Phân luồng xe khách đi làn trong cùng, có chặn được xe dù bến cóc lộng hành
VOV.VN - Trước tình trạng xe khách sau khi xuất bến chạy với tốc độ rùa bò 2 bên đường Phạm Hùng để đón trả khách/đón trả hàng, gây nên ùn tắc giao thông vô cùng nhức nhối xung quanh khu vực bến xe Mỹ Đình, lực lượng thanh tra giao thông đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý nhưng không hiệu quả.
Vì vậy từ đầu năm 2024 Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã giao cho Đội TTGT vận tải đường bộ, Đội TTGT Nam Từ Liêm phối hợp với Đội CSGT số 6 tổ chức điều tiết và phân luồng giao thông, hướng dẫn xe khách sau khi xuất bến đi vào làn giữa và làn trong cùng. Phương án này bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.
Ghi nhận thực tế vào giờ cao điểm sáng các ngày trong tuần cho thấy, lực lượng thanh tra chuyên ngành đường bộ đã bố trí 4 cán bộ cắm chốt tại khu vực gần bến xe Mỹ Đình và một số vị trí dọc đường Phạm Hùng để hướng dẫn, phân luồng cho xe khách sau khi xuất bến đi vào làn giữa và làn trong cùng.
Nhờ đó làn hỗn hợp ngoài cùng bên phải đường Phạm Hùng không còn bị xe khách chiếm dụng, thông thoáng hơn, xe buýt ra vào điểm đón thuận tiện hơn.
Anh Đặng Văn Thức, tài xế xe buýt thuộc Công ty xe khách Đông Anh cho biết: "Từ ngày thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông phân luồng trên đường Phạm Hùng cho xe khách đi vào làn trong thì xe buýt chúng tôi đi thông thoáng hơn, ra vào điểm đón trả khách dễ dàng hơn, an toàn hơn so với trước.
Trước đây xe khách họ vẫn ra vào điểm của xe buýt, rồi bò trên đường, khi xe buýt vào điểm rất khó. Khi không vào được điểm đón, khách phải ra giữa đường lên xe, nhất là khi có xe máy lách vào thì rất nguy hiểm, khi mình vào sát điểm đón thì khách lên xuống sẽ an toàn hơn nhiều".
Tài xế Hà Văn Tình, chuyên chạy tuyến cố định Bắc Giang - Mỹ Đình, Công ty cổ phần xe khách Bắc Giang cũng chia sẻ: "Tôi thấy phương án phân luồng này rất tốt, đảm bảo tránh ùn tắc giao thông; hiện tại xe dù xe cóc ở đây không còn nữa và có thể không tạt vào đây nữa, hành khách và bà con nhân dân đã vào bến để đi nhiều hơn. Vì thế xe công ty đỡ vất vả hơn, nhàn hơn và có được lượng khách tốt hơn, anh em chúng tôi đỡ phải đón khách ngoài đường".
Trao đổi với VOV Giao thông ông Trần Minh Tú, Tổ trưởng Tổ công tác sáng 16/7, Đội TT GTVT đường bộ cho biết: "Thực hiện theo phương án của Thanh tra Sở, chúng tôi đã phối hợp với Đội CSGT số 6 đảm bảo trên tuyến Phạm Hùng, đặc biệt là vào giờ cao điểm, để đảm bảo cho người dân đi lại thuận tiện chúng tôi đã tách làn, phương tiện xe khách sau khi xuất bến sẽ đi vào làn giữa và làn sát bên trái để tránh hiện tượng đón khách/bốc dỡ hàng hóa ảnh hưởng đến giao thông, tình hình giao thông thông suốt và ổn định hơn; chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp để đảm bảo trong thời gian tới".
Theo Thiếu tá Lê Văn Đông, Đội CSGT đường bộ số 6, Phòng CSGT Hà Nội, phương án phân luồng như hiện nay đang khiến cho các nhà xe không có cơ hội đi chậm như rùa bò, đón trả khách dọc tuyến đường Phạm Hùng, bản thân người lái xe chấp hành các quy định về giao thông tốt hơn và đặc biệt giảm ùn tắc giao thông.
