Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm việc nhập lậu cá
(VOV) -Tình trạng nhập lậu cá tầm, cá trê, cá quả vào nước ta đang diễn biến phức tạp. Kết quả xét nghiệm mẫu phát hiện chất cấm.
Vấn đề được quan tâm nhất là tình trạng nhập lậu cá tầm, cá trê, cá quả vào nước ta đang diễn biến phức tạp. Trong khi đó, kết quả xét nghiệm mẫu các loại cá này đều phát hiện có chất cấm.
6 tháng qua, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phát hiện, xử lý 40 vụ vận chuyển buôn bán thủy sản nhập lậu vào nội địa tiêu thụ, tịch thu 30 tấn thủy sản các loại, trong đó có 10 tấn cá tầm.
Cá tầm, cá trê, cá quả nhập lậu được bày bán công khai ở các chợ đầu mối và cả chợ bán lẻ, không có chứng từ hóa đơn chứng minh nguồn gốc, rất khó phân biệt với cá trong nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: “Kết quả lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm thì Bộ đã lấy 10% mẫu cá tầm, 10% mẫu cá trê và 20% mẫu cá quả không rõ nguồn gốc, phát hiện các chất cấm như: “lencogrin”, “malachit” và Phuladulidon”, trong khi kết quả giám sát cá tầm, cá trê nuôi trong nước đều không có chất này”.
“Bộ NN&PTNT đang tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thủy sản kiểm tra xử lý thủy sản không rõ nguồn gốc. Hiện nay ở biên giới có việc nhập cá tầm sống về tạm nuôi”, ông Doanh nói.
Cũng trong 6 tháng qua, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an phát hiện, bắt giữ 500 vụ vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu, tịch thu tiêu hủy 127 tấn gà sống, hơn 46 tấn thịt gia cầm, hàng trăm nghìn quả trứng và gia cầm giống…
Qua việc xét nghiệm gần 34.000 mẫu thực phẩm, cơ quan chức năng phát hiện gần 5.700 mẫu có hàn the, formaldehyde, phẩm màu và chất bảo quản vượt mức cho phép, chiếm tỷ lệ 16,7%. Trong số 841 mẫu nông sản nguồn gốc thực vật được xét nghiệm, có 33 mẫu vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc kim loại nặng vượt mức cho phép. Trong đó, phát hiện 1 mẫu quả chanh tươi, 1 mẫu gừng tươi và 1 lô khoai tây nhập khẩu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép.
Về ngộ độc thực phẩm, 6 tháng đầu năm xảy ra 87 vụ với 1.649 người nhập viện, 18 trường hợp tử vong, giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng kết quả này chưa bền vững khi trong tháng 7 xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường xử lý những trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm, kiểm tra và xử lý nghiêm nếu phát hiện những vi phạm liên quan đến việc hợp thức hóa cho cá nhập lậu.
Bên cạnh việc trình Chính phủ phê duyệt các đề án phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm, giết mổ gia súc gia cầm an toàn, Phó Thủ tướng yêu cầu cần nghiên cứu xây dựng đề án chống nhập lậu thủy sản và tiếp tục phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia cầm.../.