Phó Thủ tướng: Lương lãnh đạo quá cao so với hiệu quả sản xuất
VOV.VN - Tiền lương quản lý lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước quá cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bất hợp lý đối với người lao động.
Sáng 17/10 tại Hà Nội, Đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn chủ trì buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công với cách mạng đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Tổng Liên đoàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là đơn vị đầu tiên được khảo sát về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công với cách mạng. Đồng thời, đề nghị các đại biểu cho ý kiến, đánh giá về thực trạng chính sách tiền lương trong hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để làm rõ, vì sao chính sách tiền lương chưa là động lực để người lao động gắn bó, tận tâm với công việc.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Mức lương tối thiểu chưa đáp ứng cuộc sống tối thiểu, quan hệ tiền lương vẫn mang tính bình quân và thấp hơn nhiều so với quan hệ tiền lương so với thị trường lao động; hệ thống thang bậc lương đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn phức tạp và lạc hậu; và việc nâng bậc nâng ngạch chưa theo yêu cầu vị trí việc làm, đặc biệt là chưa khuyến khích các cán bộ công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị, việc mở rộng đối tượng và số lượng phụ cấp đã tạo ra bất hợp lý trong cơ quan chung, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập còn nhiều bất cập, các đồng chí xem chỗ này. Chúng ta nói lương bao gồm phụ cấp, lương cơ bản và thưởng. Bây giờ còn các khoản ngoài lương, còn lớn hơn trong lương. Mục tiêu sau này phấn đấu đưa hết tất cả thu nhập khác vào lương, rồi tiền lương quản lý lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước quá cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bất hợp lý đối với người lao động trong doanh nghiệp và cán bộ công chức.
Trước đó, theo báo cáo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tính đến tháng 3/2017, toàn hệ thống công đoàn có 14.957 cán bộ công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của Tổng liên đoàn, có thu nhập bình quân hơn 6,8 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều bất cập như: hệ số lương thấp, chế độ tiền lương chưa công bằng có một số ngành được áp dụng thực hiện hệ số tiền lương tăng thêm; việc chuyển ngạch còn nhiều bất cập, do vậy chưa tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức phát huy hết khả năng, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị, cần thiết phải xác định lại mức lương cơ sở đúng và đủ trong khu vực nhà nước phù hợp với thị trường lao động. Bên cạnh đó, cần thực hiện quản lý và chi trả tiền theo thiết kế tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và hiệu quả công việc cố định làm tiêu chí đánh giá cán bộ công chức viên chức hàng năm.
Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quyết định mức lương, ngạch lương được tăng cho cấp lãnh đạo quản lý trực tiếp. Nghiên cứu, tính toán tiền lương, tiền công theo khối lượng công việc của từng cơ quan, đơn vị, bộ phận, gói tiền lương này có thể thay đổi hàng năm theo yêu cầu chức năng, nhiệm vụ phải hoàn thành./.
Tiền lương tăng thêm có phải tính đóng BHXH?
Sẽ báo cáo Thủ tướng điều chỉnh chế độ lương hưu cho giới nữ