Phạt nguội là phạt ai?
VOV.VN - Những quy định mới về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đang tạo ra không ít bối rối cho người dân. Điều này cũng dễ hiểu, và những bàn luận xung quanh chủ đề này cũng sẽ giúp những điều bối rối sớm đi qua.
Việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông ở Việt Nam từ 1/1/2025 đã có tác dụng rất to lớn. Ví dụ ở Hà Nội, có thể nhận thấy những hành vi vi phạm luật giao thông đã rõ giảm đáng kể. Thậm chí, sau trận chung kết của Việt Nam với Thái Lan vừa qua, rất nhiều người ra đường để ăn mừng chiến thắng mà vẫn dừng đèn đỏ đúng quy định.
Tôi nghĩ đó là một dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, vẫn có một số điểm còn băn khoăn liên quan đến phạt nguội và việc thực hiện phạt nguội.
Đầu tiên, về định nghĩa thế nào gọi là vi phạm hành chính. Theo Luật xử phạt vi phạm hành chính của chúng ta hiện nay, trong Khoản 1, Điều 2 có giải thích đó là hành vi do lỗi của cá nhân hoặc tổ chức vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là hành vi tội phạm theo quy định của pháp luật thì bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa đến mức phải xử lý hình sự.
Một điểm căn bản thứ hai, trong Điểm đ, Điều 3 của Luật cũng quy định về các nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính có nêu rõ: người có thẩm quyền xử phạt phải có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính, cá nhân hoặc tổ chức xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
Ở đây có vài điểm tôi thấy khá băn khoăn. Đó là hiện nay, việc tiến hành phạt nguội tức là thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông được thực hiện thông qua các biện pháp nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật, như camera giao thông và các phương tiện theo dõi khác.
Thực tế, chúng ta chỉ phát hiện ra các phương tiện có dấu hiệu vi phạm. Nhưng nếu như theo Điểm đ, Khoản 1, Điều 3 của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính, thì để xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt không thể xử phạt phương tiện hay là chủ phương tiện đó, mà phải xử phạt người thực hiện hành vi vi phạm hành chính đó, tức là người đang điều khiển phương tiện đó. Hiện chúng ta gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định người điều khiển phương tiện là ai.
Tôi nghĩ đó là một điểm tương đối bất cập. Đâu đó, việc xử phạt vi phạm hành chính, tích lũy các hành vi vi phạm hành chính để cho rằng người chủ phương tiện phải có trách nhiệm chứng minh là mình không vi phạm, trong trường hợp này có bất cập.
Tôi nghĩ, với các nguyên tắc của xử phạt vi phạm hành chính và trong bối cảnh, điều kiện là chúng ta đã có các giải pháp, nền tảng về số hóa thì rõ ràng, chúng ta có đủ cơ sở, đủ nền tảng và đã đến lúc cần phải và nên có giải pháp để đồng bộ hóa, cho phép cơ quan chức năng có thể xác định được chính xác phương tiện đó vào lúc đó, ai là người đang điều khiển.
Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là trong lúc mà chúng ta chưa triển khai được, thì cơ quan chức năng lại có thể bỏ qua nghĩa vụ của mình và các nguyên tắc về xử phạt vi phạm hành chính đã được quy định trong luật.
Tôi nghĩ, cơ quan chức năng vừa một mặt nên hạn chế việc sử dụng các quy định không phù hợp với luật về xử phạt vi phạm hành chính, cũng nên sớm triển khai các giải pháp về số hóa, để cho phép xác định một cách nhanh chóng, rõ ràng người vi phạm các quy định về vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ để có thể xử phạt chính xác, đầy đủ và phù hợp với pháp luật.