Bên cạnh đó sự bình tĩnh, tin tưởng cũng sẽ mang đến những quyết định sáng suốt, sự hoảng loạn chỉ làm tình hình rối thêm"- chị Mến cho biết.
Dịch Covid-19 cũng là một sự cảnh báo, bởi dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Như chính dịch SARS trước đây, virus gây bệnh lại biến đổi và gây ra dịch Covid-19 này. Có thể sau này còn nhiều dịch bệnh khác xuất hiện vì môi trường biến đổi, vi khuẩn, virus biến đổi… Do vậy, bản thân mỗi người phải có y thức giữ gìn vệ sinh ở tất cả mọi lúc, mọi nơi chứ không cứ có dịch mới phòng bệnh.
Với dịch Covid-19, chị Mến tin tưởng dịch sẽ không bùng phát vì chúng ta là người chủ động, chúng ta biết được cách thức lây, biết cách điều trị và trang thiết bị cũng được trang bị đầy đủ: “Tôi rất chia sẻ với các đồng nghiệp đang phải gồng mình lên chống chọi với dịch Covid-19. Dù bây giờ chúng ta có phần yên tâm vì có các phương tiện bảo hộ, trang thiết bị đầy đủ nhưng dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, chúng ta luôn phải cảnh giác. Bên cạnh đó sự bình tĩnh và niềm tin vào cuộc sống, vào những điều tốt đẹp sẽ giúp các y bác sĩ chiến thắng nỗi sợ hãi, thực hiện tốt nhiệm vụ”./.
Câu chuyện “trực chiến” chống Covid-19 phía sau cánh cửa cách ly