Phải làm gì khi năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Lào?
VOV.VN - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, ngoài nâng cao chất lượng dạy nghề cần rà soát lại hệ thống trường nghề, kiên quyết giải thể các trường yếu kém.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung cho biết như vậy tại Hội nghị của Chính phủ trực tuyến với các địa phương ngày 29/12, đồng thời đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo sát sao trong lĩnh vực nâng cao năng suất lao động.
Bộ trưởng đề nghị chính phủ và các địa phương tập trung có chiến lược trung – dài hạn khâu đột phá thứ 3, tức là phát triển nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao.
Ảnh minh họa: KT |
“Thời gian qua, việc này chúng ta có quan tâm nhưng chưa tương xứng, chưa đáp ứng yêu cầu. Thực tế Việt Nam đang thiếu các giải pháp căn cơ, và nhìn tổng quát chất lượng nhân lực Việt Nam còn rất thấp” – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn đánh giá của Ngân hàng thế giới, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, trong thang điểm 10 và chúng ta xếp hạng thứ 11 trong 12 quốc gia mà WB tiến hành khảo sát.
Nguồn nhân lực, chất lượng lao động không cao chính là nguyên nhân khiến năng suất lao động của chúng ta thấp. Chúng ta biết rằng, năng suất lao động là yếu tố cần thiết nhất cho cạnh tranh quốc tế. Thực tế, chúng ta đang thiếu hẳn một lực lượng có thể đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, nguy cơ thất nghiệp của các ngành, lĩnh vực thâm dụng nhiều lao động.
Năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 tăng 6%, thậm chí Việt Nam nằm trong nhóm có năng suất lao động tăng nhanh. Thế nhưng năng suất lao động của Việt Nam hiện nay lại rất thấp. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng như khảo sát của ILO, năng suất của Việt Nam bằng 1/5 so với Malaysia, 2/5 so với Thái Lan, 1/15 so với Singapore và chỉ bằng 87% so với Lào.
Về giải pháp cho năm 2018 và những năm tới, Bộ trưởng đề nghị Chính phủ và các địa phương coi trọng vấn đề này, đầu tư nhiều hơn với giải pháp căn cơ cho lĩnh vực đào tạo nghề, nhất là những giải pháp áp dụng công nghệ cao, năng suất lao động tổng hợp, chuyển dịch từ ngành có năng suất thấp sang ngành có năng suất lao động cao với giá trị hàng hoá, nâng cao kỹ năng và tay nghề, đổi mới quản trị doanh nghiệp.
Rà soát qui hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo hướng kiên quyết sắp xếp các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục dạy nghề tổng hợp theo nguyên tắc tích hợp 3 trong 1 hoặc 2 trong 1. Hiện nay 43/63 tỉnh thành đã triển khai, giảm được 252 trung tâm giáo dục nhưng một số địa phương vẫn còn chậm.
Cùng với đó, cần kiên quyết giải thể hoặc sắp xếp lại các cơ sở giáo dục không có hiệu quả không đáp ứng yêu cầu và tập trung sắp xếp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp với 3 khâu đột phá cơ bản là tự chủ, kết nối doanh nghiệp và chuẩn hoá.
Cùng với chỉ đạo của Trung ương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo sát sao đảm bảo cho chương trình giảm nghèo được hiệu quả và thực chất, nhất là khu vực miền núi, đồng bào dân tộc. Đây chính là nơi lõi nghèo của chúng ta và thực tế lõi nghèo này càng khó khăn hơn. Cái gốc vẫn là phải chăm lo đào tạo nghề cho dân và lo sinh kế cho người dân./.