Phải “tính sổ” thủy điện nếu không đạt mục tiêu
(VOV) - Bên lề Quốc hội sáng 16/11, nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm của mình sau khi xảy ra động đất 4,7 độ richter ở Quảng Nam.
Phải an dân
Đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng, cho dù những người có trách nhiệm khẳng định đập vẫn an toàn, thì trước tình hình động đất và dư chấn vẫn xảy ra với cường độ ngày càng gia tăng thì người dân không thể không lo lắng.
Cũng theo đại biểu, thông tin được các nhà khoa học đưa ra cần phải được tin tưởng, vì họ có trách nhiệm và có chuyên môn, tránh việc nhiễu loạn thông tin khiến người dân hoang mang cũng như gây tranh luận không cần thiết. Còn việc nói cường độ còn mạnh hơn, mức nước còn cao hơn hay thấp hơn thì phải được chứng minh rõ ràng.
Đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng, cùng với khẳng định tính an toàn của đập cần có phụ cấp, đền bù cho người dân ở khu vực Trà My. Mặc dù phụ cấp bao nhiêu cũng khó bù đắp vì động đất ngoài gây tổn hại về vật chất còn tác động đến tâm lý, đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, nhưng biện pháp trên cần thực hiện để góp phần an dân.
Đại biểu Phạm Trường Dân cũng cho biết, động đất xảy ra liên tiếp khiến người dân không yên tâm, không tập trung sản xuất nên ảnh hưởng nhiều đến kinh tế, ngoài ra còn gây thiệt hại về tinh thần.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (trái) và đại biểu Ngô Văn Minh |
Về số ngôi nhà bị nứt do động đất, Chính phủ đã yêu cầu rà soát để lên phương án bồi thường cho dân. Tuy nhiên, quan trọng số 1 vẫn là đảm bảo an toàn cho người dân.
Đập Sông Tranh 2 không xả nước được do không có cửa xả nên với lượng nước đang chứa là hơn 200 triệu khối, cao trình hơn 140m, nếu muốn xả nước phải tính toán cẩn trọng và hướng xử lý cuối cùng vẫn còn phải chờ.
Còn đại biểu Đỗ Văn Đương thì bày tỏ, rất khó để người dân yên tâm khi chỉ dựa trên những kết luận được đưa ra thời gian qua vì thiên tai là không có giới hạn. Ngay cả nước tiên tiến về trình độ khoa học kỹ thuật như Nhật Bản cũng không lường trước được như vụ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Nhưng theo đại biểu, dù tính toán như thế nào, an toàn tính mạng và tài sản của người dân phải được đặt lên trên hết chứ không thể để đến khi việc đã rồi.
Không đảm bảo mục tiêu phải “tính sổ” thủy điện
Về việc quy hoạch và xây dựng thủy điện tác động đến rừng, đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng vấn đề bảo vệ rừng và trồng lại rừng chưa được quan tâm đúng mức.
“Tôi đã chất vấn về vấn đề này nhưng rõ ràng đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Gần 230.000 ha rừng mới trồng được 730ha thì trách nhiệm này thuộc về ai?”, đại biểu nêu ý kiến.
Thủy điện phải đạt được 3 mục tiêu tổng hợp là góp phần cung cấp điện cho quốc gia, điều tiết nước cho mùa lũ, cấp nước cho mùa kiệt và góp phần ổn định tình hình kinh tế cho địa phương, nhất là đồng bào trong vùng dự án. Theo đại biểu Ngô Văn Minh, nếu không đạt các mục tiêu đó phải “tính sổ” các thủy điện.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng khi thực hiện các dự án thủy điện nếu không tính toán xa thì tác hại là lâu dài. Rừng điều hòa cả một hệ sinh thái, nuôi dưỡng nhiều nguồn lực khác như đất đai, nông nghiệp, cuộc sống, khí hậu môi trường…
“Nếu chúng ta vì nôn nóng mà phát triển thủy điện quá “nóng” thì nó sẽ tàn phá rừng và gây ra nhiều hậu quả khôn lường”, đại biểu nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu, vấn đề quản lý bảo vệ rừng liên quan đến nhiều Bộ, do đó cần phải có một “nhạc trưởng”, trước hết là Chính phủ quyết định.
“Theo tôi các công trình thủy điện cũng phải đưa ra Quốc hội để xem xét, đánh giá, thẩm tra. Những tác động của thủy điện như Thủ tướng nói là rất đúng. Nếu không bảo đảm được tất cả những yếu tố thì tốt nhất là chấm dứt công trình vì hậu quả về sau là dân và Nhà nước gánh chịu”, đại biểu đề nghị./.