Phi công nghỉ việc phải báo trước 6 tháng: Sai Luật Lao động!
VOV.VN -Một số điểm trong dự thảo bổ sung một số điều trong thông tư về an toàn hàng không dân dụng và khai thác tàu bay còn bất hợp lý.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều trong thông tư về an toàn hàng không dân dụng và khai thác tàu bay.
Dự thảo thông tư mới ban hành quy định, nhân viên hàng không trình độ cao có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, nhưng phải thông báo bằng văn bản trước 180 ngày.
Dự thảo cũng quy định, nhân viên hàng không trình độ cao khi chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn phải có trách nhiệm bồi thường chi phí huấn luyện, đào tạo do người khai thác tàu bay đã thực hiện đào tạo, huấn luyện; bồi thường chi phí phá vỡ cam kết thời gian làm việc sau đào tạo.
Lý do được ban soạn thảo đưa dự thảo đưa ra là để doanh nghiệp lập kế hoạch duy trì hoạt động bảo đảm khai thác tàu bay theo kế hoạch đã được phê duyệt. Khi chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, phi công hay các lao động trình độ cao khác đồng thời phải bồi thường chi phí huấn luyện, đào tạo và chi phí phá vỡ cam kết thời gian làm việc sau đào tạo với doanh nghiệp.
Trước nội dung dự thảo mới này, đại diện một số hãng hàng không bày tỏ sự ủng hộ đối với những quy định nêu trên. Theo Vietnam Airlines, quy định trên là phù hợp đảm bảo cạnh tranh lành manh giữa các hãng lịch bay của hãng được tính theo chu kỳ 6 tháng, bao gồm cả nội dung về nguồn lực lao động. Do vậy, phi công nghỉ việc đột xuất sẽ làm xáo trộn toàn bộ kế hoạch kinh doanh.
Luật Hàng không “bỏ qua” Bộ Luật Lao động?
Dự thảo Thông tư của Bộ GTVT bổ sung một số điều trong thông tư về an toàn hàng không dân dụng và khai thác tàu bay đang gây tranh cãi, với không ít ý kiến cho rằng nhiều điểm bất hợp lý.
Quan điểm của giới luật sự cho biết, quy định về thời hạn thông báo về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động 180 ngày là không phù hợp, là trái với quy định của Bộ luật Lao động hiện hành. Điều này gây khó khăn, cản trở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi thiết thực của người lao động trong quá trình tìm việc làm, quyền tự do làm việc của người lao động.
Cụ thể, tại Điều 37 của Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động đã quy định rõ, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 3 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Đặc biệt, Điều 37 quy định cụ thể: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày.
Trong khi đó, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) lại cho rằng, quy định trên là có cơ sở khi viện dẫn theo Điều 70 của Luật Hàng không. Vụ Pháp chế cho rằng, theo Điều 70 Luật Hàng không quy định, Bộ trưởng Bộ GTVT được phép quy định chế độ lao động, kỷ luật đặc thù của nhân viên hàng không, nên có thể đưa ra mức trên 30 hay 45 ngày.
Vụ Pháp chế bộ này còn lý giải thêm, theo Bộ luật Lao động quy định, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày chứ không phải thời hạn tối đa.
Phản ứng trước quan điểm này, đại diện Công đoàn ngành Xây dựng cho rằng, nếu viện dẫn theo Luật Hàng không để Bộ GTVT ban hành quy định riêng về chế độ và quyền lợi của người lao động và của người sử dụng lao động là không chính đáng. Bởi trong nền kinh tế hiện nay với vô số ngành nghề, lĩnh vực đặc thù, nếu mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều tự đặt ra những quy định riêng thì sẽ nhanh chóng phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật./.