Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ LĐ-TB&XH
VOV.VN -Phó Thủ tướng lưu ý Bộ LĐTB&XH cần nghiên cứu về ứng dụng công nghệ thông tin, giúp người lao động có công cụ để tìm việc làm hiệu quả hơn
Sáng nay (28/10), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ trong một số lĩnh vực.
Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: 10 tháng qua, cả nước tạo việc làm cho khoảng 1,2 triệu người, đạt 80,96% kế hoạch năm. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài là hơn 91.000 người, bằng 129,54% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đã có 623.000 người được tuyển sinh học nghề trong 8 tháng đầu năm. Đến hết tháng 9, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 11,2 triệu người, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là hơn 190.000 người, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, đã có hơn 401.000 người đăng ký thất nghiệp. Tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 383.000 người.
Cùng với đó, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ hoàn thành việc báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 theo yêu cầu của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012. Ước tính đến cuối năm tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 5,8% - 6,0%, giảm khoảng 1,8% - 2% so với cuối năm ngoái, trong đó các huyện nghèo giảm bình quân 4%. Lĩnh vực người có công, chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội cũng đạt được những kết quả khả quan.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết: Nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm và năm 2015, Bộ sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Việc làm và tổ chức triển khai thực hiện; Tiếp tục phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất các chỉ tiêu lao động, việc làm giai đoạn 2016 – 2020; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường lao động; nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm trong dự báo về thị trường lao động;Tăng cường công tác quản lý lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Thực hiện kịp thời công tác cứu trợ đột xuất, bảo đảm người dân bị thiệt hại khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời.
Bộ cũng sẽ tổ chức đánh giá, tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015. Tiếp tục triển khai nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể về đổi mới phương pháp tiếp cận nghèo đói ở Việt Nam từ đơn chiều sang đa chiều.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rất rộng và đều là những lĩnh vực được xã hội quan tâm. Vai trò, trách nhiệm của Bộ được thể hiện rõ qua việc triển khai phương án đưa lao động từ Libya về nước an toàn; tìm giải pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc… Một số lĩnh vực như: Người có công, bảo vệ chăm sóc trẻ em…. được Bộ triển khai có hiệu quả.
Tuy nhiên, trong tình hình mới, một số vấn đề được dư luận và người dân ngày càng quan tâm thuộc lĩnh vực Bộ quản lý và cần tập trung chỉ đạo và triển khai đó là vấn đề giải quyết việc làm trong nước cho người lao động.
Phó Thủ tướng cho rằng: Hiện nay, nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động qua mạng ngày càng tăng, Bộ cần nghiên cứu về ứng dụng công nghệ thông tin, giúp người lao động có công cụ hữu hiệu để tìm việc làm thuận tiện và hiệu quả hơn. Bộ cần thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan trong việc giải quyết việc làm trong nước cho người lao động.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, việc cải cách thủ tục hành chính cần được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đổi mới, để việc chi trả, thanh toán lương, chế độ chính sách và phụ cấp cho các đối tượng thuộc lĩnh vực, ngành quản lý được thuận tiện.
Về lĩnh vực dạy nghề, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Theo phương án trình Quốc hội là tới đây Bộ sẽ quản lý cả phần Cao đẳng. Vậy quản lý như thế nào, hướng tới cơ cấu toàn bộ hệ thống dạy nghề như thế nào? Trong đó có những việc xã hội bức xúc như dạy nghề cho lao động nông thôn. Có tỉnh thì tốt, có tỉnh thì không hiệu quả”./.