"Hiệu quả của phương án này rất tốt và tích cực, đặc biệt việc phân luồng như thế này giúp giảm được xung đột giữa các điểm ra và điểm vào của đường cao tốc và trên cầu, giảm được ách tắc giao thông, giảm hẳn ùn tắc tại các điểm nút giao thông trước Bến xe Mỹ Đình.
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao trong việc xử lý, do nhân lực có hạn nên áp dụng khoa học kĩ thuật vào, như lắp thêm các điểm camera phạt nguội, từ đó xử lý một cách triệt để, tránh việc các đối tượng theo dõi và gây khó khăn cho tổ công tác trong phát hiện vi phạm", Thiếu tá Đông nói.
Chia sẻ với VOVGT, ông Hoàng Xuân Dư, Đội trưởng Đội TTGT vận tải đường bộ, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, xuất phát từ tình trạng xe khách sau khi xuất bến thường chạy với tốc độ rùa bò ở làn hỗ hợp để đón trả khách/đón trả hàng khiến ùn tắc giao thông vô cùng nhức nhối.
Sau rất nhiều biện pháp như xử phạt vi phạm hành chính, dùng loa để tuyên truyền nhưng không hiệu quả, từ đầu năm 2024, Đội TTGT vận tải đường bộ phối hợp cùng Đội CSGT số 6 triển khai phương án bố trí lực lượng ở các vị trí điểm quay đầu đường Phạm Hùng, đường Đình Thôn và điểm nhà chờ xe buýt đối diện bến xe Mỹ Đình để phân luồng và điều tiết xe khách đi vào làn giữa và làn trong cùng, trả lại làn bên phải, sát vỉa hè cho thô sơ, xe buýt ra vào các điểm dừng đón/trả khách mà không bị cản trở bởi xe khách.
"Trong quá trình triển khai, chúng tôi chỉ triển khai được trong các khung giờ cao điểm sáng và chiều, bởi lực lượng mỏng nên trước mắt chúng tôi mới giải quyết được ở những tụ điểm phức tạp nhất, chẳng hạn như: khu vực gần đèn xanh đèn đỏ, các điểm xe buýt ra vào để đảm bảo cho xe buýt ra vào thuận lợi. Còn trên suốt dọc đường này chúng tôi không đủ người để mà rải khắp các tuyến đường điều tiết giao thông. Vì vậy nếu có thể tổ chức lại giao thông, điều tiết bằng hệ thống biển báo, vạch kẻ đường thì hiệu quả chắc chắn sẽ cao hơn", ông Dư cho biết.
Cũng theo ông Hoàng Xuân Dư, từ giữa tháng 6, Đội TTGT đường bộ thực hiện phân luồng vào giờ cao điểm sáng, buổi chiều sẽ do Đội TTGT Nam Từ Liêm thực hiện. Ngoài ra, lực lượng thanh tra giao thông còn phối hợp với PC06 thường xuyên giải tỏa và xử lý các hàng quán 2 bên đường Phạm Hùng.
Tuy nhiên, do lực lượng nhân sự có hạn, nên khi vắng bóng lực lượng chức năng, đặc biệt là sau nút giao Phạm Hùng – Tôn Thất Thuyết xe khách lại tạt vào lề đường đón khách/đón hàng; và hàng quán lại tái xuất hiện.
Như vậy, Sở GTVT Hà Nội cần tính đến phương án phân luồng lại giao thông trên đường Phạm Hùng và khu vực xung quanh bến xe Mỹ Đình, theo hướng điều tiết bằng hệ thống biển báo, vạch kẻ đường phân luồng cho xe khách đi vào làn giữa và làn trong cùng. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, các đội TTGT địa bàn dọc tuyến đường Phạm Hùng trong triển khai phương án phân luồng, tổ chức lại giao thông.
Đặc biệt cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền sở tại, lực lượng cảnh sát trật tự cấp phường/xã, xử lý triệt để các hàng quán dọc 2 bên đường – nơi mà nhà xe thường lợi dụng để làm điểm đón khách và nhận hàng trên đường Phạm Hùng và xung quanh khu vực Bến xe Mỹ Đình. Có như vậy mới thực sự dẹp được nạn bến cóc xe dù, đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông và đem lại sự bình yên cho nhân dân.