Nước mặn tấn công, tỉnh Tiền Giang chủ động ứng phó
VOV.VN - Những ngày qua, gió chướng thổi mạnh, nước từ thượng nguồn đổ về yếu đã làm cho nước mặn từ biển "tấn công" nhanh vào các cửa sông của tỉnh Tiền Giang.
Để phòng chống hạn mặn xâm nhập sâu, bảo vệ an toàn cho sản xuất và đời sống người dân, các cấp chính quyền, các ngành chức năng và nhân dân địa phương đang khẩn trương chủ động ứng phó.
Trong mấy ngày nay, nước mặn tấn công vào sông Tiền của tỉnh Tiền Giang với tốc độ khá nhanh. Tại cống Xuân Hòa, cách cửa sông 30 km, độ mặn có thời điểm đã vượt ngưỡng 4 phần nghìn; tại Thành phố Mỹ Tho vượt 2 phần nghìn. Trước tình hình này, Công ty TNHH MTV khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang đã đóng kín cống Xuân Hòa, cống Bảo Định để ngăn mặn.
UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức cuộc họp khẩn để bàn các phương án ứng phó. Trước hết, tỉnh Tiền Giang xây dựng đập thép ngăn mặn tại kênh Nguyễn Tấn Thành và các tuyến kênh, rạch có liên quan để trữ nước ngọt cung cấp cho 1,1 triệu dân 2 tỉnh Tiền Giang- Long An. Hiện tại, vật tư, thiết bị để đóng đập thép đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Các địa phương trong tỉnh tiếp tục theo dõi diễn biến độ mặn để có giải pháp phù hợp. Ở thời điểm này, hàng chục nghìn ha vườn cây ăn trái ven sông Tiền và hàng nghìn ha hoa màu trên địa bàn rất cần nước. Đáng quan tâm là hơn 2.000ha hoa màu ngắn ngày tại huyện Châu Thành đang rất cần nguồn nước ngọt để thu hoạch phục vụ thị trường tết cổ truyền.
Ông Nguyễn Văn Nhắc, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Bình, huyện Châu Thành- nơi có 160 ha rau màu chia sẻ, chủ động phòng chống hạn mặn, năm nay Đảng ủy-UBND xã có chủ trương nắm tình hình hạn mặn, sẽ vận động bà con ngăn các cái đập, dẫn nước từ sông lớn vô chứa nước tưới tiêu. Thủy lợi nội đồng thì mình đã nạo vét các công kênh, rạch thông thoáng để giữ được lượng nước nhiều hơn.
Rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn mùa khô năm ngoái, hiện nay, chính quyền và nhà vườn trồng cây sầu riêng ở huyện Cai Lậy và Thị xã Cai Lậy có kế hoạch rất sớm để phòng chống thiên tai. Hầu hết các vườn cây sầu riêng đều có mương, ao trữ nước; hệ thống kênh mương được nạo vét và có phương án đóng kín khi nước mặn dâng cao.
Ông Dương Văn Đây, nhà vườn trồng 2ha cây sầu riêng tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy bày tỏ: “Bây giờ mình đang nạo vét các kênh mương. Sau khi thu hoạch xong rồi, tránh cho được cây ra hoa tiếp, mình tiếp tục chăm sóc cây cho qua hạn mặn”.
“Dự kiến năm nay mặn sẽ lên, làm gì làm mình phải thủ bị vì đã nhiễm mặn năm 2020 rồi, nếu năm nay bị nữa tôi lo ngại khi dồn dập ảnh hưởng cây nên mình phải tính toán. Hiện nay, nếu an toàn thì phải đắp các kênh. Nếu nhà nước có kinh phí đắp các cống lớn ngăn nước được, với mức giá sầu riêng như hiện nay có khả năng mình mua nước tưới vẫn có lợi nhuận”, ông Đây cho biết thêm.
Đối với vùng ngọt hóa Gò Công ở tỉnh Tiền Giang thì 23.000 ha lúa Đông Xuân đảm bảo an toàn, lượng nước ngọt trên kênh mương nội đồng còn khá dồi dào. Ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động người dân không nên xuống giống gieo sạ vụ 3.
Ông Ưng Hồng Nghi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, không chỉ chủ động nguồn nước cho sản xuất mà quan tâm đến nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, cấp bổ cho các nhà máy xử lý nước khi hạn mặn kéo dài. Năm nay các cống đập trên địa bàn tỉnh phải đóng ngăn mặn trước tết nguyên đán.
“Rút kinh nghiệm năm trước, năm nay mình theo dõi chặt chẽ các dự báo của cơ quan TW, đồng thời tổ chức quan trắc số liệu trên địa bàn tỉnh. Hàng tuần Sở có họp báo cáo tình hình thực hiện, phương án phòng chống hạn mặn và kế hoạch tới báo cáo UBND tỉnh để làm cơ sở triển khai thực hiện. Sở đề xuất năm nay sẽ đắp sớm kênh Nguyễn Tấn Thành để có nguồn nước cho sinh hoạt dân sinh cho địa bàn tỉnh Tiền Giang- Long An và một số nhánh có liên quan”, ông Nghi nói.
Cùng với việc chuẩn bị các hoạt động đón Tết cổ truyền, tỉnh Tiền Giang đang tích cực ứng phó với hạn mặn, nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do hạn mặn gây ra, bảo vệ thành quả của người lao động, ổn định đời sống dân sinh để địa phương bước vào năm mới với niềm tin và thắng lợi mới./.